Cảnh báo thói quen khi ăn lẩu khiến nhiều người Việt vô tình rước bệnh lúc nào không hay
Lẩu là món ăn được nhiều người Việt ưa thích trong mùa đông. Tuy nhiên, một số thói quen sẽ vô tình khiến người dùng rước bệnh vào người.
Trong thời tiết mùa đông, những nồi lẩu nghi ngút khói trở thành món ăn được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên nó cũng tiềm ẩn một số mối nguy cho sức khỏe  nếu thưởng thức theo những thói quen dưới đây:
Đun sôi liên tục
Khoang miệng, thực quản và niêm mạc dạ dày chỉ có thể chịu được nhiệt độ 50 độ C. Ăn đồ quá nóng sẽ làm tổn thương niêm mạc. Trong khi đó, nhiệt độ của lẩu có thể cao tới 120 độ C. Nếu lấy đồ nhúng ra ăn luôn, bạn rất dễ bị bỏng miệng, lưỡi, gây hại cho thực quản và niêm mạc dạ dày. Một số bệnh nhân loét dạ dày có thể trở nặng nếu có thói quen này.
Bởi vậy, bạn không nên nôn nóng khi dùng lẩu. Thức ăn gắp ra khỏi nồi nên nên để nguội mới thưởng thức.
Nhúng rau và thịt quá tái
Nhiều người cho rằng, thực phẩm tái sẽ ngon và ngọt hơn. Tuy nhiên, việc ăn thực phẩm nhúng còn tái, đỏ rất dễ làm vi khuẩn và ký sinh trùng xâm nhập vào đường tiêu hóa.
Được biết, sán dây bò thường ký sinh trong phần thịt nạc của bò. Do đó, nếu chúng ta ăn các món từ thịt, nội tạng bò, lợn chưa được nấu chín như: chỉ nhúng tái, còn đỏ có thể dẫn đến việc bị nhiễm sán.
Cho thật nhiều ớt cay
Nhắc đến lẩu, vị cay nóng luôn là lựa chọn hàng đầu của nhiều người vì đem lại cảm giác ấm áp vào mùa lạnh.
Không khó để hình dung tác hại của lẩu cay đối với dạ dày và đường ruột. Vị cay của lẩu lúc đầu kích thích thực quản, sau đó nhanh chóng đi qua dạ dày, ruột non, gây kích ứng nghiêm trọng, sinh ra axit dịch vị và đầy hơi, viêm thực quản, dạ dày, tiêu chảy.
Mỗi người có khả năng chịu cay khác nhau, nhưng vì lợi ích của dạ dày, bác sĩ cho rằng nên ăn ít cay sẽ tốt hơn. Ngoài ra, sau khi ăn lẩu, bạn nên uống thêm nước đun sôi để nguội hoặc nước chè để pha loãng bớt vị cay, giảm kích ứng cho dạ dày.
Ăn quá lâu
Phần lớn chúng ta khi ăn lẩu đều có thói quen vừa ăn vừa trò chuyện tán gẫu vậy nên thời gian ngồi bên nồi lẩu kéo dài. Việc ăn trong vài tiếng đồng hồ khiến dạ dày của bạn phải làm việc liên tục bởi các dịch vị dạ dày, dịch mật, tụy phải tiết ra nhiều, liên tục để xử lý lượng thức ăn nạp vào cơ thể. Chính vì vậy mà việc ăn lâu dễ gây đau bụng, rối loạn tiêu hóa.