Các doanh nghiệp săm lốp cao su trên sàn đang làm ăn ra sao?

26-08-2022 21:09|Hồ Nga

Các doanh nghiệp săm lốp cao su trên sàn vẽ nên những bức tranh về doanh thu và lợi nhuận hoàn toàn khác nhau.

Ngày 16/9 tới đây, CTCP Cao su Sao vàng (SRC) sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2021 bằng tiền tỷ lệ 6%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 600 đồng. Thời gian thanh toán 30/9/2022. Như vậy, với gần 28,1 triệu cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành, Cao su Sao Vàng sẽ chi khoảng 17 tỷ đồng trả cổ tức đợt này cho cổ đông.

Từ thông tin Cao su Sao Vàng trả cổ tức, nhìn lại các doanh nghiệp săm lốp ô tô trên sàn. Hiện tại theo ghi nhận, có 3 doanh nghiệp liên quan đến việc sản xuất tiêu thu săm lốp ô tô, xe máy đang có cổ phiếu giao dịch trên sàn.

Có 3 doanh nghiệp sản xuất săm lốp trên sàn

Số liệu ghi nhận hiện có 3 doanh nghiệp sản xuất săm lốp đang có cổ phiếu giao dịch trên sàn. Các doanh nghiệp này vẫn làm ăn có lãi, tuy bức tranh doanh thu và lợi nhuận các doanh nghiệp không hoàn toàn giống nhau.

Cao Su Sao Vàng (mã chứng khoán SRC) đưa cổ phiếu lên sàn từ tháng 10/2009. Doanh thu công ty cũng ổn định nhiều năm trở lại đây, xấp xỉ từ 900 đến 1.000 tỷ đồng trong đó có những năm doanh thu tăng vọt như 2020 vừa qua với gần 1.350 tỷ đồng, hay năm 2011 trước đó với hơn 1.200 tỷ đồng.

Lợi nhuận đạt được hàng năm không đều đặn, nhưng dù giai đoạn khó khăn, công ty cũng chưa ghi nhận lỗ trong khoảng hơn chục năm trở lại đây. Lợi nhuận năm 2020 cũng đạt mức rất cao với 74 tỷ đồng trong khi năm 2021 lãi sau thuế 40 tỷ đồng.

Cao su Sao vàng là doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại săm lốp từ ô tô, xe máy, xe đạp và cả máy bay,… là doanh nghiệp ra đời sớm nhất trong các doanh nghiệp ngành săm lốp trong nước.

Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 doanh thu công ty lại giảm 6% so với nửa đầu năm 2021 đạt 467 tỷ đồng. Tuy vậy nhờ tiết giảm chi phí, lợi nhuận sau thuế vẫn đạt mức tăng trưởng 34% lên gần 33 tỷ đồng.

screen-shot-2022-08-26-at-16.15.13.png

Một thực trạng cho thấy, năm 2021 và nửa đầu năm 2022 doanh nghiệp ngành săm lốp đối mặt với nhiều khó khăn. Tâm điểm là việc quý 2/2021, Bộ Thương Mại Mỹ (DOC) đưa ra kết luận về cuộc điều tra đối với lốp ô tô nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo đó, DOC kết luận lốp xe hơi và xe tải nhẹ từ Việt Nam được trợ cấp không bình đẳng thông qua việc đồng tiền Việt Nam được định giá thấp hơn giá trị thực.

Từ kết quả của cuộc điều tra, DOC áp thuế chống trợ cấp lần lượt 7.89% và 6.23% đối với lốp ô tô từ 2 công ty Kumho Tire (Việt Nam) Co. Ltd. và Sailun (Vietnam) Co. Ltd., các doanh nghiệp còn lại đều sẽ bị áp mức thuế suất chung 6.46%.

Ngoài ra, lốp xe Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sẽ còn bị áp thêm thuế chống bán phá giá 22.3%, trừ một số công ty FDI như Kenda Rubber, Sailun Group, Bridgestone Corp, Kumho Tire,… sẽ không phải chịu loại thuế này.

Bên cạnh thuế suất nhập khẩu bị ảnh hưởng, thì việc dịch bệnh bùng phát khắp nơi đã làm tăng cước vận chuyển, đặc biệt tình trạng thiếu hụt vỏ container rỗng năm ngoái đã làm ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp có hàng xuất khẩu. Tuy giải pháp chung của các doanh nghiệp sản xuất là tăng giá để bù đắp chi phí, nhưng động thái này sẽ làm giảm tính cạnh tranh của các mặt hàng so với các doanh nghiệp nước ngoài khác.

Cao su Đà Nẵng (mã chứng khoán DRC) cũng là một trong 3 doanh nghiệp săm lốp cao su trên sàn lại ghi nhận doanh thu năm 2021 tăng mạnh so với năm 2020 đạt 4.380 tỷ đồng - tăng 20,1% so với năm 2020; lợi nhuận sau thuế cũng tăng 13,7% lên trên 290 tỷ đồng.

Còn 6 tháng đầu năm 2022 doanh thu vẫn tăng 14,9% lên 2.432 tỷ đồng. Tuy vậy chi phí tăng mạnh khiến cho lợi nhuận sau thuế quay đầu giảm sút 12% về mức 150 tỷ đồng. Số liệu ghi nhận nửa đầu năm 2022 doanh thu bán hảng ra nước ngoài đã tăng trở lại đạt 1.436 tỷ đồng (tăng 30% so với cùng kỳ) nhờ tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt.

Trong cơ cấu doanh thu của công ty, doanh thu từ bán săm lốp, yếm ô tô vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt hơn 2.200 tỷ đồng, chiếm trên 86% tổng doanh thu. Phần còn lại là doanh thu bán săm lốp xe máy (203 tỷ đồng), xe đạp (136 tỷ đồng) và bán các mặt hàng cao su khác.

screen-shot-2022-08-26-at-16.33.07.png

Trên thực tế dù phải chịu áp thuế trợ cấp và chống phá giá nhưng nhìn chung mức thuế suất mà các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu vẫn thấp hơn các nơi khác trong khu vực như Đài Loan, Hàn Quốc – đều bị điều tra bởi DOC. Do vậy, việc cạnh tranh với các doanh nghiệp khác cũng bớt phần áp lực.

Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) cũng một phần giúp sản phẩm của Việt Nam vào thị trường EU được thuận lợi hơn theo lộ trình giảm thuế nhập khẩu.

Tuy mở ra cơ hội vào thị trường lớn EU, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải tích cực chuẩn bị, do tiêu chuẩn lốp vào thị trường Châu Âu có khác biệt, tạo thử thách lớn cho các doanh nghiệp trong nước khi bắt nhịp kịp thị trường.

Bức tranh tại Cao su Miền Nam (Casumina - mã chứng khoán CSM) lại khác khi doanh thu tăng đều đặn 5 năm trở lại đây, trong đó năm 2021 đạt mức kỷ lục 4.840 tỷ đồng. Tuy vậy, lợi nhuận 5 năm trở lại đây lại giảm mạnh.

Số liệu ghi nhận các năm từ 2012 đến 2016, Casumina lãi quanh mức 250 đến 360 tỷ đồng mỗi năm, thì bước sang năm 2017 lợi nhuận sau thuế chỉ bằng 1/5 của năm 2016 về mức 55 tỷ đồng. Thậm chí năm 2018 công ty chỉ lãi sau thuế 13 tỷ đồng dù doanh thu vẫn tăng.

screen-shot-2022-08-26-at-16.53.52.png

Nguyên nhân chính khiến cho lợi nhuận của Casumina không tăng tương ứng với tỷ trọng tăng doanh thu chủ yếu do chi phí nguyên vật liệu tăng cao, dẫn tới lợi nhuận giảm sút. Ngoài ra, việc đẩy mạnh xuất khẩu cũng khiến cho việc công ty gánh thêm khoản chênh lệch tỷ giá tuỳ theo biến động các đồng ngoại tệ.

Bài toán về hàng tồn kho

Bên cạnh đó giá cao su trên thị trường tăng, cũng là bài toán khó cho các doanh nghiệp sản xuất săm lốp trên thị trường khi giá nguyên liệu tăng. Các doanh nghiệp này đang có xu hướng gia tăng giá trị hàng tồn kho để “đỡ giá” – tuy vậy đây cũng là con dao 2 lưỡi khi giá nguyên liệu giảm, công ty phải ôm hàng tồn kho giá cao sẽ ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm.

BCTC 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận tổng giá trị hàng tồn kho đến 30/6/2022 của Cao Su Đà Nẵng đạt 1.657 tỷ đồng - tăng hơn 200 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Tương tự, Casumina cũng có lượng hàng tồn kho 1.764 tỷ đồng - tăng hơn 100 tỷ đồng so với đầu năm. Trong khi đó, Cao su Sao Vàng giữ ổn định giá trị hàng tồn kho quanh mức 300 tỷ đồng (tăng 13 tỷ đồng so với đầu năm).

Thị trường biến động, Cao su Đà Nẵng (DRC) sụt giảm lợi nhuận hơn 20% so với cùng kỳ

‘Đất vàng’ 231 Nguyễn Trãi về tay Tập đoàn Hoành Sơn: Từng bị cổ đông phản đối, giờ ra sao?

KQKD quý 2 ngành cao su: Bất ngờ có doanh nghiệp ngược dòng, lợi nhuận tăng trưởng

Bài thuộc chủ đề Sản xuất, Công nghiệp
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cac-doanh-nghiep-sam-lop-cao-su-tren-san-dang-lam-an-ra-sao-146031.html
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Các doanh nghiệp săm lốp cao su trên sàn đang làm ăn ra sao?
    POWERED BY ONECMS & INTECH