Cảnh báo lừa đảo tài chính gia tăng: Châu Á thiệt hại gần 700 tỷ USD trong năm 2024
Gian lận tài chính lan rộng trên nền tảng số, gây thiệt hại hàng trăm tỷ USD. ASEAN kêu gọi hợp tác khu vực để đối phó tội phạm xuyên biên giới.
Tại phiên đối thoại cấp cao giữa Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN với các CEO tổ chức tài chính, diễn ra ngày 9/4 trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN tại Kuala Lumpur (Malaysia), vấn đề gian lận và lừa đảo tài chính tiếp tục được đặt lên bàn nghị sự như một thách thức cấp bách và mang tính toàn cầu.
Các thống đốc và lãnh đạo ngân hàng khu vực nhấn mạnh rằng trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, nền kinh tế số mang lại nhiều cơ hội nhưng đồng thời làm gia tăng các rủi ro lừa đảo tài chính.
Các hình thức gian lận ngày càng tinh vi, đặc biệt qua mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử, ứng dụng OTT và tin nhắn SMS giả mạo. Các đối tượng thường sử dụng kỹ thuật "dụ dỗ" (social engineering) để chiếm lòng tin, khiến nạn nhân tự nguyện chuyển tiền mà không nhận ra hành vi lừa đảo.
Theo ước tính từ Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (Global Anti-Scam Alliance), khu vực châu Á thiệt hại lên tới 688,4 tỷ USD trong năm 2024 do các vụ lừa đảo tài chính. Không chỉ tổn thất về tài chính, hậu quả còn ảnh hưởng tiêu cực tới lòng tin của người dân vào hệ thống thanh toán số và cản trở đà phát triển của kinh tế số bền vững trong khu vực.
![]() |
Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh tham dự và phát biểu tại phiên đối thoại với CEO của các tổ chức tài chính. |
>> Không phải Big4, đây mới là ngân hàng Top 1 thị phần giao dịch 247 trên NAPAS
Trước thực trạng đó, nhiều ngân hàng ASEAN đã triển khai các biện pháp ứng phó như tăng cường giám sát giao dịch theo thời gian thực, đẩy mạnh cảnh báo và giáo dục khách hàng về nhận diện gian lận. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn còn hạn chế do chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi. Đáng chú ý, tỷ lệ thu hồi tiền sau khi bị lừa đảo rất thấp, chỉ khoảng 5%, khi tội phạm có thể rút tiền chỉ trong vòng chưa đầy 30 phút.
Các đại biểu nhấn mạnh, để phòng chống lừa đảo tài chính hiệu quả, cần xây dựng một hệ sinh thái toàn diện, thay vì chỉ phụ thuộc vào ngân hàng hoặc cơ quan thực thi pháp luật. Các bên liên quan như công ty viễn thông, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, nhà sản xuất thiết bị và hệ điều hành đều cần có trách nhiệm chung trong bảo vệ hệ sinh thái số khỏi sự tấn công của tội phạm công nghệ cao.
Đại diện Việt Nam, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết, tại Việt Nam, giao dịch số vẫn đang tăng trưởng ở mức hai con số hàng năm. Tuy nhiên, điều này cũng đi kèm với các rủi ro gia tăng khi tội phạm công nghệ ngày càng tinh vi, đặc biệt lợi dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thực hiện hành vi lừa đảo.
Ông cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã áp dụng loạt biện pháp như xác thực sinh trắc học cho giao dịch trực tuyến và ban hành tiêu chuẩn an toàn thông tin mạng nhằm nâng cao năng lực phòng vệ trước rủi ro.
![]() |
Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh và Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng tham dự các phiên đối thoại với Hội đồng kinh doanh US-ASEAN, EU-ASEAN và ABAC. |
“Gian lận và lừa đảo tài chính là vấn đề phức tạp và có tính xuyên biên giới. Vì vậy, việc tăng cường hợp tác khu vực là rất cần thiết để cùng nhau phối hợp xử lý hiệu quả”, ông Cảnh nhấn mạnh tại phiên thảo luận.
Ngày 10/4/2025, Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh tiếp tục tham dự các Hội nghị Thống đốc NHTW và Bộ trưởng Tài chính ASEAN.
>> Thu nhập 'tính bằng vàng', nhân viên HSBC có thể mua 7 chỉ vàng/tháng