Các ngân hàng trên thế giới sẽ chi 85 tỷ USD cho GenAI vào năm 2030
Hiện có 85% ngân hàng trên toàn cầu đã triển khai chiến lược AI trong phát triển sản phẩm mới, với 59% nhân sự tích cực sử dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động hằng ngày.
Ngày 29/10 tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp cùng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Tập đoàn IEC đã tổ chức Hội thảo và Triển lãm Smart Banking 2024, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực ngân hàng.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA, ông Nguyễn Quốc Hùng, nhấn mạnh sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành ngân hàng Việt Nam với những công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) và blockchain, cùng các sản phẩm dịch vụ tài chính số hóa.
Ông Hùng cho biết, hiện có 85% ngân hàng trên toàn cầu đã triển khai chiến lược AI trong phát triển sản phẩm mới, với 59% nhân sự tích cực sử dụng AI trong hoạt động hằng ngày.
Kinh phí của các ngân hàng cho AI tạo sinh (GenAI) được dự đoán sẽ tăng lên 85 tỷ USD vào năm 2030, tăng mạnh so với mức 6 tỷ USD năm 2024, đánh dấu mức đầu tư tăng hơn 1.400%, thể hiện sự dịch chuyển mạnh mẽ từ ngân hàng truyền thống sang mô hình "AI Bank".
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nguồn: Internet |
Tuy nhiên, ông Hùng lưu ý rằng việc triển khai AI không hề đơn giản, đặc biệt là các vấn đề về bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư - thách thức lớn mà mọi tổ chức tín dụng phải đối mặt.
“Chủ đề của hội thảo hôm nay không chỉ đơn thuần là bàn luận về những xu hướng công nghệ mà còn là tìm kiếm những chiến lược phát triển bền vững cho ngành ngân hàng. Chúng ta cần phải xem xét cách thức mà các ngân hàng có thể kết hợp giữa đổi mới sáng tạo và trách nhiệm xã hội, từ đó xây dựng một hệ thống tài chính vững mạnh, có khả năng thích ứng với những biến động của thị trường”, ông Hùng chia sẻ.
Lãnh đạo VNBA cũng cho rằng quá trình chuyển đổi số với các yếu tố mới và thay đổi nhanh chóng đòi hỏi các tổ chức tín dụng phải tập trung vào một số vấn đề chính:
Đánh giá kết quả chuyển đổi số trong lĩnh vực dữ liệu số, nhận diện những hạn chế và đề xuất chính sách để hoàn thiện khung pháp lý, tạo nền tảng cho chuyển đổi số bền vững.
Chia sẻ các giải pháp công nghệ hiện đại và sáng tạo trong quản lý dữ liệu, nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững.
Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ như phân tích dữ liệu lớn, học máy, điện toán đám mây, AI, blockchain và IoT.
Thông tin mới nhất về 2 ngân hàng 0 đồng sau chuyển giao bắt buộc 
Bổ nhiệm bà Phạm Thị Hòa làm Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Hà Giang