Các ‘đầu tàu kinh tế’ hiến kế thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển (sáng 14/9), các doanh nghiệp nhà nước - đầu tàu của nền kinh tế đã đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, tận dụng cơ hội hợp tác đầu tư để hoạt động của doanh nghiệp hiệu quả và đột phá hơn nữa.
(TyGiaMoi.com) - Tìm phương hướng khác biệt
Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, 8 tháng qua, Tập đoàn đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược, đề án tái cơ cấu của Tập đoàn và các chương trình phục vụ an ninh quốc phòng để làm nền tảng phát triển hoạt động của doanh nghiệp.
Thẳng thắn chia sẻ rằng cơ bản các dịch vụ viễn thông hiện nay khá bão hoà, ông Thắng nhấn mạnh mong muốn tìm ra phương hướng mới và phải thật sự khác biệt. Cùng với củng cố năng lực tự lực, tự cường của nền kinh tế, Chính phủ đang đẩy mạnh giúp doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) mở mang những lĩnh vực mới, động lực tăng trưởng mới.
Vừa qua, Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác Chiến lược toàn diện, lãnh đạo Viettel mong Chính phủ có lộ trình rõ ràng, từ kế hoạch, nhiệm vụ, phân công các đơn vị, bộ, ngành, doanh nghiệp trong việc phối hợp với đối tác Hoa Kỳ để tiếp nhận công nghệ hàng đầu, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ số.
Liên quan đến đầu tư, ông Tào Đức Thắng kiến nghị cần đầu tư mạnh hơn nữa cho hạ tầng số. So với các nước trong khu vực, hạ tầng kết nối, hạ tầng lưu trữ data center trữ lượng lớn của chúng ta vẫn đang chậm hơn.
Nêu trường hợp tại tỉnh Hoà Bình và Sơn La, khảo sát trên 100 người thì 80 người dùng điện thoại thông minh, ông Tào Đức Thắng cho rằng nên đầu tư mạnh phủ sóng 4G và 5G, hạ tầng số ở vùng sâu, vùng xa, vùng Tây Bắc. Đặc biệt, cần đấu giá để triển khai công việc này sớm và trong điều kiện đấu giá, yêu cầu các doanh nghiệp phải phủ sóng đến vùng sâu, vùng xa để bà con được hưởng dịch vụ mới, hiện đại, tránh trường hợp chỉ phủ sóng ở trung tâm.
Ngoài ra, ngày 26/6 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã chứng kiến trao Thoả thuận khung về thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh tại Lạng Sơn. Viettel không chỉ là doanh nghiệp về chuyển đổi số mà còn làm logistics, có hệ thống phân phối trên toàn quốc cũng như có thể vươn ra các thị trường khác như Lào, Campuchia, Myanmar. Vì vậy, Viettel rất muốn tham gia vào dự án này và đề xuất Bộ trưởng Công Thương, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn sử dụng công nghệ 5G trong xây dựng cửa khẩu thông minh, xây dựng kho chứa hàng hoá, cũng như phân phối hàng hoá hai chiều giữa Trung Quốc và Việt Nam.
"Chúng tôi tin Việt Nam là cửa ngõ rất tốt cho khu vực Đông Nam Á chuyển hàng hoá sang Trung Quốc và ngược lại", ông Tào Đức Thắng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel bày tỏ mong muốn Chính phủ thường xuyên lắng nghe khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt là vướng về quy định, chính sách để kịp thời phát hiện và tháo gỡ sự bất cập, đồng thời, cần có quy định bảo vệ người dám nghĩ dám làm ngay cả trong DNNN.
Cơ chế đặc thù cho đầu tư năng lượng
Đại diện từ nhóm doanh nghiệp năng lượng, ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, Tập đoàn tập trung vào 3 nhiệm vụ chính: Cung ứng điện, cân bằng tài chính và thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng.
Từ nay đến cuối năm, EVN hứa với Thủ tướng là đảm bảo cung ứng điện. Về cân bằng tài chính, doanh nghiệp này đang tập trung các giải pháp tối ưu chi phí, cắt giảm chi phí không cần thiết đ bớt gánh nặng tài chính. Ông Đặng Hoàng An kỳ vọng trong thời gian tới EVN sẽ dần cân bằng tài chính.
Liên quan đến đầu tư, năm nay, EVN đầu tư hơn 94.860 tỷ đồng. So với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, đây là một trong những khối lượng lớn nhất, tuy nhiên vẫn thấp so với những năm trước. EVN đang cố gắng tăng tốc giải ngân trong những tháng cuối năm và từ nay đến tháng 10, sẽ lần lượt khởi công hầu hết các gói đầu đang được Chính phủ chỉ đạo triển khai rất quyết liệt.
Mặt khác, theo ông Đặng Hoàng An, mảng đầu tư cho năng lượng rất vướng. Đầu tư là cho năng lượng là rất lớn và thiết yếu, nhưng trong hệ thống thể chế của chúng ta chưa có bất cứ cơ chế đặc thù nào cho năng lượng.
Tương tự, về quy trình thủ tục, không có quy trình thủ tục đầu tư riêng cho năng lượng. Theo đó, đầu tư năng lượng điện, nước đều theo quy trình của Luật Đầu tư, Luật 69. Vì vậy, cần thiết ban hành chế cơ chế đặc thù sớm cho lĩnh vực này, nếu không rất khó làm.
"Luật Doanh nghiệp mở, nhưng Luật 69 chặt quá. Như vậy, quá trình ra quyết định và xin báo cáo rất lâu. Bên cạnh đó, hội đồng thành viên các tập đoàn cần phải được phân cấp nhiều hơn nữa", Chủ tịch EVN nhận định.
Sửa đổi những quy định không còn phù hợp
Cũng tại hội nghị, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết, diễn biến cung cầu và giá năng lượng biến động lớn, nhưng PVN đã kịp thời thực hiện đồng bộ các giải pháp trong quản trị điều hành và hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh trong 8 tháng. Trong đó, sản xuất vượt từ 3-29%, khai thác dầu thô vượt 17,3%, khai thác khí vượt 11,3% kế hoạch và sản xuất điện vượt 4,2% kế hoạch. Nhiều chỉ tiêu tăng trưởng so với cùng kỳ. Tổng doanh thu của Tập đoàn 8 tháng đạt 575.800 tỷ đồng, vượt 27% kế hoạch và đã hoàn thành nộp ngân sách cả năm cũng như hoàn thành kế hoạch lợi nhuận hợp nhất cả năm.
Bên cạnh đó, PVN đã đưa vào vận hành nhiều công trình lớn, như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Kho LNG Thị Vải, Giàn RC8… Công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư của PVN đã được Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng hỗ trợ, chỉ đạo giải quyết.
Thời gian tới, Tập đoàn tập trung 4 nhóm giải pháp lớn: Áp dụng công nghệ để thúc đẩy xuất kinh doanh; bám sát, đẩy mạnh thị trường và tập trung vào ác dự án trọng điểm lớn; sớm hoàn thành ký kết thoả thuận thương mại và triển khai các dự án với các đối tác.
Về đề xuất, PVN kiến nghị Bộ Công Thương khẩn trương sửa đổi và hướng dẫn quy trình, quy định tại Thông thư 25, Thông tư 45 và các quy trình có liên quan đến vận hành và lịch huy động các nhà máy về tiêu thụ khí ở Lô B-Ô Môn. EVN sớm thống nhất và ký kết hợp đồng mua bán khí, mua bán điện để dự án Lô B có thể triển khai đồng bộ.
Kiến nghị thứ hai của PVN là Bộ Công Thương sớm triển khai và giải quyết việc chuyển ngang giá khí và sản lượng bao tiêu trong cơ chế sử dụng LNG để các dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3, 4 đảm bảo hiệu quả. Thêm vào đó, phía EVN nên có kế hoạch huy động và tăng huy động khí cho sản xuất điện nhằm đảm bảo đầy đủ việc sử dụng khí.
Ngoài ra, đại diện PVN cũng đề nghị Chính sớm phê duyệt Đề án tái cơ cấu PVN đến năm 2025 và kế hoạch 5 năm của tập đoàn; sớm sửa đổi nghị định về đầu tư ra nước ngoài về dầu khí và đặc biệt có phân cấp cho các dự án thuộc khu vực thượng nguồn trong giai đoạn chuyển giao giữa Luật Dầu khí cũ và mới…