Bức Đại Phật 1.500 tuổi tựa mình vào vách núi được hồi sinh sau 700 năm ‘biến mất’ bí ẩn, là tượng được điêu khắc bằng đá sớm nhất thế giới
Sau nhiều thế kỷ, bức Đại Phật này đã được “hồi sinh”, trở thành tượng đá được điêu khắc sớm nhất thế giới.
Tượng Mông Sơn Đại Phật, tọa lạc tại phía tây bắc dãy núi Mông Sơn, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, là một tuyệt tác điêu khắc trực tiếp trên đá. Với chiều sâu 17,5m, chiều rộng 25m và chiều cao 66m, bức tượng  này thể hiện sự vĩ đại và uy nghi. Tuy nhiên, do trải qua nhiều biến cố lịch sử, chiều cao ban đầu của tượng chỉ có thể được xác định thông qua các tư liệu cổ.
Theo ghi chép trong tài liệu "Vĩnh Lạc Đại Điện", tượng Mông Sơn Đại Phật được khởi công vào năm thứ hai triều Bắc Tề Thiên Bảo (559), có niên đại hơn 1.500 năm và cùng thời với chùa Khai Hoa. Tượng được khắc trên ngọn núi phía sau chùa, tạo nên một hình ảnh vừa hùng vĩ vừa linh thiêng.
Phật giáo  phát triển mạnh mẽ dưới triều đại Tùy Đường. Năm Nhân Thọ thứ nhất (601), chùa Khai Hoa mở rộng quy mô bằng cách xây dựng thêm các tượng Phật bảo vệ Đại Phật và đổi tên thành chùa Tịnh Minh. Đến năm Vũ Đức thứ ba (620), Đường Cao Tổ Lý Uyên đã thờ Phật tại đây và phục hồi tên gọi chùa Khai Hoa. Sự hiện diện của Lý Uyên đã nâng cao danh tiếng của Mông Sơn Đại Phật, thu hút hàng ngàn người dân đến chiêm bái.
Năm Hiển Khánh thứ hai (657), Vua Đường Cao Tông Lý Trí, cùng Hoàng hậu Võ Tắc Thiên và gia đình, đã viếng thăm chùa Khai Hoa, ban tặng nhiều báu vật quý giá, khiến chùa ngày càng phát triển và nổi tiếng hơn.
Tuy nhiên, dưới triều đại Đường Vũ Tông, với chính sách đàn áp Phật giáo, chùa Khai Hoa bị tàn phá và tượng Mông Sơn Đại Phật dần rơi vào quên lãng. Mặc dù Lưu Tri Viễn, Hoàng đế triều Hậu Hán, đã cho trùng tu tượng Phật vào năm 945, nhưng đến cuối triều đại nhà Nguyên, chùa lại bị thiêu hủy, và dấu vết của Mông Sơn Đại Phật hoàn toàn biến mất khỏi lịch sử.
Mãi cho đến năm 1385, triều Minh đã tái dựng lại chùa Khai Hoa, nhưng tượng Mông Sơn Đại Phật vẫn bị lãng quên. Chỉ đến năm 1983, một nhân viên hành chính đã phát hiện ra một khối đá đổ nát dưới chân núi, hình dáng giống tượng Phật, với phần đầu và dưới ngực bị chôn vùi dưới lớp đất đá.
Năm 2006, chính quyền địa phương bắt đầu công tác trùng tu và phục dựng phần đầu tượng. Sau hơn 700 năm, Mông Sơn Đại Phật "tái sinh", trở thành một trong những tượng Phật đá cổ nhất và lớn thứ hai trên thế giới.
Với giá trị văn hóa sâu sắc và nghệ thuật điêu khắc tinh xảo, Mông Sơn Đại Phật đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách. Tại đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền bí của tượng Phật, mà còn cảm nhận được sức mạnh và trí tuệ của con người, cũng như lòng tôn kính đối với thiên nhiên.
Nguồn: Sohu