Cảnh báo dấu hiệu điện thoại đã bị xâm nhập, tiền có thể ‘bốc hơi’ bất cứ lúc nào, người dân cần lưu ý ngay
Để bảo vệ thông tin cá nhân, tiền chính của mình, chúng ta cần chú ý những dấu hiệu cảnh báo điện thoại bị xâm nhập.
Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta có nhu cầu sử dụng điện thoại thông minh nhiều hơn. Nhiều kẻ gian cũng lợi dụng sơ hở của chúng ta để "tấn công" điện thoại thông minh, đánh cắp dữ liệu và lừa đảo . Để bảo vệ thông tin cá nhân cũng như tài chính của mình, chúng ta cần chú ý những dấu hiệu cảnh báo điện thoại bị xâm nhập dưới đây:
1. Pin hao bất thường
Ở những chiếc điện thoại an toàn, pin sẽ không gặp vấn đề hao hụt bất thường. Trong khi đó, nếu như hacker đã xâm nhập vào điện thoại của bạn, điện thoại có thể sẽ bị hao pin nhanh hơn. Đây là dấu hiệu cho thấy có thể ứng dụng độc hại đang chạy ngầm trong điện thoại, cần theo dõi và để ý kỹ hơn.
2. Ứng dụng lạ xuất hiện
Là chủ nhân chiếc điện thoại, chắc chắn chúng ta sẽ phát hiện ra ngay nếu có ứng dụng lạ được cài vào điện thoại. Đó có thể là phần mềm gián điệp hoặc phần mềm độc hại, âm thầm "bòn rút" thông tin và tài sản của bạn. Vì vậy, chúng ta cần có thói quen kiểm tra và để ý điện thoại thường xuyên xem có điều gì bất thường hay không.
3. Điện thoại hoạt động chậm
Điện thoại đơ, giật lag cũng là dấu hiệu bất thường chúng ta cần quan tâm vì có thể hacker đã xâm nhập vào điện thoại của bạn. Việc mở ứng dụng chậm hơn, thỉnh thoảng bị thoát tự động ra khỏi ứng dụng... cũng có thể do phần mềm độc hại gây ra.
4. Có thông báo lạ
Nếu bạn không nhận ra những thông báo gửi về điện thoại, đó có thể là dấu hiệu của sự xâm nhập, bạn cần chú ý hơn. Cách tốt nhất để bảo vệ thông tin của mình là không nhấn vào những thông báo, đường link lạ được gửi về tài khoản.
5. Hệ thống bị thay đổi cài đặt
Trong phần cài đặt của điện thoại thông minh, nếu bạn nhận thấy có những thay đổi không mong muốn thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo. Rất có thể đây là sự can thiệp của hacker, mong muốn kiểm soát thiết bị của bạn.
Để không rơi vào tình cảnh tiền mất tật mang, ngoài việc chú ý tới những dấu hiệu bất thường trên điện thoại, bạn cần:
- Liên hệ với ngân hàng: Đây là cách hữu hiệu bạn cần nhớ nếu như phát hiện điện thoại có dấu hiệu xâm nhập. Bạn nên liên hệ ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính để bảo vệ tài khoản của mình.
- Đổi mật khẩu: Khi phát hiện điện thoại có thể đang bị xâm nhập, bạn cần tiến hành đổi mật khẩu càng nhanh càng tốt. Bạn nên chú ý tới tài khoản ngân hàng , tài khoản mạng xã hội, email... để không lộ thông tin.
- Khôi phục cài đặt gốc: Nếu cần, bạn có thể khôi phục cài đặt gốc để bảo vệ thông tin trong tài khoản của mình. Bạn đừng quên sao lưu thông tin trước khi khôi phục cài đặt gốc.
- Xóa ứng dụng lạ: Nếu có ứng dụng lạ xuất hiện trên điện thoại, bạn cần xóa ngay để tránh bị đánh cắp dữ liệu.
- Thông báo cho người thân: Nếu kiểm soát được điện thoại của bạn, kẻ gian có thể sẽ liên hệ với người thân, người quen để lừa đảo. Vì thế, bạn cần ngăn chặn điều này bằng cách báo cho người thân, người quen của mình về tình hình hiện tại để họ cẩn thận hơn.