Căn bệnh 'tử thần' đang đe dọa 1,6 triệu người Việt, thậm chí nghiêm trọng hơn nhiều so với một số loại ung thư phổ biến
Tuy nhiên, nếu được điều trị đúng cách và kịp thời, người mắc bệnh này vẫn có cơ hội phục hồi chức năng tim gần như bình thường.
Ngày 11/12, Bệnh viện Nhân dân Gia Định chính thức nhận “Chứng nhận vàng” trong điều trị suy tim , trở thành bệnh viện đa khoa đầu tiên tại Việt Nam đạt được danh hiệu này. Thành tích đáng tự hào này nối tiếp “Chứng nhận bạc” mà bệnh viện đã nhận từ Hội Tim Hoa Kỳ (AHA) cách đây một năm.
Để nhận được chứng nhận từ Hội Tim Hoa Kỳ (AHA), các bệnh viện phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe trong điều trị suy tim. Cụ thể, chẩn đoán phải chính xác, người bệnh cần được hẹn tái khám và theo dõi đầy đủ. Tỷ lệ sử dụng các loại thuốc đã được chứng minh cải thiện tiên lượng bệnh phải đạt trên 85%. Đặc biệt, các tiêu chí này phải được duy trì liên tục trong ít nhất 2 năm. AHA phân cấp chứng nhận theo các mức: đồng (Bronze), bạc (Silver), và vàng (Gold, Gold Plus).
Theo các bác sĩ, suy tim là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong. Dù y học đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, tỷ lệ tử vong do suy tim vẫn rất cao: khoảng 20% - 30% bệnh nhân tử vong sau 1 năm và đến 50% không qua khỏi sau 5 năm. Con số này nghiêm trọng hơn nhiều so với một số loại ung thư phổ biến như ung thư vú (10%), ung thư máu (30%) và ung thư đại trực tràng (34%). Tuy nhiên, nếu được điều trị đúng cách và kịp thời, người bệnh suy tim vẫn có cơ hội phục hồi chức năng tim gần như bình thường.
Điều trị suy tim là một quá trình dài hơi, đòi hỏi sự theo dõi định kỳ và quản lý chặt chẽ trong các chương trình chăm sóc chuyên biệt. Thành công trong điều trị phụ thuộc vào sự phối hợp giữa đội ngũ y tế, bao gồm bác sĩ tim mạch, điều dưỡng, dược sĩ, chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ phục hồi chức năng.
Điều trị suy tim là một quá trình dài (Ảnh minh họa)
Theo thông tin trên trang tin điện tử Đảng Bộ TP.HCM, BS.CKII Lê Hoài Nam, Phó trưởng khoa điều hành Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết, suy tim là hậu quả sau cùng trong chuỗi bệnh lý tim mạch. Tình trạng này có thể xuất phát từ các bệnh lý phổ biến như tăng huyết áp, bệnh van tim, bệnh mạch vành, hoặc từ các bệnh phức tạp hơn như viêm cơ tim, bệnh tim bẩm sinh và các bệnh tự miễn.
Hiện nay, khoảng 1% - 2% dân số thế giới đang sống chung với suy tim. Tại Việt Nam, dù chưa có số liệu chính thức, ước tính có từ 320.000 đến 1,6 triệu người mắc căn bệnh này. Với tốc độ già hóa dân số và sự gia tăng các bệnh mạn tính, tỷ lệ người mắc suy tim tại Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Các dấu hiệu suy tim có thể kể đến như:
- Cảm thấy hô hấp khó khăn khi hoạt động hoặc khi nằm
- Thức dậy vào ban đêm sẽ thấy khó thở
- Đau ngực, tim đập nhanh
- Phù nề ở cẳng chân, mắt cá chân và bàn chân
- Ho không dứt, cơn ho kéo dài kèm theo đờm và đốm máu
- Tăng cân rất nhanh do cơ thể bị ứ dịch
- Khó tập trung hoặc không tỉnh táo
- Mệt mỏi khi hoạt động
- Ho khan
- Bụng chướng hoặc cứng
- Chán ăn, buồn nôn
Khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ suy tim, người bệnh nên đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt. Việc can thiệp kịp thời không chỉ giúp kiểm soát bệnh hiệu quả mà còn giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm, bảo vệ tính mạng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Vấn đề tiêu hóa tiêu hóa hay bị người Việt bỏ qua có thể là tác nhân gây đau tim, đột quỵ 
Phát hiện cơn đau tim trong vài phút bằng ánh sáng laser