Xã hội

Ca sinh 4 lịch sử được Cố Thủ tướng đặt tên Bắc, Nam, Thống, Nhất và cuộc trò chuyện sau 48 năm

Diệu Hương - Thùy Dung 30/04/2025 07:00

Căn nhà nhỏ 40m2 nằm trong ngõ sâu của Khu tập thể Yên Ngưu, huyện Thanh Trì, Hà Nội đã trở nên quen thuộc với người dân xung quanh suốt nhiều năm qua, khi chỉ cần hỏi thăm nhà bà Hương sinh 4, từ già, đến trẻ hầu như ai cũng biết địa chỉ và dẫn chúng tôi vào tới cửa.

cover-pc.jpg

81 tuổi, trong suốt buổi trò chuyện, đôi ba lần bà nhờ tôi nhắc lại câu hỏi vì “quên, không nghe rõ”, những ký ức về ân huệ của cố Thủ tướng đôi lúc chập chờn trong tâm trí của một người cách đó 2 tuần vừa nằm viện vì bị ngã, bị tim. Bà nói, chúng tôi may vì nếu đến đây sớm hơn thì đã không có buổi trò chuyện này. Đôi bàn tay run đan vào nhau và nước mắt rơi mỗi khi nhớ về thanh xuân, về người cha thứ 2 của cuộc đời bà khiến chúng tôi cảm nhận sâu sắc trái tim của một người mẹ, tấm lòng của một người lãnh đạo sát sao từ việc lớn, việc nhỏ của đất nước, nhân dân.

asset-4.png

Tháng 4 của gần nửa thế kỷ trước, dư luận Việt Nam “chấn động” trước ca sinh 4 đầu tiên. Sức khỏe của một người phụ nữ hơn 30 tuổi vừa làm được một điều kỳ diệu khi đó thế nào, thưa bà?

Ca sinh của tôi kéo dài trong vòng 45 phút, cứ 10 phút một lại có một chị chào đời. Các con nặng trung bình từ 1,6kg – 1,7kg. Có chị thứ 4 thì bị bỏ sót nên nặng có 1,3kg, nước ối vào mắt do lấy ra chậm quá dẫn đến ảnh hưởng thị lực. Tôi sinh non nên tất cả 4 chị chỉ nặng hơn 6kg. Tôi rất là sợ, nằm chờ bác sĩ chứ không biết làm thế nào.

Sinh thường đến 4 người con ở thời điểm non tháng, bà đã trải qua những gì để vượt qua phút giây “cửa sinh là cửa tử”?

Thời buổi đó máy móc kém. Tôi có đi thăm khám bác sĩ nhưng người ta không phát hiện là thai 4. Siêu âm thì có 8 cái chân, 3 cái đầu, 2 cái mình, chụp phim thì lại thành 4 cái đầu. Người ta chỉ nói tôi bị nhiễm độc thai nghén do thời đó tôi bán cá bể nhiều, nghe cũng rối loạn lắm, nhưng hai vợ chồng vẫn quyết định giữ con.

Thai được 7 tháng thì tôi bị phù toàn thân nên vào Bệnh viện C (nay là Bệnh viện Phụ sản Trung ương ) nằm, họ điều trị cho ra bớt nước. Tôi nằm đó gần 1 tháng trời thì rút được 17kg nước ở trong người. Lúc đó mới ổn định nhưng ăn cơm thì toàn ăn với đường với chuối thôi, nằm điều trị cũng chỉ có thể nằm ngửa, không nằm nghiêng được bên nào. Sang tháng thứ 8 thì tôi chuyển dạ.

asset-18.png

Là sản phụ đầu tiên ở Việt Nam được đích thân Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm hỏi, đặt tên và nhận đỡ đầu cho 4 con, cảm xúc phải chăng vô cùng khó tả?

Ngày 17/4/1977, tôi sinh buổi sáng thì trưa họ báo tin, chiều ông cho người đặt tên luôn là Bắc, Nam, Thống, Nhất. Tôi rất vui mừng và sung sướng, chỉ biết rớt nước mắt thôi chứ không nghĩ được gì thêm.

asset-7.png

Sau khi sinh, tôi phải nằm viện 2 tháng mới được về nhà. Đến đúng sáng sớm ngày mùng 2 Tết năm 1978, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi cùng đoàn 7 ô tô đến nhà tôi tại khu tập thể Trung Tự. Từ 5 giờ sáng đã có đoàn cảnh vệ đến, mỗi người đứng một góc, người ta cứ nhìn vào các nhà. Xung quanh còn bảo: “Chẳng biết là ai mà vô duyên thế nhỉ, mùng 2 Tết cứ đứng nhìn vào nhà người khác!”.

“Chị có phải chị Hương có 4 đứa con không?”, một anh cảnh vệ hỏi tôi - “Vâng, là tôi”, lúc đó tôi đang bê chậu quần áo đi giặt, đầu tóc thì dài, búi ngược chưa chải, mặc cái áo đông xuân rách - “Chị chuẩn bị tiếp khách”. Tôi chẳng biết khách nào, nhưng có một cái áo hoa màu đỏ, định vào mặc thì các anh ấy bảo cứ mặc thế.

Rồi ông Phạm Văn Đồng bước vào, nhà không có ghế, chỉ có một cái giường thì các cháu đang bò, đứa thì mặc tã, đứa thì mặc quần. Ông nói: “Con giỏi lắm, giỏi như mẹ Việt Nam anh hùng. Một mẹ nuôi 4 đứa con và 4 đứa con cần phải có mẹ, mẹ ăn 2 suất lương và nghỉ vô thời hạn”.

Từ đó hàng tháng, ông cho cán bộ đến thăm, mang sữa và cả dầu cá đến để cho các cháu uống.

untitled-1(1).jpg
asset-5.png

Không biết cuộc sống những ngày tháng sau đó của gia đình bà thay đổi thế nào?

Trước năm 1975, tôi bán thực phẩm tại chợ Hôm, nhà tôi làm giáo viên ở trường Phương Liên, cũng hiền lành lắm, kiếm chả được bao nhiêu. Tôi bán hàng thì chậm chạp vì trước giải phóng, người ta cũng ít tiền. Thu nhập khoảng 300 đồng/tháng tức bằng 3 triệu bây giờ.

Khi tôi sinh con vào năm 1977 thì cuộc sống cũng đã đỡ hơn rồi, tôi mua bán dễ hơn, nhưng vẫn vất vả. Nghỉ sinh xong, các con lớn hơn chút thì tôi đi làm, Thủ tướng cho người xuống thăm và biết được, ông mới điện xuống chợ Hôm phê bình, hỏi tại sao đã cho nghỉ rồi chị còn đi làm, nên tôi lại nghỉ tiếp. Nhưng đến lúc cháu khoảng 5, 6 tuổi thì tôi đi làm lại.

Một thời gian sau đến tuổi về hưu, tôi bán đủ cơm, cháo lòng tiết canh, hoa quả, quay về trông trẻ… để nuôi con. Tôi lao động cực lắm nhưng vẫn không đủ. Khổ nhất là nấu cháo, củi không có, tôi phải đi quét lá khô đem về đun cháo cho 4 con ăn cả ngày.

Tôi thấy rất khổ tâm, thế rồi Thủ tướng mới gọi tôi lên gặp, khi đó mấy đứa con được 2, 3 tuổi. Đầu tiên, ông cho ăn bánh cuốn vì sợ các con nhỏ bị hóc xương, năm thứ hai lên thì ông cho ăn cơm, dần dần ông cấp cho một số lương, tương đương hơn 10 yến gạo thời ấy. Ông cho đến năm 18 tuổi.

Được Đảng và Nhà nước quan tâm nên tôi cảm thấy rất yên tâm và khó khăn mấy cũng vượt qua. Dù có những lúc khốn khổ nhưng tôi thấy may mắn vì sinh con vào thời điểm đất nước đã thống nhất, cuộc sống đỡ hơn phần nào.

untitled-3(1).jpg

Có khoảnh khắc, câu nói nào của cố Thủ tướng khiến bà mãi mãi không thể quên?

Năm đầu tiên ông đến nhà, tôi chỉ biết khóc thôi. Tôi vẫn nhớ rõ đôi giày của ông cổ cao đến đâu, không dám nhìn mặt ông mà chỉ khóc. Ông bảo “Con cứ bình tĩnh, thiếu cái gì con cứ nói”. Tôi chỉ xin ông một cái tủ lạnh nhỏ để đựng sữa đường cho các cháu.

Đi cùng ông có bà Thanh, vợ ông Lê Thanh Nghị là Phó Thủ tướng khi đó, bà nhận lo cho tôi. Nhưng ông lấy tay vỗ vào ngực: “Để đấy tôi lo! Sau 3 ngày tôi sẽ cho người chở về cho các cháu”.

Ông hỏi kỹ từng thứ trong căn nhà thiếu thốn, có bao nhiêu cái chạn, cái chăn, cái bô… nhà cũng không có cái áo len nào. Tôi nhớ mãi câu: “Nghèo thì nghèo cũng phải có cái áo len mà mặc”.

Sau đúng 3 ngày, ông gửi xuống cho nhà tôi 1 bộ bàn ghế, 1 tủ đựng quần áo, 1 tủ lạnh nhỏ để đựng sữa và mấy cái áo len, 4 cái chăn dạ, tôi rất cảm động.

asset-9.png
asset-6.png

(Dành cho 4 người con) Khoảng mấy tuổi thì các chị bắt đầu nhận thức được tên của 4 chị em mang một ý nghĩa đặc biệt?

Từ khi đi học là cô giáo cứ xếp cho tất cả 4 chị em ngồi cùng một bàn dài, nhưng thời Tiểu học thì chưa nghĩ được sâu, sang cấp Hai chúng tôi mới hiểu ra một chút rằng 4 chị em cũng hơi đặc biệt.

Chúng tôi hiểu tên mình mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc khi đất nước vừa giải phóng, nhưng khi tách ra thì cũng hơi lạ một chút. Như cô Thống hồi nhỏ bị trêu là tên như con trai nên về trách mẹ, sau này tự gọi mình là Yến cho nữ tính (cười). Nhưng mà vinh dự lắm, cả nước có một.

asset-13.png

Ngoài tên khai sinh là Bắc, Nam, Thống, Nhất do Nhà nước đặt và cha mẹ sinh ra, 4 chị em còn được đặt cho tên phụ ở nhà là Thủy, Chung, Hiếu, Thảo. Mỗi tên gọi mang một ý nghĩa riêng nhưng nó đều là động lực để chúng tôi cố gắng, nỗ lực trong cuộc sống.

Trong cuộc đời mình, các chị từng được gặp cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng bao nhiêu lần?

Chắc phải hơn 10 lần, chúng tôi được lên tận Phủ nơi Thủ tướng làm việc. Có năm tới hai lần, vào dịp 2/9 hoặc Tết, ông thường cho Thư ký xuống báo trước rồi hôm sau cho xe xuống đón cả nhà lên ăn cơm với ông.

Với chúng tôi, bác Phạm Văn Đồng như một người cha, người ông. Chúng tôi vô cùng kính trọng và không bao giờ quên ông được. Khi ông mất, chúng tôi khóc rất nhiều và cả 4 chị em đều đến đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng.

Các chị còn nhớ kỷ niệm đặc biệt nhất với cố Thủ tướng?

Nhà tôi có nghề truyền thống là ca trù được truyền lại từ đời ông nội. Từ thời bé, chúng tôi đã hay múa hát và ông Phạm Văn Đồng rất thích nghe, ông vui lắm.

asset-10.png

Gia đình có còn giữ kết nối với gia đình cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng bây giờ?

Chúng tôi không còn giữ kết nối với gia đình ông.

Trước đây, bà (phu nhân cố Thủ tướng) cũng bị lẫn nên chúng tôi không được tiếp xúc. Chỉ có chú Dương, con trai trưởng của ông là thi thoảng xuống nhà, mang quà cáp mỗi lần đi công tác, mua búp bê tặng mấy chị em.

Suốt 48 năm qua, có lẽ không ít lần các chị trở nên “nổi tiếng” khi được báo đài quan tâm. Cuộc sống của mỗi người bây giờ thế nào?

Nói thật, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ mình nổi tiếng mà vẫn là những người bình thường có được vinh hạnh lớn lao. Chỉ có khi kể cho các con và cháu nghe thì chúng mới bảo rất hãnh diện được làm con của “người nổi tiếng”, cảm thấy rất khâm phục bà.

Nhiều năm qua, chúng tôi may mắn được các đơn vị báo chí, truyền hình quan tâm, nhất là cứ dịp 30/4 này có năm họ đến đông lắm. Trong những lần đó, chúng tôi nhớ nhất năm 2005, khoảng 25, 26 tuổi là cả 4 chị em được mời đi từ Bắc vào Nam và dừng lại địa đạo Củ Chi , tận mắt thấy những điều có thể nói là khó tin về sự hy sinh xương máu của thế hệ trước. Chúng tôi rất biết ơn, xúc động khi nhờ ông cha mà được mang những cái tên này.

Bây giờ, bà đã già nên cùng chị Nhất và con trai sống chung, chị Nam cũng ở ngay Thanh Trì đây còn hai chị ở quận xa hơn chút. Chúng tôi đều làm kinh doanh tự do và mỗi năm vào 30/4, cả đại gia đình đều tề tựu về nhà mẹ không chỉ bởi không khí “Bắc Nam thống nhất” mà còn là sinh nhật của mẹ lẫn 4 chị em. Cuộc đời chúng tôi có rất nhiều nhân duyên đặc biệt.

asset-19.png

(Dành cho bà Hương) Nếu bây giờ được đứng trước cố Thủ tướng, bà muốn nói điều gì với ông?

Tôi muốn cảm ơn ông vì trong lúc các cháu còn bé ông đã giúp đỡ về cả tình cảm lẫn vật chất. Ông như một người bố thứ 2 của tôi, năm nay dù đã 81 tuổi nhưng tôi không bao giờ quên những gì ông đã làm.

Sau này, vì rất muốn trả ơn ông nên khi cưới cô Bắc, tôi mang thiếp mời lên tận nơi kính mời ông, nhưng ông cho Thư ký xuống tặng cho 2 cái bút kim tinh, 1 bộ ấm chén đẹp và gửi lời: “Nói với gia đình là ông bận, không đi được. Chúc gia đình mạnh khỏe, vui vẻ”. Các con cũng luôn ý thức rằng phải giữ gìn gia đình hạnh phúc như lời chúc của ông.

asset-16.png

Suốt đời, tôi luôn dặn các con phải ăn ở cho tốt, đối xử với mọi người không được bằng ông thì cũng gần bằng ông, Thủ tướng đặt tên cho mình, nếu sau này bị người ta nói ra nói vào không hay.

(Dành cho 4 người con) Ở thời điểm hiện tại, điều 4 chị em Bắc, Nam, Thống, Nhất mong mỏi ở người mẹ vĩ đại của mình là gì?

Chúng tôi chỉ mong mỏi mẹ có thật nhiều sức khỏe để sống lâu bên con cháu, làm sao mà cứ vui vẻ là được rồi. 4 chị em cũng muốn đưa bà đi đây đó nhưng giờ sức khỏe của bà không còn cho phép, bệnh tim thâm niên nên cũng không đi được xa. Cả gia đình bây giờ có 12 cháu, 2 chắt, cứ cuối tuần sum vầy là đã hạnh phúc.

Xin cảm ơn bà và gia đình!

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/ca-sinh-4-lich-su-duoc-co-thu-tuong-dat-ten-bac-nam-thong-nhat-va-cuoc-tro-chuyen-sau-48-nam-141441.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Ca sinh 4 lịch sử được Cố Thủ tướng đặt tên Bắc, Nam, Thống, Nhất và cuộc trò chuyện sau 48 năm
    POWERED BY ONECMS & INTECH