Bùng phát dịch bệnh ‘chết chóc’ chưa có phương pháp điều trị và vaccine phòng ngừa, tỷ lệ tử vong lên đến 88%
Virus này lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc với dịch cơ thể của người nhiễm bệnh, thường tìm thấy ở loài dơi ăn quả và có họ hàng gần với virus Ebola.
Lần đầu tiên trong lịch sử, Bộ Y tế Rwanda phải đối mặt với đợt bùng phát virus  Marburg – một căn bệnh  xuất huyết hiếm gặp nhưng có tỷ lệ tử vong cao, tương tự như Ebola. Điểm khác biệt là hiện chưa có phương pháp điều trị hay vaccine cho Marburg, và tỷ lệ tử vong có thể lên tới 88%.
Theo Bộ Y tế Rwanda, đợt bùng phát đã ghi nhận 26 ca nhiễm, trong đó 18 người đang được điều trị và 8 người đã tử vong.
Ngoài việc cung cấp vật tư y tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO ) cũng thông báo sẽ cử bảy chuyên gia về bệnh xuất huyết đến Rwanda để hỗ trợ hướng dẫn các nhân viên y tế cộng đồng địa phương. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cũng cho biết vào thứ Hai rằng họ sẽ gửi chuyên gia đến Rwanda để hỗ trợ việc xét nghiệm và truy vết tiếp xúc.
Hiện chưa ghi nhận ca nhiễm virus Marburg nào ở Hoa Kỳ và nguy cơ lây nhiễm cho người dân Mỹ vẫn được đánh giá là thấp. CDC cũng cho biết họ đã có mặt tại Rwanda từ năm 2002 và đã hợp tác chặt chẽ để giúp quốc gia này củng cố hệ thống y tế.
Không giống như nhiều quốc gia khác ở khu vực cận Sahara, Rwanda sở hữu một hệ thống y tế công cộng vững mạnh, theo WHO.
Matshidiso Moeti, Giám đốc khu vực Châu Phi của WHO, nhận định: "Với nền tảng ứng phó khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đã được thiết lập vững chắc, WHO đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quốc gia để cung cấp sự hỗ trợ cần thiết, nhằm nâng cao hơn nữa những nỗ lực hiện tại".
Brian Chirombo, đại diện WHO tại Rwanda, bày tỏ sự tin tưởng rằng quốc gia này có "đủ năng lực và khả năng để nhanh chóng ngăn chặn đợt bùng phát".
Bộ Y tế Rwanda cho biết người dân có thể tiếp tục các hoạt động bình thường, đồng thời khuyến cáo không nên hoảng loạn. Chính phủ tin rằng họ đã xác định được tất cả các điểm nóng của dịch bệnh và đang thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan.
Virus đã lan rộng đến bảy trong số 30 quận của Rwanda. Hơn 100 người có tiếp xúc với bệnh nhân đang được giám sát hoặc cách ly, trong đó nhiều người là nhân viên y tế.
Marburg là virus thuộc nhóm orthomarburg, thường được tìm thấy ở loài dơi ăn quả và có họ hàng gần với virus Ebola. Virus Marburg lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc với dịch cơ thể của người nhiễm bệnh. Ngoài ra, việc chạm vào quần áo hoặc đồ trải giường của bệnh nhân cũng có thể dẫn đến lây nhiễm.
Theo các chuyên gia, đây không phải là virus lây truyền qua không khí giống như các loại virus corona khác, nên việc kiểm soát dịch bệnh có phần dễ dàng hơn.
Sau khi tiếp xúc với virus, các triệu chứng có thể mất tới 3 tuần mới xuất hiện. Bệnh thường khởi đầu bằng sốt và phát ban, kèm theo nôn mửa và đau đầu dữ dội, cùng với đau nhức cơ.
Ở những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể bị chảy máu từ mũi, nướu, mắt và có máu trong chất nôn, nước tiểu hoặc phân, do chảy máu nội tạng. Mất máu nặng có thể dẫn đến sốc và tử vong.
Hiện nay, các nhà khoa học đang nghiên cứu phát triển vắc-xin và phương pháp điều trị. Tuy nhiên, biện pháp chăm sóc hỗ trợ bao gồm nghỉ ngơi và bù nước vẫn là giải pháp chính.
Nguồn: WHO, Africa CDC, American CDC
>> Căn bệnh ảnh hưởng gần 60% số người cao tuổi ở Việt Nam