Bức tranh nợ xấu của ngân hàng: Kỳ vọng gì cho nửa cuối năm?
Tín dụng đang dần có những tín hiệu hồi phục, tuy vậy, câu chuyện về kiểm soát nợ xấu vẫn còn là thách thức gây “đau đầu” cho ngành ngân hàng.
Trong bối cảnh nền kinh tế chuyển tiếp khó khăn từ năm 2023, nhu cầu vốn yếu vẫn là thách thức của ngành ngân hàng đến thời điểm hiện tại. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2024, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 14,4 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023.
Đáng nói, đây là mức tăng trưởng bứt tốc khi tại thời điểm cuối tháng 5/2024, mức tăng trưởng tín dụng mới là 2,41%. Như vậy, với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là đến hết quý II/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 5%-6%, ngành ngân hàng đã đạt được nhiệm vụ của mình.
Vượt qua những khó khăn chung của ngành, thời gian qua, các ngân hàng đã rất quyết liệt đẩy vốn ra nền kinh tế. Nhiều giải pháp kích cầu vốn đã được đề ra, những gói vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân với mức lãi suất rất thấp đã không còn xa lạ. Điều này đã trở thành một trong những nguyên nhân điển hình cho đà tăng tốc của tín dụng.
>> Ngân hàng cho vay 480.000 tỷ đồng chỉ trong 1 tháng 
Ngành ngân hàng đang nỗ lực đẩy vốn ra nền kinh tế (Ảnh: Internet) |
Ngân hàng vẫn phải đau đầu với nợ xấu
Để ráp đủ đầy bức tranh kinh doanh của ngành ngân hàng, không chỉ câu chuyện tăng trưởng tín dụng, việc kiểm soát chất lượng nợ vẫn là điều khiến các nhà băng “đau đầu”. Trong quá trình quản lý rủi ro và đánh giá chất lượng nợ, tỷ lệ nợ xấu trên tổng tài sản là một trong những chỉ tiêu tiêu biểu.
Tỷ lệ nợ xấu trên tổng tài sản là một chỉ số quan trọng trong lĩnh vực tài chính, giúp đo lường mức độ rủi ro tín dụng bằng cách so sánh lượng nợ xấu (nợ không trả được hoặc có khả năng không trả được) với tổng tài sản của tổ chức tín dụng đó. Chỉ số này không chỉ giúp đánh giá chất lượng tài sản và rủi ro tài chính mà còn phản ánh sức khỏe tài chính tổng thể của ngân hàng.
Theo đó, để đảm bảo tỷ lệ nợ xấu của hệ thống TCTD ở mức an toàn, bền vững, NHNN yêu cầu TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu (dưới 3% tổng dư nợ).
Tình hình nợ xấu tại một số ngân hàng (Nguồn: Tính toán từ BCTC các ngân hàng)
Dữ liệu từ các báo cáo tài chính quý II/2024 đã công bố cho thấy, tổng nợ xấu/tổng tài sản của đa số ngân hàng có xu hướng tăng. Điển hình, tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - HoSE: BID ), tỷ lệ này tăng từ 0,97% lên 1,14% tại thời điểm 30/6/2024. Trong đó, số dư nợ xấu đạt 28.687 tỷ đồng, tăng hơn 28% so với thời điểm đầu năm, với mức tăng ở cả 3 nhóm nợ xấu. Đặc biệt, nhóm nợ dưới tiêu chuẩn, tức nợ nhóm 3 tăng mạnh 86,23%, lên 7.113 tỷ đồng vào cuối quý II.
>> BIDV (BID) báo lãi 6 tháng đạt 12.450 tỷ đồng, nợ xấu tăng mạnh 28% 
Tính toán từ báo cáo tài chính của Ngân hàng TMCP Á Châu  (HoSE: ACB ), tổng nợ xấu/tổng tài sản của Ngân hàng tăng từ 0,82% lên 1,06% trong 6 tháng đầu năm. Số dư nợ xấu của ACB tăng 38%, từ 5.887 tỷ đồng hồi đầu năm lên 8.123 tỷ đồng vào cuối quý II. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng mạnh nhất (42%), lên hơn 5.525 tỷ đồng. Ngân hàng giải thích, nợ xấu chủ yếu tăng theo tình hình chung của thị trường và bị tác động bởi nhóm nợ kéo theo CIC.
Báo cáo của Ngân hàng TMCP Phương Đông (HoSE: OCB ) cho thấy, tổng nợ xấu/tổng tài sản tăng từ 1,63%, lên 2%. Ngân hàng cho biết, việc chủ động hỗ trợ, đưa ra các gói vay ưu đãi lãi suất về sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tiêu dùng để giúp người dân, doanh nghiệp có thêm điều kiện phát triển là ưu tiên hàng đầu trong những năm qua. Với bối cảnh doanh nghiệp đóng cửa, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng… phần nào đã ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng.
Đại diện OCB nhấn mạnh, ưu tiên xử lý, kiểm soát nợ xấu sẽ là một trong những mục tiêu quan trọng của OCB trong thời gian tới. Bên cạnh Thông tư 06 về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến hết 31/12/2024 hỗ trợ khách hàng, ngân hàng này sẽ tiếp tục xây dựng, kiện toàn hệ thống quản trị nợ, cảnh báo sớm, đưa ra nhiều phương án hỗ trợ khách hàng. Từ đó, việc kiểm soát nợ xấu cũng được kỳ vọng đạt hiệu quả tốt hơn.
>> Tập trung đồng hành cùng SME, OCB đạt 2.113 tỷ đồng lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2024 
Kết quả kinh doanh bán niên của Ngân hàng TMCP Quốc tế (HoSE: VIB ) cho biết số dư nợ xấu tăng hơn 21% trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 5 tăng mạnh 91,3%, lên 4.205 tỷ đồng. Từ đó, thúc đẩy tổng nợ xấu/tổng tài sản tăng từ 2,05% thời điểm đầu năm, lên 2,38% vào cuối quý II/2024.
Kỳ vọng gì cho nửa cuối năm?
Các chuyên gia đã có nhiều dự báo cho “gam màu” nợ xấu của ngành ngân hàng trong nửa cuối năm. Trong báo cáo chiến lược mới nhất, Chứng khoán VNDirect cho biết, chất lượng tài sản của toàn ngành trong những tháng còn lại dự kiến cải thiện so với nửa đầu năm nay. VNDirect kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp và sự phục hồi kinh tế giúp cải thiện thu nhập sẽ giúp hệ thống cải thiện chất lượng tài sản.
>> 'Gợi mở' chuyện tín dụng nhóm ngân hàng: Những cái tên nào sẽ ‘tăng tốc’? 
VNDirect dự báo tỷ lệ nợ xấu ngành ngân hàng sẽ giảm nhẹ so với năm trước (Nguồn: VNDirect) |
Bên cạnh đó, hoạt động thu hồi nợ (thông qua thanh lý, bán đấu giá tài sản) được tăng cường khi thị trường bất động sản dần phục hồi; Thông tư 02 được gia hạn đến hết năm 2024; và các ngân hàng sẽ tiếp tục xử lý nợ xấu cũng là lý do chứng minh cho kỳ vọng của VNDirect.
Cũng trong báo cáo chiến lược nửa cuối năm, Chứng khoán Vietcap dự báo, tỷ lệ nợ xấu cộng dồn nợ xấu đã xử lý bằng dự phòng và tỷ lệ nợ nhóm 2 sẽ giảm 32 điểm cơ bản trong năm 2024 và 41 điểm cơ bản trong năm 2025. Nhận định trên được hỗ trợ bởi dự báo mặt bằng lãi suất cho vay giảm do lãi suất duy trì ở mức thấp. Ngoài ra, với thị trường bất động sản dần và ngành sản xuất, dịch vụ dần phục hồi cũng hỗ trợ khả năng trả nợ vay của khách hàng.
>> Xu hướng nợ xấu được ‘hé lộ’ ra sao qua BCTC nhóm ngân hàng 
Xu hướng nợ xấu được ‘hé lộ’ ra sao qua BCTC nhóm ngân hàng 
Tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận vốn