Chứng khoán BVSC nhấn mạnh, đây là thời điểm thích hợp để tích lũy cổ phiếu hàng không có khả năng hồi phục tốt trong đó điểm tên 4 mã cổ phiếu ngành hàng phù hợp để nhà đầu tư bắt đầu "xuống tiền".
Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá chiến lược tiêm chủng hiệu quả đã tạo điều kiện để các chuyến bay nội địa dần được nối lại hoàn toàn. Với động lực từ các chính sách kích cầu du lịch nội địa, thị trường trong nước vẫn sẽ là động lực tăng trưởng chính trong khi vận tải quốc tế phục hồi chậm hơn do vẫn phải duy trì các biện pháp hạn chế ở mức hợp lý
Bên cạnh đó, các đường bay quốc tế cũng được xem xét để mở lại theo 3 giai đoạn kéo dài từ quý I - quý III/2022. Nếu quá trình thí điểm thuận lợi cũng như các biến thể mới không còn gây quá nhiều nguy hiểm, BVSC cho rằng các đường bay quốc tế có thể hồi phục mạnh bắt đầu từ cuối quý II đến đầu quý III năm nay.
Theo đó, ước tính lượng khách nội địa và quốc tế năm 2022 là 30 triệu và 5 triệu hành khách, lần lượt tăng 89,9% và 4.661% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp hàng không được nhấn mạnh sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm 2022 song BVSC vẫn cho rằng trước mắt kỳ vọng này có thể không quá khả quan trong nửa đầu năm 2022 do việc nối lại các chuyến bay quốc tế vẫn cần thời gian để thử nghiệm trong những tháng đầu.
BVSC cũng cho rằng, mức độ hồi phục của các doanh nghiệp sẽ khác nhau đối với từng chuỗi giá trị trong ngành dựa trên việc đánh giá về nhu cầu cùng mức độ cạnh tranh trong ngành. Các doanh nghiệp phục vụ hàng hóa sẽ có tốc độ tăng trưởng tốt nhất khi tần suất các chuyến bay được tăng lên; sau đó là các doanh nghiệp phục vụ mặt đất, dịch vụ hàng không và suất ăn hàng không. Trong khi đó, các doanh nghiệp vận tải hàng không sẽ hồi phục sau cùng.
Báo cáo cũng cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để tích lũy cổ phiếu hàng không có khả năng hồi phục tốt. Theo đó, BVSC đã điểm tên 4 mã cổ phiếu ngành hàng phù hợp để nhà đầu tư bắt đầu "xuống tiền" từ thời điểm hiện tại.
CTCP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (SCS): Dư địa tăng trưởng của ngành vận tải hàng hóa còn rất lớn, với mức tăng trưởng dự kiến trung bình hàng năm có thể đạt trên 12% trong 5 năm tiếp theo, và ước đạt 15% trong năm 2022. BVSC ước tính, doanh thu và lợi nhuận năm 2022 lần lượt là 894 tỷ VNĐ (+11,1% yoy) và 600,5 tỷ VNĐ (+9,4% yoy).
Trong dài hạn, với 15.000 m2 đất chưa sử dụng (tương ứng với 72% công suất tăng thêm), SCS sẽ nhanh chóng đạt được 55% thị phần tại Tân Sơn Nhất.
CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SGN): Trong năm 2022, BVSC đánh giá SGN có khả năng hồi phục tốt nhờ các chuyến bay nội địa được nối lại hoàn toàn; việc nâng cấp các đường băng tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất giúp tăng năng lực phục vụ của SGN kể cả trong dài hạn. Đặc biệt, năng lực tài chính của SGN cực kỳ tốt với 82,5% nguồn vốn là vốn chủ trong đó hoàn toàn không sử dụng nợ vay; biên gộp trong giai đoạn bình thường vào khoảng 35%. Đây là cơ sở vững chắc để nhà đầu tư có thể an tâm nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục bùng phát một lần nữa trong năm nay, trong khi vẫn có thể nhận được mức cổ tức bằng tiền tối thiểu 15% một cách đều đặn (SGN có lịch sử trả cổ tức 30 - 40% trong 3 năm gần đây).
CTCP Dịch vụ hàng không Taseco (AST): Phục vụ trong lĩnh vực dịch vụ với các hoạt động như ăn uống trong sân bay, bán hàng lưu niệm, bán hàng miễn thuế, phục vụ Vip Lounge tại tất cả các sân bay lớn, AST có động lực hồi phục rất lớn trong năm 2022 nhờ lượng hành khách nội địa hồi phục trong khi số lượng điểm kinh doanh tiếp tục được mở mới. Năng lực khai thác được nâng cao trong giai đoạn khó khăn là động lực giúp AST có thể hồi phục nhanh chóng, đặc biệt khi Phú Quốc đang được thí điểm đón khách quốc tế từ những giai đoạn đầu.
CTCP Hàng không Vietjet (VJC): Với lợi thế mô hình giá rẻ, VJC có vị thế tốt hơn trong quá trình đầu của giai đoạn hồi phục khi tần suất các chuyến bay quãng ngắn đến các quốc gia lân cận sẽ tăng nhanh hơn so với các chuyến bay đường dài. Việc tăng số lượng tàu bay cũng sẽ tạo nền tảng hồi phục tốt hơn so với HVN khi thị trường hàng không được nối lại hoàn toàn. Ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế của VJC trong năm 2022 đạt 35.600 tỷ đồng và 1.660 tỷ đồng.
CTCK từng có giá 630.000 đồng/cp bất ngờ giảm hàng nghìn tỷ đồng dư nợ margin 
Chứng khoán Bảo Việt (BVS) chịu lỗ mảng môi giới, lãi tự doanh chỉ đủ mua một căn hộ