C4IR - Động lực để thành phố giàu nhất Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ hàng đầu khu vực ASEAN
Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) được xem là một bước tiến chiến lược trong quá trình chuyển đổi công nghiệp của thành phố, hứa hẹn thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiện đại hóa nền kinh tế.
Ngày 25/9/2024, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF 2024) , Trung tâm C4IR TP.HCM đã chính thức ra mắt với sứ mệnh trở thành động lực chính cho quá trình chuyển đổi công nghiệp của thành phố. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều biến động, sự xuất hiện của C4IR là cần thiết để giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng suất và khuyến khích đổi mới công nghệ.
Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo TP.HCM và các thành viên sáng lập C4IR tại TP.HCM. Ảnh: Sở Ngoại vụ TP.HCM. |
Vai trò của C4IR trong chuyển đổi công nghiệp
Tại diễn đàn, ông Kyriakos Triantafyllidis, Trưởng phòng Tăng trưởng và Chiến lược của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), đã nhấn mạnh vai trò của C4IR TP.HCM trong việc thúc đẩy quá trình tái cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu, giúp Việt Nam tận dụng công nghệ để phát triển các ngành công nghiệp tiên tiến, nâng cấp chuỗi giá trị và khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tham gia sâu vào hệ sinh thái sản xuất hiện đại.
Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (4IR) được định hình bởi sự phát triển của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), và chuỗi khối (blockchain). Những công nghệ này đang thay đổi cách thức sản xuất và cung ứng dịch vụ, giúp các nền kinh tế tiên tiến và đang phát triển như Việt Nam cải thiện năng suất và khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Trung tâm C4IR TP.HCM là một phần của mạng lưới 19 Trung tâm C4IR trên toàn cầu do WEF sáng lập, kỳ vọng sẽ trở thành cầu nối hợp tác quốc tế trong việc nghiên cứu, phát triển và triển khai các công nghệ tiên tiến giữa Việt Nam và các quốc gia.
Bốn trụ cột hoạt động của C4IR TP.HCM
C4IR TP.HCM tập trung vào bốn trụ cột chính để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi công nghiệp của thành phố:
Dự đoán và hiểu các xu hướng toàn cầu: C4IR sẽ phân tích các xu hướng công nghệ toàn cầu trong sản xuất và chuỗi cung ứng, cung cấp cơ sở dữ liệu và thông tin để xây dựng các chiến lược chính sách công nghiệp hiệu quả.
Phát triển sáng kiến địa phương: Trung tâm sẽ điều chỉnh các sáng kiến dựa trên nhu cầu và tiềm năng của địa phương, hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa trong việc nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh.
Thúc đẩy quan hệ đối tác nhiều bên: C4IR đóng vai trò kết nối giữa chính phủ, doanh nghiệp, và các tổ chức nghiên cứu nhằm phát triển các giải pháp công nghệ tiên tiến.
Định hình chương trình nghị sự toàn cầu: Thông qua mạng lưới toàn cầu của mình, C4IR sẽ giúp Việt Nam học hỏi từ các thực hành tốt nhất và định hướng các ưu tiên chiến lược trong quá trình chuyển đổi công nghiệp.
Những bước đột phá trong quá trình chuyển đổi công nghiệp
Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó giám đốc Viettel Solutions, năm 2023, tỷ trọng ngành công nghiệp của Việt Nam đã đạt 37,2% GDP, với mục tiêu đạt trên 40% vào năm 2030. Các công nghệ như AI  và IoT được dự báo sẽ giúp tăng năng suất lao động và nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các nghiên cứu cho thấy AI có thể giúp giảm chi phí sản xuất tới 30%, trong khi tự động hóa có thể giúp giảm từ 60% đến 70% thời gian lao động.
Việc triển khai mạng 5G và hệ thống quản lý sản xuất (MES) sẽ giúp doanh nghiệp tăng năng suất trung bình từ 31%, giảm thiểu thời gian ra thị trường và tối ưu hóa chi phí sản xuất.
Bên cạnh việc phát triển công nghiệp, C4IR còn tập trung vào các mục tiêu phát triển bền vững, với các chính sách hỗ trợ chuyển đổi năng lượng và giảm phát thải. TP.HCM đang hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tương tự như Malaysia, với kỳ vọng đạt được thông qua việc áp dụng các công nghệ tiên tiến.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Tuấn cũng cho rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm thiếu vốn, cơ sở hạ tầng công nghệ yếu và nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Để khắc phục, C4IR cần có các chính sách hỗ trợ như miễn giảm thuế, cung cấp nguồn vốn ưu đãi và nâng cao đào tạo nhân lực.
Bài học từ Malaysia và các cơ hội hợp tác quốc tế
Câu chuyện thành công của Trung tâm C4IR Malaysia là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng mà các trung tâm tương tự tại khu vực ASEAN có thể mang lại. Theo bà Ellina Roslan, Giám đốc Điều hành cấp cao, C4IR Malaysia cho biết, trong năm đầu tiên hoạt động, C4IR Malaysia đã có những đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số và chuyển đổi năng lượng.
Điều này mở ra cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Malaysia trong các lĩnh vực như AI, blockchain, và quản trị dữ liệu. Cả hai quốc gia đều có thể cùng nhau phát triển các tiêu chuẩn thương mại số, hệ thống thanh toán điện tử, và hợp tác trong các dự án năng lượng tái tạo.
TP. HCM hiện đang là nơi đông nhất về người dân và khách du lịch, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế của Việt Nam. Với mức tăng GRDP trong quý I/2024 là 6,54%, TP HCM là thành phố giàu nhất cả nước hiện nay. Sự ra mắt của C4IR tại TP.HCM mở ra cơ hội để nơi đây trở thành trung tâm công nghiệp và công nghệ hàng đầu khu vực ASEAN. Các chính sách công nghiệp 4.0 sẽ giúp TP.HCM không chỉ tăng trưởng kinh tế mà còn tạo ra việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống.
C4IR tại TP.HCM không chỉ là biểu tượng của sự phát triển công nghiệp mà còn là bước đi chiến lược quan trọng để Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế thông minh và bền vững. Kết hợp giữa sáng kiến địa phương và hợp tác quốc tế, TP.HCM sẽ sớm trở thành một trung tâm công nghiệp hiện đại hàng đầu khu vực ASEAN.
>> Thủ tướng nêu 6 ý nghĩa lớn của Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại TPHCM 
Thủ tướng: TPHCM gánh vác trọng trách và sứ mệnh trong chuyển đổi công nghiệp 
5 lợi thế và 7 hành động của TPHCM để chuyển đổi công nghiệp thành công