Chứng khoán

Bước đi sai lầm khiến gã khổng lồ công nghệ Mỹ ‘bốc hơi’ 70% vốn hoá, buộc sa thải hàng chục nghìn lao động

Nhật Hà 12/09/2024 15:30

Từng là một trong những công ty công nghệ hàng đầu thế giới, doanh thu gấp 3 lần Nvidia, giờ đây Intel rơi vào tình trạng thua lỗ, phải chạy đua trong từng phân khúc.

Cơn bão AI “bỏ quên” gã khổng lồ sản xuất chip Intel

Bước đi sai lầm khiến gã khổng lồ công nghệ Mỹ ‘bốc hơi’ 70% vốn hoá, buộc sa thải hàng chục nghìn lao động
Cơn sốt AI đẩy giá cổ phiếu công nghệ bay cao

Cơn bão trí tuệ nhân tạo (AI) bùng nổ đã đẩy cổ phiếu hàng loạt công ty công nghệ toàn cầu tăng cao. Trong đó, Nvidia, nhà sản xuất chip AI hàng đầu thế giới, được kỳ vọng hưởng lợi nhiều nhất từ cơn sốt này, đã vượt qua Apple và Microsoft trở thành công ty giá trị nhất thế giới vào tháng 6/2024 (vốn hóa 3.340 tỷ USD).

Ngược lại, Intel, công ty đầu tiên gia nhập chỉ số Dow Jones Industrial Average cùng với Microsoft trong thời kỳ bùng nổ dot-com cuối những năm 90, hiện đang phải đối mặt nguy cơ bị loại khỏi chỉ số Dow Jones (.DJI). Chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, cổ phiếu của gã khổng lồ sản xuất chip đã giảm hơn 60%, trở thành mã có hiệu suất tệ nhất của chỉ số.

Theo các nhà kinh tế Mỹ, việc bị loại khỏi chỉ số .DJI sẽ gây tổn hại thêm đến danh tiếng vốn đã “tụt dốc” của Intel. Đồng thời, việc “out top” có thể tiếp tục ảnh hưởng xấu đến giá cổ phiếu của công ty, vốn đã giảm hơn 70% so với mức kỷ lục vào tháng 8/2000, đẩy giá trị thị trường của hãng chip xuống dưới 100 tỷ USD lần đầu tiên trong 30 năm.

Bước đi sai lầm khiến gã khổng lồ công nghệ Mỹ ‘bốc hơi’ 70% vốn hoá, buộc sa thải hàng chục nghìn lao động
Cổ phiếu Intel giảm hơn 60% thị giá kể từ đầu năm 2024

Giai đoạn khó khăn nhất lịch sử của Intel

Diễn biến kém khả quan của cổ phiếu Intel phản ánh rõ nét những thách thức Tập đoàn phải đối mặt ở thời điểm hiện tại. Trong quý gần nhất (II/2024), Intel công bố khoản lỗ lên tới 1,6 tỷ USD. Để giải cứu các mảng kinh doanh đang thua lỗ, Intel buộc phải đưa ra quyết khó khăn nhất trong lịch sử của công ty khi sa thải 15% nhân viên (tương đương hơn 17.000 lao động), và thông báo ngừng việc chia một phần lợi nhuận cho cổ đông từ quý IV/2024.

Trong nỗ lực tìm lối thoát khỏi tình thế hiện tại, Intel ra chốt phương án tách riêng bộ phận thiết kế sản phẩm và sản xuất để cắt giảm chi phí và tập trung vào hoạt động cốt lõi. Đáng chú ý, Tập đoàn tích cực làm việc với ngân hàng đầu tư Morgan Stanley và Goldman Sachs Group để tìm phương hướng. Bên cạnh đó, Intel đang nhận sự hỗ trợ đáng kể từ Chính phủ Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã tài trợ cho Tập đoàn 8,5 tỷ USD và một khoản vay ưu đãi 11,5 tỷ USD.

Về kế hoạch mở rộng đầu tư ở một số nước, Intel dần trở nên thận trọng trước tình hình tài chính khó khăn. Theo đó, Intel xem xét dừng kế hoạch xây dựng nhà máy trị giá 30 tỷ Euro tại TP. Magdeburg, miền Đông nước Đức nhằm tiết giảm chi phí. Được biết, ngành sản xuất của quốc gia này đang trên đà sụt giảm kể từ đầu năm 2022 do bị ảnh hưởng bởi việc mất nguồn năng lượng giá rẻ của Nga và nhu cầu giảm tại thị trường xuất khẩu chính Trung Quốc.

Bỏ lỡ cơn sốt trí tuệ nhân tạo - khởi nguồn cho sự tụt hậu của Intel

Việc phải chi tiêu lớn cho năng lực sản xuất trong bối cảnh thiếu triển vọng kinh doanh rõ ràng trên thị trường bán dẫn được cho là yếu tố khiến Intel tụt hạng. Song, theo giới phân tích, sự bỏ lỡ cơ hội trong lĩnh vực AI đang phát triển nhanh chóng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hiện tại của Intel.

Từng là một trong những công ty công nghệ hàng đầu thế giới, tiên phong trong việc phát triển công nghệ vi mạch nhưng Intel đã để tuột lại phía sau vì chậm thay đổi. Quyết định từ chối đầu tư vào OpenAI đã khiến Intel đứng ngoài cuộc đua phát triển trí tuệ nhân tạo và đang chịu khoản lỗ ngày càng tăng ở mảng sản xuất chip theo hợp đồng.

Hiện, Intel vẫn chưa phải là một công ty lớn trong lĩnh vực chip máy chủ AI như Nvidia, thậm chí ở mảng AI còn đang bị thụt lùi trước AMD. Cùng với đó, sự gia nhập vào thị trường đồ họa cũng chưa thật sự gây được ấn tượng, khiến Intel phải chạy đua phân khúc chip laptop để giải quyết mối đe dọa hiện hữu của các chip Arm từ Qualcomm và Apple.

Hệ quả là từ nhà sản xuất chip máy tính dẫn đầu tại thị trường laptop, máy tính để bàn, máy chủ, giờ đây Intel đã phải đối đầu với rất nhiều đối thủ trong mọi phân khúc. Đặc biệt, mặc dù có nhà máy sản xuất riêng, nhưng Intel lại chỉ phụ trách phần đóng gói và chấp nhận phụ thuộc một phần vào TSMC - tập đoàn sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới, để có thể theo kịp sản lượng và đặc biệt là mục tiêu thu gọn tiến trình sản xuất cho CPU.

Việc không nắm bắt xu hướng đẩy Intel từ vị trí dẫn đầu công nghệ chip với doanh thu gấp 3 lần Nvidia, rơi xuống tình trạng khủng hoảng. Những nỗ lực hiện tại của Intel bị một số nhà phân tích và một cựu thành viên HĐQT đánh giá là quá ít và quá muộn đối với hãng sản xuất chip.

Bước đi sai lầm khiến gã khổng lồ công nghệ Mỹ ‘bốc hơi’ 70% vốn hoá, buộc sa thải hàng chục nghìn lao động
Những “đầu não” tài giỏi rời Intel để thành lập startup RISC-V

Không chỉ khủng hoảng về tài chính, Intel còn đối mặt với tình trạng khủng hoảng nhân sự “chảy máu chất xám”, khi 4 kiến trúc sư CPU (Debbie Marr, Mark Dechene, Jonathan Pearce và Srikanth Srinivasan) có bề dày kinh nghiệm đã quyết định rời đi để thành lập startup RISC-V mang tên AheadComputing.

Việc những “đầu não” tài giỏi của Intel rời bỏ góp phần tạo thêm thách thức cho Tập đoàn trong quá trình vực dậy hoạt động kinh doanh.

>> Hàng nghìn nhân viên Samsung sẽ mất việc vào cuối năm

Thủ tướng tạm hoãn hội nghị gặp mặt với Vingroup (VIC), Masan (MSN), FPT, Hòa Phát (HPG)

Reuters: Tập đoàn năng lượng lớn hàng đầu thế giới hủy kế hoạch đầu tư vào Việt Nam

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/buoc-di-sai-lam-khien-ga-khong-lo-cong-nghe-my-boc-hoi-70-von-hoa-buoc-sa-thai-hang-chuc-nghin-lao-dong-248657.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Bước đi sai lầm khiến gã khổng lồ công nghệ Mỹ ‘bốc hơi’ 70% vốn hoá, buộc sa thải hàng chục nghìn lao động
    POWERED BY ONECMS & INTECH