Bước qua ‘cửa khó’ thị phần tại Việt Nam, AB InBev chinh phục 16.000 điểm bán như thế nào?
Đằng sau những con số tăng trưởng là cả một bức tranh chiến lược, nơi các doanh nghiệp không ngừng tìm kiếm lời giải để chiếm lĩnh thị trường và tối ưu hóa giá trị.
Thị trường bia Việt Nam không chỉ là câu chuyện về nhu cầu tiêu dùng mà còn là bài toán chiến lược của các doanh nghiệp trong cuộc đua chiếm lĩnh thị phần. Để giành được vị thế, các doanh nghiệp cần nhiều hơn là chất lượng sản phẩm. Đó là một chiến lược phân phối bài bản, khả năng tối ưu hóa kênh bán hàng và sự nhạy bén trước nhu cầu thị trường.
Tiêu thụ bia Việt Nam chiếm 2,2% toàn cầu
Với mức tiêu thụ bia đạt 3,8 tỷ lít mỗi năm, Việt Nam không chỉ giữ vững vị thế trong khu vực ASEAN mà còn đang ghi dấu ấn trên bản đồ tiêu thụ bia toàn cầu. Con số 2,2% thị phần thế giới không chỉ là một con số ấn tượng mà còn phản ánh sức hút của ngành công nghiệp bia trong nước – một thị trường đầy tiềm năng với sự góp mặt của cả những “ông lớn” quốc tế lẫn các thương hiệu nội địa lâu đời.
Đặc biệt, Việt Nam đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong xu hướng tiêu dùng. Người tiêu dùng không chỉ tìm kiếm những loại bia truyền thống mà còn dành sự quan tâm đặc biệt tới các dòng bia thủ công (craft beer), bia không cồn và các sản phẩm hướng tới lối sống lành mạnh hơn.
Nắm bắt cơ hội lớn, các thương hiệu như AB InBev, Sabeco, Habeco, Heineken, Carlsberg, Sapporo… không chỉ đầu tư mạnh vào dây chuyền sản xuất mà còn đẩy mạnh các chiến dịch tiếp thị sáng tạo nhằm chạm đến nhu cầu người tiêu dùng. Đồng thời, thị trường bia cũng đang mở ra cơ hội mới cho các nhà sản xuất nhỏ với các sản phẩm độc đáo và mang đậm bản sắc địa phương.
>> Thị trường bia gặp khó, có phải do người Việt giảm uống?
AB InBev có mặt trên khắp 16.000 điểm bán tại Việt Nam
AB InBev – nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới - đã chính thức đặt chân vào Việt Nam từ năm 2015 với ba nhà máy tại Bình Dương. Đây là nơi sản xuất các thương hiệu nổi tiếng như Budweiser, Beck’s, Stella Artois, Hoegaarden… phục vụ xuất khẩu và gia công cho một số thương hiệu Nhật Bản. Tại Việt Nam, 3 nhà máy của AB InBev (bao gồm nhà máy sát nhập của SABMiller) có tổng công suất 0,2 tỷ lít/năm, tương đương khoảng 5% khả năng tiêu thụ của thị trường bia Việt.
Dù là hãng bia lớn nhất thế giới, nhưng tại Việt Nam, độ phủ thương hiệu của AB InBev (Budweiser, Beck’s, Stella Artois, Corona, Hoegaarden…) còn khá khiêm tốn bởi sự khác biệt trong văn hóa tiêu thụ bia. Với văn hóa tụ họp ăn uống đặc trưng, người Việt ưu tiên trải nghiệm bia tại quán nhậu hơn là mua về dùng tại nhà. Vì vậy, các hãng bia tại Việt Nam chủ yếu dựa vào kênh On-trade (quán nhậu, nhà hàng) trong khi AB InBev lại tập trung vào Off-trade (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, quầy bar).
Tình hình này đặt ra bài toán cần lời giải cho AB InBev: Làm thế nào để chinh phục một thị trường đầy tiềm năng nhưng cũng cạnh tranh khốc liệt như Việt Nam? Câu trả lời bắt đầu từ việc thay đổi chiến lược, và điểm đến mà AB InBev chọn để “chọn mặt gửi vàng” chính là Digiworld (DGW ) – nhà phát triển thị trường số 1 tại Việt Nam.
Digiworld có nhiều yếu tố giúp AB InBev chiếm lĩnh thị phần: Điểm bán, thương mại điện tử mạnh và có khả năng chạy các chiến dịch marketing hiệu quả cho các sản phẩm.
Quan trọng hơn, Digiworld tự khẳng định mình khi lần lượt giúp các thương hiệu lớn hiện xâm nhập thị trường Việt Nam. Điển hình, công ty đã đưa Xiaomi từ không có gì lên vị trí số 2 thị phần di động Việt Nam chỉ trong 5 năm. Hay việc giúp Apple dẹp được thị trường hàng xách tay (vốn chiếm 70% doanh số các sản phẩm Apple) chỉ trong vòng 2 năm.
Với mặt hàng tiêu dùng, ngoài AB InBev, Digiworld đã thành công hợp tác với 7 tập đoàn lớn như: Lion Corporation, Lotte Chilsung, Nestlé, Genacol, Vstent và RapidFor.
Với khả năng tăng độ phủ cực nhanh nhờ hệ thống kho vận ở cả 3 miền cùng 16.000 điểm bán của Digiworld, bia Budweiser và các thương hiệu khác của AB InBev đã nhanh chóng xuất hiện trên bàn ăn, quầy bar khắp Việt Nam và các hệ thống phân phối online (Shopee, TikTok…). Bên cạnh, Digiworld còn triển khai với các chiến dịch flash sale đặc trưng của công ty, giúp các thương hiệu của AB InBev trở nên gần gũi với người Việt Nam hơn.
Hình ảnh hãng bia Hoegaarden của AB InBev tại chuỗi F&B Làm Tí tại miền Nam |
Nói về sự thành công của AB InBev, trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư vào tháng 11/2024, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT, chia sẻ, sau khi các sản phẩm của AB InBev được phân phối qua hệ thống kênh của Digiworld, nguồn doanh thu của hãng bia ghi nhận mức tăng trưởng. Đặc biệt, kênh on-premise – bao gồm các nhà hàng, quán bar và khách sạn – trở thành điểm sáng trong cơ cấu doanh thu của thương hiệu bia trong quý III vừa qua.
Hình ảnh thương hiệu bia của AB InBev gắn liền với chuỗi quán nhậu Tự Do tại miền Bắc |
Nhờ việc bắt tay với Digiworld, AB InBev không chỉ hiện diện trên 16.000 điểm bán tại Việt Nam mà còn đóng góp tích cực cho cơ cấu doanh thu của Digiworld. Tính đến hết 9 tháng đầu năm 2024, công ty ghi nhận 16.219 tỷ đồng doanh thu thuần và 302 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 16% và 11% so với cùng kỳ.
Cơ cấu doanh thu dự kiến năm 2024 của Digiworld |
Dù doanh thu từ ngành hàng tiêu dùng hiện chỉ chiếm 4% tổng cơ cấu sau 9 tháng đầu năm, nhưng đây được xem là mảng đầy tiềm năng tăng trưởng. Digiworld kỳ vọng sẽ thu về 1.200 tỷ đồng doanh thu từ mặt hàng tiêu dùng trong cả năm 2024, tăng trưởng 78% so với cùng kỳ – mức tăng trưởng mạnh nhất trong 5 ngành hàng kinh doanh chiến lược của công ty.
>> Quy mô thị trường bán lẻ dự báo đạt xấp xỉ 500 tỷ USD, đâu là tứ trụ cổ phiếu tiêu dùng năm 2025?