Cẩn trọng "hội chứng nghiện" từ "giao dịch T+" và "đánh chứng lô 10"

29-06-2022 08:58|Ba Lỗ

Bên cạnh những mong mỏi, đợi chờ về các quyết sách liên quan đến giao dịch T+ cũng như áp dụng lô lẻ (lô 10) giúp nhà đầu tư có thể quay vòng và tận dụng dòng vốn nhanh trong đầu tư, giới quản lý cũng bắt đầu lo ngại về mặt trái của việc thực thi các quyết sách này.

Nhà đầu tư có thể mua bán chứng khoán trong phiên chiều T+2 từ tháng 8

Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) thông báo đang thực hiện lấy ý kiến của các sở giao dịch chứng khoán, ngân hàng thanh toán BIDV và các thành viên lưu ký về dự thảo quy chế thay thế Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán và Quy chế thành viên lưu ký. Thời gian dự kiến áp dụng từ tháng 8/2022.

Cụ thể, thành viên lưu ký xác nhận đủ tiền hoặc thiếu tiền thanh toán giao dịch chứng khoán chậm nhất vào 16h45 ngày T+1. Điều chỉnh thời gian VSD hoàn tất thanh toán chứng khoán và ngân hàng thanh toán hoàn tất thanh toán tiền từ 15h30 - 16h00 lên 11h30 - 12h00 ngày T+2.

Thành viên lưu ký có trách nhiệm thực hiện phân bổ tiền và chứng khoán cho khách hàng sau khi VSD hoàn tất thanh toán chứng khoán và ngân hàng thanh toán hoàn tất thanh toán tiền (sau 12h) để đảm bảo nhà đầu tư có thể giao dịch trước giờ kết thúc phiên. Thành viên lưu ký thông báo VSD kết quả phân bổ tiền và chứng khoán cho nhà đầu tư chậm nhất 16h30 ngày T+2.

Với những thay đổi này, tiền và chứng khoán sẽ về tài khoản nhà đầu tư và có thể giao dịch ngay mở cửa phiên giao dịch chiều T+2. Theo quy chế trước đó, tiền và chứng khoán về tài khoản nhà đầu tư sau khi kết thúc phiên giao dịch T+2 và nhà đầu tư phải chờ sang phiên T+3 mới có thể giao dịch.

Ngoài ra, VSD cũng dự thảo Quy chế thay thế Quy chế thành viên lưu ký trong đó bổ sung một số trường hợp xử lý vi phạm do phạm vi quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán.

VSD đề nghị các đơn vị liên quan gửi văn bản góp ý trước ngày 5/7.

Trước đó, tại một hỗi thảo về nghẽn lệnh tổ chức cuối tháng 6/2021, ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc Danh mục đầu tư của Dragon Capital từng nêu quan điểm: “Tôi kỳ vọng giao dịch T0 áp dụng, theo như chúng tôi tham khảo thì khi có giao dịch trong ngày thì thanh khoản tăng 50%, điều mà rõ ràng hiện nay hệ thống không áp dụng được. Với quy mô lệnh lớn hơn thì hoàn toàn có thể áp dụng phương thức giao dịch trong ngày, và có thêm các sản phẩm bán khống, cho vay cổ phiếu...".

Ở góc độ nhà đầu tư cá nhân, ông Trần Tiến Dũng đề xuất Uỷ ban chứng khoán Nhà nước nên rút ngắn thời gian giao dịch về T+2. Một khi hệ thống mới đi vào hoạt động rút giao dịch T+2 sẽ giúp thanh khoản thị trường lên nhiều.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Quyền Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng sau khi nâng cấp hệ thống cần làm sao gia tăng hàng hoá, chất lượng hàng hoá trên thị trường. Nâng cao chất lượng tổ chức tài chính trung gian, công ty chứng khoán nâng chất lượng phục vụ thị trường tốt hơn đồng thời tiếp tục chuẩn bị sẵn nền tảng để nâng cấp, chuẩn bị cho sự phát triển của thị trường thời gian tới về cơ sở hạ tầng cũng như khung pháp lý, quy định liên quan.

Thúc tiến độ thử nghiệm giao dịch lô lẻ

Trao đổi bên lề hội thảo Maybank Invest Asean 2022, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, sau thời gian thử nghiệm giao dịch lô lẻ về 10 cổ phiếu, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) dự kiến áp dụng ngay trong tháng 6/2022.

Tuy nhiên, do một số lỗi phát sinh, Sở cần thêm vài tuần để khắc phục. Theo đó, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán kỳ vọng trong tháng 7 tới có thể áp dụng giao dịch lô 10.

Trước đó, vào đầu tháng 5, HOSE đã gửi văn bản tới các công ty chứng khoán thành viên để thử nghiệm toàn thị trường triển khai giao dịch lô lẻ, thời gian diễn ra từ 9/5 đến 20/5. HOSE cũng yêu cầu các công ty chứng khoán gửi kết quả báo cáo trước ngày 25/5/2022.

HOSE đang áp dụng giao dịch lô bội số của 100 cổ phiếu. Trước đây, HOSE áp dụng lô là bội số 10 cổ phiếu song do sự cố nghẽn lệnh diễn ra từ cuối năm 2020 nên từ 4/1/2021, lô giao dịch được điều chỉnh.

Kể từ đầu tháng 7/2021, khi hệ thống giao dịch tại HOSE do Công ty cổ phần FPT cung cấp đi vào vận hành chính thức, tình trạng nghẽn lệnh tại sàn này đã chấm dứt. Ngay sau đó, Bộ Tài chính đã yêu cầu HOSE khẩn trương áp dụng giao dịch lô tối thiểu 10 cổ phiếu để đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư.

Cẩn thận hội chứng "nghiện" chứng khoán

Bên cạnh những mong mỏi, đợi chờ về các quyết sách liên quan đến giao dịch T+ cũng như áp dụng lô lẻ giúp nhà đầu tư có thể quay vòng và tận dụng dòng vốn nhanh trong đầu tư, giới quản lý cũng bắt đầu lo ngại về mặt trái của việc thực thi các quyết sách này.

con-ng.png

Mới đây, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhà đầu tư chứng khoán có những triệu chứng nghiện giao dịch tương tự như những người nghiện cờ bạc và đây là những người thường gặp nhiều vấn đề về tài chính.

Dựa trên bộ dữ liệu bao gồm 214 quan sát từ các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhóm nghiên cứu tại Khoa Ngân hàng, trường Đại học Kinh tế TP. HCM (UEH) đã chỉ ra những hành vi được coi là biểu hiện điển hình của chứng nghiện cờ bạc ở một số nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn dịch COVID-19. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hơn 58% số nhà đầu tư có hành vi nghiện giao dịch tương tự như những người nghiện cờ bạc.

Theo đó, nhà đầu tư chứng khoán có những triệu chứng nghiện giao dịch thường gặp nhiều vấn đề về tài chính hơn và có xu hướng đầu tư vào các sản phẩm phái sinh trong danh mục hơn nhóm nhà đầu tư khác. Cùng với đó, nhà đầu tư càng có nhiều vấn đề về tài chính và có thiên hướng thích đầu tư vào các sản phẩm phái sinh sẽ có nhiều khả năng trở thành "con nghiện" trên thị trường này.

Lý giải nguyên nhân các "con nghiện" lựa chọn chứng khoán phái sinh, một chuyên gia phân tích, các sản phẩm phái sinh có sức hấp dẫn mạnh đối với các nhà đầu tư nói trên, bởi vì nó cho phép nhà đầu tư được giao dịch mua bán (T0) ngay, trong khi đó, chứng khoán cơ sở lại hạn chế với việc giao dịch theo quy tắc "T+3". Một số "con nghiện" lựa chọn giao dịch phái sinh để "lướt" và "chơi" chứng khoán chứ không phải để đầu tư.

Không chỉ vậy, anh Nguyễn Đình Đông (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) – một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm cho biết, tích cực tham gia và đầu tư theo các hội/nhóm phím hàng trên mạng xã hội cũng là một biểu hiện của "nghiện" chứng khoán. Thay vì mất thời gian, công sức để tìm hiểu về một mã chứng khoán của doanh nghiệp thì những "con nghiện" chỉ xin "ba chữ cái" để đua lệnh mua cổ phiếu T+3, kể cả các cổ phiếu của doanh nghiệp không có tiềm năng, mong có thể giàu lên nhanh chóng trong thời gian ngắn trên thị trường chứng khoán.

Để tránh trở thành những "con nghiện" trên sàn chứng khoán, theo các chuyên gia không còn cách nào khác là phải trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường này. Ông Phan Đức Hiếu, Ửy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải có năng lực tài chính, có trình độ chuyên môn nhất định về chứng khoán.

Chính vì vậy, 2 trong số 8 giải pháp được Bộ Tài chính đưa ra nhằm phát triển thị trường chứng khoán theo hướng minh bạch và bền vững đều có liên quan đến nhà đầu tư chuyên nghiệp. Cụ thể, để cải thiện chất lượng cầu đầu tư, Bộ Tài chính sẽ thúc đẩy việc hình thành và hoạt động của các định chế đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, các quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm... đồng thời tăng cường đào tạo, phát triển nhà đầu tư cá nhân có đầy đủ kiến thức khi tham gia thị trường thông qua công tác truyền thông, tăng cường cung cấp thông tin chính thống giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng tài chính của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, một chuyên gia cũng chỉ ra rằng, theo quy định, các nhà đầu tư chuyên nghiệp là những nhà đầu tư có giá trị thị trường các danh mục chứng khoán đầu tư trên 2 tỷ đồng hoặc có thu nhập chịu thuế từ 1 tỷ đồng trở lên. Tuy nhiên, trong thực tế có trường hợp người chỉ trong vài ngày hoặc một thời gian rất ngắn mà nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị trên 2 tỷ đồng. Các trường hợp này thì không thể gọi là nhà đầu tư chuyên nghiệp được. Do đó, cần có những quy định chặt chẽ hơn.

Cùng chung nhận định này, ông Phan Đức Hiếu đề xuất nên xem xét, rà soát quy định liên quan điều kiện của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Trong tương lai, thị trường sẽ tự sàng lọc mà không cần can thiệp về mặt chính sách.

Bên cạnh đó, để không trở thành "con nghiện" trên sàn chứng khoán, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cần trau dồi kiến thức và kỹ năng tài chính trên thị trường, nhất là khi các sản phẩm đầu tư ngày càng phức tạp và dịch vụ tài chính ngày càng đa dạng; không "nhắm mắt" để mua bừa một mã cổ phiếu theo khuyến nghị của các hội/nhóm, nhất là không đầu tư với tâm lý "lướt sóng" nhằm hưởng lợi nhuận nhanh trong thời gian ngắn, chứa đựng nhiều rủi ro.

Vụ FLC: Truy tố 51 người

Cho từ chức Tổng Giám đốc và thành viên HĐTV Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán (VSDC)

Bài thuộc chủ đề Tài chính
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/can-trong-hoi-chung-nghien-tu-giao-dich-t-va-danh-chung-lo-10-138124.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Cẩn trọng "hội chứng nghiện" từ "giao dịch T+" và "đánh chứng lô 10"
    POWERED BY ONECMS & INTECH