Cách làm của Nhật và Đức để có Bộ Tài chính gọn và mạnh
Sẽ là bổ ích nếu có thêm kinh nghiệm nước ngoài để tham khảo khi thiết kế cơ cấu tổ chức bên trong các bộ một cách hợp lý.
Việt Nam đang triển khai cuộc cách mạng tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị với mục tiêu tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả . Việc sắp xếp, tổ chức lại các bộ ngành trung ương là một nội dung quan trọng của cuộc cách mạng này.
Bài viết đề cập đến cơ cấu tổ chức hiện tại của Bộ Tài chính Nhật và Bộ Tài chính Liên bang Đức - một trong số các bộ của Chính phủ 2 nước.
Bộ Tài chính Nhật
Hiện tại, Bộ Tài chính Nhật có 1 bộ trưởng, 3 thứ trưởng, trong đó có 1 thứ trưởng nghị viện với cơ cấu tổ chức như sau:
- Văn phòng Bộ:
+ Cơ cấu tổ chức Văn phòng Bộ:
* Phòng Thư ký
* Phòng Hành chính và pháp luật
* Phòng Kế toán
* Phòng Quản lý các tổ chức tài chính đặt tại địa phương
* Phòng Kế hoạch chính sách và nghiên cứu
* Phòng Các thiết chế tài chính chính phủ
* Phòng Ổn định hệ thống tài chính
* Phòng Sức khỏe và phúc lợi
- Vụ Ngân sách:
+ Cơ cấu tổ chức:
* Phòng Kế hoạch và hành chính
* Phòng Tài chính
* Phòng Pháp luật
* Phòng Lương nhân viên nhà nước và hỗ trợ lẫn nhau
* Phòng Nghiên cứu
- Vụ Thuế:
+ Cơ cấu tổ chức:
* Phòng Kế hoạch và hành chính
* Phòng Nghiên cứu
* Phòng Thuế thu nhập và chính sách thuế tài sản
* Phòng Chính sách thuế gián tiếp
* Phòng Chính sách thuế công ty
- Vụ Hải quan và thuế hải quan:
+ Cơ cấu tổ chức:
* Phòng Kế hoạch và hành chính
* Phòng Nhân sự
* Phòng Chính sách thuế hải quan và pháp luật
* Phòng Bảo đảm tuân thủ pháp luật
* Phòng Thông quan
* Phòng Kiểm toán thông quan bưu điện, điều tra và tình báo.
- Vụ Tài chính:
+ Cơ cấu tổ chức:
* Phòng Kế hoạch và hành chính
* Phòng Kho bạc
* Phòng Chính sách quản lý nợ
* Phòng Thị trường tài chính
* Phòng Đầu tư tài chính và chương trình nợ
* Phòng Chính sách quản lý tài sản quốc gia và pháp luật
* Phòng Điều phối chính sách quản lý tài sản chính phủ
* Phòng Chính sách quản lý tài sản hành chính
* Phòng Chính sách sắp xếp và sử dụng tài sản phi hành chính
* Phòng Quản lý nợ và đầu tư tài chính
- Vụ Quốc tế:
+ Cơ cấu tổ chức:
* Phòng Kế hoạch và hành chính
* Phòng Chính sách và quản lý giao dịch nước ngoài
* Phòng Các tổ chức quốc tế
* Phòng Hợp tác tài chính khu vực
* Phòng Thị trường trao đổi ngoại tệ
* Phòng Chính sách phát triển
* Phòng Các ngân hàng phát triển đa phương
Ngoài 6 Vụ kể trên, Bộ Tài chính Nhật còn có các cơ quan, tổ chức trực thuộc sau:
- Các tổ chức tài chính đặt tại một số địa phương
- Cơ quan Thuế quốc gia với nhiệm vụ chủ yếu là thu thuế
- Cơ quan Hải quan
- Cơ quan tài chính nhà ở
- Cơ quan in tiền
- Cơ quan đúc tiền
- Viện nghiên cứu chính sách
- Trung tâm Kế toán
- Phòng Thí nghiệm hải quan trung ương
- Viện Đào tạo hải quan
- Viện nghiên cứu quốc gia về rượu
Bộ Tài chính Liên bang Đức
Bộ có 1 bộ trưởng, 6 thứ trưởng, trong đó có 2 thứ trưởng nghị viện.
Cơ cấu tổ chức các vụ như sau:
- Vụ L phụ trách các vấn đề lãnh đạo và truyền thông
Có 2 Chi vụ với 11 phòng (để ngắn gọn sẽ không nêu chi tiết các phòng trong các vụ)
- Vụ Trung tâm, gọi tắt là Vụ Z, có 4 Chi vụ:
+ Chi vụ Z A phụ trách tổ chức và nhân sự của Bộ; ngân sách của Bộ; các vấn đề kỷ luật; đào tạo nghề nghiệp trong Bộ; phát triển cơ cấu và tổ chức của Bộ (trừ hải quan). Chi vụ này có 8 phòng trực thuộc.
+ Chi vụ Z B có 7 phòng trực thuộc
+ Chi vụ Z BFA có 5 phòng trực thuộc
+ Chi vụ Z D có 6 phòng trực thuộc
Như vậy, Vụ Z có 4 Chi vụ với 26 phòng.
- Vụ I phụ trách các vấn đề cơ bản của chính sách tài chính và kinh tế quốc dân. Vụ này gồm 3 Chi vụ với 19 phòng.
- Vụ II phụ trách vấn đề ngân sách liên bang; gồm 5 Chi vụ với 27 phòng.
- Vụ III phụ trách các vấn đề hải quan; thuế giá trị gia tăng; thuế tiêu thụ đặc biệt; gồm 3 Chi vụ với 17 phòng.
- Vụ IV phụ trách các vấn đề thuế trực thu; gồm 4 Chi vụ với 22 phòng.
- Vụ V phụ trách các vấn đề quan hệ tài chính liên bang; luật hiến pháp và luật nhà nước; các vấn đề pháp luật; hậu quả chiến tranh; bồi thường. Vụ này bao gồm 2 Chi vụ với 10 phòng.
- Vụ VII phụ trách các vấn đề chính sách thị trường tài chính; bao gồm 2 Chi vụ với 12 phòng.
- Vụ VIII phụ trách các vấn đề tham gia cổ phần; bất động sản liên bang và tư nhân hóa; gồm 3 Chi vụ với 15 phòng.
- Vụ E phụ trách chính sách châu Âu, chính sách tài chính quốc tế; bao gồm 3 Chi vụ với 20 phòng.
Ngoài 10 Vụ nêu trên, Bộ còn quản lý các cơ quan, tổ chức sau:
- Cơ quan liên bang về thuế
- Cơ quan liên bang về hải quan
- Học viện Tài chính liên bang
- Trung tâm kỹ thuật thông tin liên bang
- Cơ quan liên bang về giám sát dịch vụ tài chính
- Cơ quan liên bang ổn định thị trường tài chính
- Cơ quan liên bang về nhiệm vụ bất động sản
- Cơ quan liên bang về nhiệm vụ đặc biệt phát sinh từ sự thống nhất đất nước
Phòng là loại hình tổ chức cơ bản
Từ cơ cấu tổ chức Bộ Tài chính Nhật và Đức, có thể rút ra mấy vấn đề sau:
- Là một bộ lớn nhưng cơ cấu tổ chức Bộ Tài chính Nhật và Đức về cơ bản là gọn: Bộ Tài chính Nhật bao gồm 5 Vụ, 1 Văn phòng; Bộ Tài chính Đức bao gồm 10 Vụ.
- Giống như ở nhiều nước, trong cơ cấu tổ chức bộ của Nhật và Đức không còn các vụ độc lập như Vụ Pháp luật, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Kế hoạch, tài chính… Những lĩnh vực công tác này vào thời điểm hiện tại thường được tổ chức là các phòng tương ứng đặt trong 1 vụ nào đó, ví dụ như các phòng trong Vụ Trung tâm của Bộ Tài chính Đức hoặc trong Văn phòng Bộ Tài chính Nhật.
- Về nguyên tắc, các vụ có trách nhiệm hoạch định thể chế, chính sách. Thể chế, chính sách về thuế là do Vụ Thuế và Vụ Hải quan và thuế hải quan, Bộ Tài chính Nhật; Vụ III và Vụ IV, Bộ Tài chính Đức phụ trách, còn thu thuế là việc của các cơ quan được tổ chức như các cơ quan độc lập, không nằm trong bộ máy tại bộ phụ trách. Cơ quan Thuế quốc gia, Cơ quan Hải quan thuộc Bộ Tài chính Nhật và Cơ quan liên bang về Thuế, Cơ quan liên bang về Hải quan thuộc Bộ Tài chính Đức không được giao việc hoạch định thể chế, chính sách để tránh trùng lặp công việc với các vụ thuộc Bộ.
- Vấn đề làm cho số lượng các vụ ít đi, đó chính là vai trò của loại hình tổ chức phòng trong cơ cấu tổ chức hành chính. Cả 2 nước đều lấy phòng là loại hình tổ chức cơ bản, tất cả các cơ cấu khác đều phải xuất phát từ phòng. Mỗi vụ đều bao gồm khá nhiều phòng. Vụ trong Bộ Tài chính Nhật có trung bình 6-7 phòng.
Riêng cơ cấu tổ chức các vụ thuộc Bộ Tài chính Đức có một đặc thù là có chi vụ. Về nguyên tắc, quy định hành chính Đức chỉ cho phép có cơ cấu phòng trong vụ, nhưng đối với các vụ lớn thì có thể có chi vụ và dưới chi vụ là phòng. Tất cả các vụ trong Bộ Tài chính Đức đều có chi vụ và vì vậy mỗi vụ có nhiều phòng, vụ thấp nhất có 10 phòng và vụ cao nhất có 27 phòng.
Điều dễ dàng nhận ra là nếu không sử dụng loại hình tổ chức phòng thì lập tức phải sử dụng loại hình tổ chức vụ và do đó số vụ sẽ gia tăng đáng kể trong cả Bộ Tài chính Nhật và Đức.
- Cách đặt tên các vụ cũng là một vấn đề đáng lưu ý. Các vụ thuộc Bộ Tài chính Nhật có tên gọi chỉ đích danh công việc chính của vụ, ví dụ Vụ Thuế, Vụ Tài chính… Nhưng tên các vụ Bộ Tài chính Đức lại khác. Mỗi vụ phụ trách rất nhiều vấn đề nên việc lựa chọn một các tên chung cho vụ là hết sức khó khăn. Giải pháp được lựa chọn là đặt tên theo số thứ tự I, II, III, IV… và mở ngoặc đơn liệt kê những lĩnh vực, những vấn đề chính mà vụ phụ trách.
>> Tinh gọn bộ máy: Cần có những chế độ, chính sách mang tính cách mạng 
TPHCM hỗ trợ cán bộ nghỉ việc thế nào khi tinh gọn bộ máy? 
Chủ tịch TPHCM: Không bỏ trống trụ sở công khi tinh gọn bộ máy