Doanh nghiệp

Cần 50.000 tỷ đồng để thu mua lúa gạo phục vụ xuất khẩu, tiền từ đâu?

Giai Nhi 23/08/2023 - 08:01

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu 2,7 triệu tấn gạo, doanh nghiệp cần tiền để thu mua, vấn đề là tiền đâu?

Theo các chuyên gia, Việt Nam vốn được đánh giá là nước cung cấp gạo ổn định nhất thế giới, sản lượng xuất khẩu đều đặn từ 6 - 7 triệu tấn/năm. Trong bối cảnh năm nay khi giá gạo thế giới đang ở ngưỡng cao nhất trong 10 năm, ngành nông nghiệp và ngành công thương cũng đang nỗ lực vừa đảm bảo an toàn lương thực trong nước, vừa đẩy nhanh xuất khẩu gạo.

Tuy nhiên, câu chuyện vốn lại được nhiều doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu gạo nhắc đến khi họ đang cần một nguồn vốn lớn vào hoạt động sản xuất và thu mua lúa gạo.

Theo Bộ Công Thương, sau khi đánh giá và cân đối các nhu cầu lúa gạo trong nước, từ nay đến cuối năm, lượng gạo có khả năng phục vụ cho xuất khẩu khoảng 2,7 triệu tấn, tương đương 6 triệu tấn lúa. Theo giá lúa bình quân hiện nay khoảng 8.500 đồng/kg, các doanh nghiệp và thương nhân sẽ phải có khoảng 50.000 tỷ đồng để có thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu trên.

Cứ đến mùa thu hoạch, doanh nghiệp đón khoảng 50 chuyến tàu cập bến mỗi ngày. Trên tàu chở 80 - 100 tấn lúa. Từ đầu năm đến nay, tổng lượng lúa trên các chuyến tàu lên đến 100.000 tấn. 1/3 số lúa xuất khẩu, 2/3 giữ lại trong các kho để đảm bảo an ninh lương thực trong nước.

Một số doanh nghiệp cho biết, năm nay số lúa thu mua gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt đến hơn 120.000 tấn. Để huy động đủ nguồn vốn, doanh nghiệp đã phải vay vốn ngân hàng. Khoản vay chiếm khoảng 50% tỷ trọng của tổng vốn đầu tư.

Ngành lúa gạo là ngành cần rất nhiều vốn, đặc biệt khi vào mùa vụ. Thời điểm vừa qua cũng có những động thái của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ để giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp.

Diện tích lúa gạo liên kết với nông dân khoảng 260.000 ha tại 3 tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), doanh nghiệp dự tính số vốn để thu mua lúa gạo cho dân vào khoảng 10.000 tỷ đồng. Số vốn cũng chia làm 2 giai đoạn trong khoảng thời gian ngắn khoảng hơn 4 tháng.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong bối cảnh giá lúa gạo trong nước tăng mạnh cộng với những rủi ro trên thị trường thế giới, doanh nghiệp phải thận trọng trong xuất khẩu lúa gạo. Vì vậy, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để có thể đảm bảo thu mua lúa gạo trong vụ Hè Thu này là rất quan trọng.

Chia sẻ với báo chí, lãnh đạo hiệp hội cho biết, không phải doanh nghiệp nào cũng được vay và vay số tiền lớn không phải dễ. Trong thời điểm hiện nay, ưu tiên phải mua hàng cho dân để đảm bảo thu hoạch thì số tiền rất lớn. Hầu hết các doanh nghiệp không đủ tiền mua. Đây là vấn đề rất khó khăn nên buộc phải bán ra, và dễ có rủi ro.

Trong Chỉ thị mới nhất của Thủ tướng về đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững nhấn mạnh đến vai trò của ngân hàng trong đảm bảo nguồn tín dụng thực hiện công tác thu mua và dự trữ, kịp thời hỗ trợ người sản xuất và các thương nhân trong giai đoạn hiện nay.

Nới rộng hạn mức tín dụng đối với các doanh nghiệp thu mua lúa gạo

Yêu cầu các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp thu mua lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/can-50000-ty-dong-de-thu-mua-lua-gao-phuc-vu-xuat-khau-tien-tu-dau-197716.html
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Cần 50.000 tỷ đồng để thu mua lúa gạo phục vụ xuất khẩu, tiền từ đâu?
    POWERED BY ONECMS & INTECH