Cận cảnh robot 'khủng' thứ 2 bắt đầu đào hầm 10m/ngày tuyến Nhổn - ga Hà Nội
Ban quản lý cùng đơn vị tư vấn và các nhà thầu đã khởi công khoan hầm bằng máy đào TBM thứ hai mang tên "Táo bạo" cho đoạn đi ngầm tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.
Chiều 3/2, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội tổ chức khởi công tuyến đường hầm thứ 2 của dự án metro Nhổn - ga Hà Nội . Robot đào hầm (TBM - Tunnel Boring Machine) thứ hai chính thức khởi động. Trong ảnh, bên phải là hầm thứ nhất, được thi công bởi TBM1, bên trái là khu vực đặt robot TBM2.
TMB thứ hai có tên "Táo bạo" đặt tại tầng thứ 3 - tầng đáy, cách mặt đường Kim Mã khoảng 18m theo hướng thẳng đứng. Trong chiều 3/2, mũi khoan của robot TBM2 đã bắt đầu xuyên qua vách hầm tại ga S9. Robot đào hầm TBM được sản xuất bởi hãng Herrenkecht (CHLB Đức) dài hơn 100m, nặng khoảng 850 tấn.
Đội ngũ kỹ thuật vận hành máy đào thứ 2 thuộc tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội trao đổi và quan sát những mũi khoan đầu tiên của TBM2. Việc thi công khoan hầm được tiến hành với sự thận trọng và giám sát nghiêm ngặt, bảo đảm an toàn cho các công trình trên mặt đất và tiến độ đề ra.
Quá trình thi công máy khoan hầm sẽ tăng tốc đến tốc độ tiêu chuẩn khoảng 10m/ngày.
Trong khi đó, sau 6 tháng thi công, robot TBM1 đã đào được 985m đường hầm. Robot thứ nhất này được khởi công từ ngày 30/7/2024, đến nay, đường hầm tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội đã thành hình.
Hình ảnh sâu bên trong khu vực đường hầm 1 đang thi công. Ông Nguyễn Bá Sơn - Phó Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, trong quá trình vận hành máy thứ nhất, đơn vị thi công đã gặp nhiều khó khăn về điều kiện địa chất. Tuy nhiên qua đó, nhà thầu đã thu thập đầy đủ dữ liệu địa chất làm cơ sở để căn chỉnh máy thứ 2 nhằm bảo đảm việc vận hành trơn tru, hiệu quả hơn.
Cứ đào được 1,5m, mũi khoan lại tạm dừng hoạt động để lắp vỏ hầm. TBM khoan tới đâu, bộ phận vỏ hầm sẽ được thi công lắp đặt tới đó. Song song, các hạng mục khác của công trình cũng được hoàn thiện theo phương pháp cuốn chiếu. Các tấm vỏ hầm được đưa vào vị trí nhờ một cánh tay robot.
Cận cảnh những tấm vỏ hầm được vận chuyển từ mặt đất xuống độ sâu 18m để lắp đặt. Quá trình vận chuyển vào sâu bên trong các đường hầm dựa vào một đoàn tàu chuyên chở nguyên vật liệu đã được đưa xuống hầm từ trước đó.
Đội ngũ kỹ thuật viên, công nhân... làm việc trên mặt đất để đưa nguyên vật liệu xuống dưới lòng đất.
Theo ông Nguyễn Bá Sơn - Phó Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, sau khi hoàn thành 4km hầm đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, nhà thầu sẽ lắp thiết bị trong đường hầm. Dự kiến, đoạn tuyến đi ngầm metro Nhổn - ga Hà Nội sẽ hoàn thành vào năm 2027.
Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội dài hơn 13km, gồm 12 ga. Trong đó có hơn 12,5km tuyến chính và 0,46km đường dẫn và depot. Đoạn đi trên cao gồm 8 ga từ ga S1 - S8 dài khoảng 8,5km; đoạn đi ngầm gồm 4 ga từ ga S9 - S12 dài khoảng 4km.
Ngày 9/11/2024, TP Hà Nội đã tổ chức lễ vận hành thương mại đoạn trên cao của tuyến từ Nhổn - ga Cầu Giấy dài 8,5km.
>>Hà Nội: Hơn 74 nghìn lượt khách đi metro dịp nghỉ Tết Ất Tỵ