Bước ngoặt của các doanh nghiệp Việt khi tham gia chuỗi cung ứng với VinFast, một đơn vị tăng trưởng gấp 12 lần
Việc bắt tay với VinFast là cơ hội để doanh nghiệp cung ứng Việt Nam khẳng định mình trong điều kiện ngành công nghiệp ô tô nhiều năm qua bị coi là "tới ốc vít cũng không làm được".
Ngày 12/12, tại Nhà máy VinFast (Hải Phòng) đã diễn ra buổi tọa đàm về nội địa hóa ô tô VinFast. Buổi tọa đàm thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành và các nhà cung cấp phụ trợ.
Chia sẻ từ nhà cung cấp nhựa ngoại thất, ông Trần Quốc Minh Đăng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ý Chí Việt, nhấn mạnh bước ngoặt lớn vào năm 2020 khi trở thành nhà cung cấp linh kiện cho VinFast . Hiện nay, đơn vị đã cung cấp hơn 80 linh kiện và trên 60 khung nhựa cho các xe VF e34, VF 9 và xe buýt điện.
Nhà máy VinFast Hải Phòng |
Với ông Đăng, đây cũng là cơ hội “lửa thử vàng” bởi sản xuất linh kiện cho ô tô VinFast đòi hỏi năng lực cao và quá trình kiểm soát chất lượng khắt khe. Việc bắt tay với VinFast cũng là cơ hội để doanh nghiệp cung ứng như ông khẳng định mình trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô nhiều năm bị coi là “tới ốc vít cũng không làm được”.
“Chúng tôi tự hào khi đã cung cấp được các linh kiện nhựa đòi hỏi độ khó và độ chính xác cao với hệ thống ADAS cho xe điện VinFast. Thành tựu hôm nay của chúng tôi là thành quả từ hơn 10 năm nỗ lực phát triển, củng cố tự tin, đẩy mạnh nội địa hóa”, ông Trần Quốc Minh Đăng chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công ty Ứng dụng Công nghệ và CNC VINA – đối tác dập thân vỏ cửa xe – cho biết, CNC VINA đã vinh dự đồng hành cùng VinFast từ năm 2017, bao gồm nhiều công đoạn như sản xuất xe máy, ô tô và động cơ giai đoạn đầu… Trong quá trình đó, VinFast đã tạo động lực cho CNC VINA. Từ 1 cơ sở sản xuất với quy mô nhỏ chỉ 30 triệu USD, CNC VINA đã tăng trưởng gấp 12 lần trong 8 năm qua, với quy mô tài sản hiện đạt 500 triệu USD.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công ty CNC VINA |
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, từ những năm 90, các hãng ô tô nước ngoài vào Việt Nam nhận được nhiều ưu đãi và cam kết nội địa hóa khoảng 30% sản phẩm trong 10-15 năm. Tuy nhiên, thực tế phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài lại sử dụng doanh nghiệp phụ trợ từ nước ngoài mang vào Việt Nam, khiến ngành công nghiệp phụ trợ trong nước không thể phát triển và tỷ lệ nội địa hóa còn rất khiêm tốn.
Riêng VinFast, chỉ trong 7 năm, đặc biệt là các tháng 10 và 11/2024, đã dẫn đầu về thị phần ô tô với tỷ lệ nội địa hóa hơn 60%. “Đối với tương lai của VinFast, với mục tiêu đến năm 2026 đạt tỷ lệ nội địa hóa 84%, tôi hoàn toàn tin rằng điều này sẽ làm được. Những gì VinFast đã làm trong thời gian qua đã vượt trội so với các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam hàng chục năm nay. VinFast có hơn 7 năm nhưng đã làm được những điều các hãng khác chưa làm được”, bà Lan chia sẻ.
PGS-TS Bùi Quang Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: “Tôi ấn tượng khi một doanh nghiệp mới tham gia thị trường đầy cạnh tranh như VinFast lại trở thành doanh nghiệp dẫn đầu thị phần chỉ sau 7 năm. Con số này đã nói lên nhiều điều”.
Trong bối cảnh thế giới bước vào kỷ nguyên mới của khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo, vị chuyên gia này kỳ vọng VinFast sẽ trở thành cánh chim đầu đàn, không chỉ đi đầu mà còn dẫn dắt các doanh nghiệp khác cùng phát triển. “VinFast đi đầu nhưng dẫn đàn chứ không đi một mình, giúp Việt Nam bước nhanh, thậm chí bỏ qua 1 số giai đoạn tuần tự. Điều này rất phù hợp khi Việt Nam đang quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng, dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xanh hóa và phát triển bền vững”, ông Tuấn chia sẻ.
Khát vọng nội địa hóa và câu nói kinh điển 'sẽ hỗ trợ VinFast cho đến khi hết tiền thì thôi'