Sống

Căn bệnh ở não có 3-5 triệu người Việt mắc nhưng ít ai biết

Minh An 08/08/2023 14:40

Phình động mạch não là bệnh rất hay gặp, khoảng 3-5% dân số mắc, tuổi hay gặp nhất là 40-60. Hút thuốc lá được xếp vào một trong số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Hút thuốc lá là yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh

Có tiền sử nghiện rượu và thuốc lá, sau một lần ngã vì tai nạn sinh hoạt, ông N.V.H (sinh năm 1962) hôn mê, được điều trị ở tuyến tỉnh, sau đó chuyển lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Tại đây, qua thăm khám và chụp cắt lớp, các bác sĩ đã phát hiện có túi phình mạch não vỡ và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu.

Là bệnh rất hay gặp trong quần thể dân số, nhưng nhiều người không biết mình bị bệnh phình mạch não, như trường hợp ông H. trên đây, chỉ đến khi vào viện cấp cứu vì túi phình bị vỡ mới biết.

"Hầu hết trường hợp phình động mạch não nhỏ không gây triệu chứng gì và được chẩn đoán tình cờ khi chụp não", PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết.

Theo các bác sĩ, loại dị dạng mạch não này gặp nhiều ở nữ hơn nam, hiếm khi gặp ở trẻ em. Bệnh phần lớn không cần điều trị vì nhỏ, không có triệu chứng và không được chẩn đoán.

Thuốc lá là một trong các yếu tố gia tăng nguy cơ bị phình động mạch não. Ảnh: Minh An 

Nguyên nhân bệnh phình động mạch não chưa rõ. Tuy nhiên, một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị phình động mạch não được ghi nhận như: chấn thương, nhiễm trùng, huyết áp cao, hút thuốc, bệnh thận. Một số ít trường hợp phình động mạch não có yếu tố gia đình.

Bỏ thuốc lá để ngừa nguy cơ vỡ túi phình mạch não

Theo PGS Hệ, phình động mạch não nguy hiểm nếu vỡ hoặc chèn ép các tổ chức xung quanh.

Khi bị vỡ phình mạch, máu chảy tràn trong não và người bệnh có nhiều biểu hiện như đau đầu dữ dội (chưa từng đau như vậy), nôn, buồn nôn, liệt, lơ mơ và hôn mê nếu chảy máu nhiều. Khối phình động mạch não lớn dù không vỡ có thể chèn ép gây một số triệu chứng như đau đầu, chèn ép dây thần kinh số III gây sụp mi mắt, chèn ép dây thần kinh số II gây mờ mắt hoặc mù…

PGS Hệ cho biết để chẩn đoán xác định phình động mạch não, bác sỹ sẽ cho người bệnh chụp cắt lớp vi tính sọ não, cắt lớp vi tính mạch, cộng hưởng từ não, cộng hưởng từ mạch, chụp mạch máu não.

"Không phải tất cả người bệnh phình động mạch não cần thiết phải điều trị", vị chuyên gia cho biết. Bác sĩ sẽ điều trị phình mạch não nếu phình động mạch não bị vỡ, khối phình to chèn ép các tổ chức xung quanh, hoặc túi phình động mạch não lớn. Điều trị phình động mạch não có nhiều phương pháp, mổ kẹp túi phình hoặc can thiệp nút mạch.

PGS Đồng Văn Hệ khuyến cáo người bệnh cần thay đổi để có lối sống lành mạnh hơn, không hút thuốc, không uống rượu, không để bị tăng huyết áp, mỡ máu cao, béo phì, không tránh thai bằng thuốc ngừa thai… vì sẽ làm tăng nguy cơ vỡ khối phình mạch.

Người bệnh cũng cần theo dõi định kỳ 6 tháng một lần trong những năm đầu tiên, và khám định kỳ 12 tháng một lần trong những năm tiếp theo. Khi khối phình mạch to lên thì cần phải can thiệp. Nếu sau 10-20 năm, khối phình không phát triển to lên thì bệnh nhân có thể “sống chung” với bệnh một cách hòa bình và lành mạnh. Do đó, khi đã được các bác sĩ giải thích, tư vấn thì người bệnh không nên hoang mang lo lắng, có tinh thần lạc quan để giảm áp lực tâm lý. 

Đã có nhiều trường hợp bệnh nhân bị tai biến mạch máu não do hút thuốc lá. Nguyên nhân được xác định là các chất độc trong khói thuốc lá (nicotine) ban đầu sẽ kích hoạt các chất truyền dẫn thần kinh trung gian gây tỉnh táo, thư giãn nhưng nếu hút thuốc thường xuyên thì các thành mạch máu bị tổn thương.

Đây là mầm mống gây ra chứng xơ vữa thành mạch máu làm nguy cơ tai biến mạch máu não tăng lên gấp đôi. Nguy cơ tai biến mạch máu não càng tăng cao đối với những người từng có tiền sử mắc bệnh về huyết áp hoặc hút thuốc trong thời gian dài.

Minh An

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/hut-thuoc-la-lam-tang-nguy-co-mac-benh-phinh-dong-mach-nao-2174590.html
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Căn bệnh ở não có 3-5 triệu người Việt mắc nhưng ít ai biết
    POWERED BY ONECMS & INTECH