Cánh cửa nào cho ngành thép ở giai đoạn khó khăn nhất 10 năm?

05-11-2022 11:50|Quốc Huy

Quý 3/2022 được xem là khoảng thời gian tồi tệ với ngành thép khi chỉ tính riêng HPG, HSG, NKG, TIS và SMC đã lỗ tổng cộng 3.336 tỷ đồng.

Quý "kinh hoàng" của ngành thép

Trong báo cáo cập nhật ngành thép quý 3/2022, CTCP Chứng khoán Everest (EVS Research) nhận định ngành thép đang ở giai đoạn khó khăn nhất 10 năm.

Hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp ngành thép đã cập  nhật kết quả kinh doanh quý 3/2022. Doanh thu của 8 doanh nghiệp thép giảm 19% còn 59.274 tỷ đồng và ghi nhận mức lợi nhuận âm đến 3.317 tỷ đồng.

Đáng chú ý, top 5 vốn hóa của ngành là Hòa Phát (HPG), Hoa Sen (HSG), Thép Nam Kim (NKG), Gang thép Thái Nguyên (TIS) và SMC đều báo lỗ. Kết quả u ám này cũng đã khiến ngành thép chiếm tới 50% trong bảng xếp hạng 10 doanh nghiệp niêm yết lỗ nặng nhất quý 3/2022. 

Đáng chú ý, HPG với lợi nhuận âm 1.300 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 11.000 tỷ đồng. Đây là lần thứ 2 tập đoàn thép đầu ngành báo lỗ kể từ cuộc khủng hoảng 2008 đến nay và cũng là mức lỗ lớn nhất trong lịch sử hoạt động. Điều này cho thấy khó khăn chung của ngành thép trong bối cảnh hiện tại.

Trước đó, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát đã dự đoán trước được bức tranh u tối của ngành thép trong khoảng thời gian này.  Cụ thể, Chủ tịch Long từng chia sẻ sau quý 1 thì những quý còn lại của năm nay ngành thép gặp khó khăn.

Dữ liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, sản xuất thép quý 3/2022 đạt 6,68 triệu tấn, giảm 7% so với cùng kỳ 2021, giảm 18% so với quý trước. Tiêu thụ thép đạt 6,14 triệu tấn, giảm 12% so với quý trước, giảm 1% so với quý 3/2021.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 20,81 triệu tấn, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước; tiêu thụ thép thành phẩm đạt 19,26 triệu tấn, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2021.

EVS Research cho rằng, sản xuất và tiêu thụ thép đang ở mức rất thấp, thậm chí ở mức thấp hơn so với quý 3/2021 – thời điểm nước ta đóng cửa đóng cửa vì dịch bệnh, các hoạt động xây dựng gần như đóng băng tại các thành phố lớn.

Theo EVS Research, ngành thép gặp khó trong quý 3 và trong 9 tháng đầu năm nay do ngành bất động sản bị ảnh hưởng, kể từ sau vụ Tân Hoàng Minh và thị trường trái phiếu bị siết chặt – đây là nguồn vốn quan trọng đối với các doanh nghiệp bất động sản trong một vài năm trở lại đây.

Kỳ vọng tương lai

VSA cho rằng trong quý 4/2022, doanh nghiệp có thể khởi sắc, bởi theo thông lệ đây là giai đoạn nhu cầu thép tăng lên khi các công trình xây dựng gấp rút đẩy mạnh tiến độ. Tuy nhiên, nhu cầu có tăng hay không vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là khi tồn kho của các doanh nghiệp vẫn ở mức cao, cần thời gian để xử lý.

Hơn nữa, tốc độ giải ngân đầu tư công hiện nay vẫn còn khá chậm. Theo thông tin từ Bộ Tài chính, trong 8 tháng năm 2022, tiến độ giải ngân đầu tư công mới đạt khoảng 35% kế hoạch năm.

Ngoài ra, nhu cầu của thế giới vẫn đang ở mức thấp nên dù châu Âu và Trung Quốc có đang giảm sản lượng thì Việt Nam cũng chưa thể đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này.

Đồng quan điểm EVS Research cho rằng sự phục hồi của ngành thép sẽ diễn ra vào quý 4/2022 bởi cuối năm là ‘mùa xây dựng’. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng quyết định sự phục hồi trong dài hạn là sự phục hồi của ngành bất động sản.

Nhóm phân tích nhận thấy thị trường bất động sản trong nước đang gặp khó khăn do dòng vốn trái phiếu đang bị siết chặt, kết hợp với Luật đất đai sửa đổi với nhiều thay đổi và việc chờ đợi những sửa đổi chính thức được ban hành có thể làm giảm tốc độ phê duyệt các dự án trong thời gian tới.

Vì vậy, EVS Research nhận định “Trong ngắn hạn, ngành thép có thể phục hồi nhẹ vào quý 4. Tuy nhiên, xét về dài hạn, ngành thép trong nước vẫn gặp khó khăn”.

Mặt khác, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VCBS cho rằng, nguồn vốn kế hoạch giải ngân trong năm 2022 và 2023 còn lại rất nhiều sẽ là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy xây dựng các dự án hạ tầng cũng như nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng.

VCBS cũng kỳ vọng giá thép có thể hồi phục tốt hơn trong năm 2023, động lực chủ yếu đến từ nhu cầu của thị trường Trung Quốc khi kỳ vọng các chính sách kích thích lại thị trường bất động sản bắt đầu có hiệu quả, trong đó Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc có dự định đưa ra gói hỗ trợ cho vay 200 tỷ Nhân dân tệ lãi suất thấp giúp tái cơ cấu các dự án bất động sản.

Bên cạnh đó, Trung Quốc dỡ bỏ phong tỏa giúp nhu cầu tiêu thụ sắt thép ổn định trở lại; Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt chi cho xây dựng cơ sở hạ tầng để thúc đẩy nền kinh tế. Với chính sách cắt giảm khí thải và công suất thép của Trung Quốc, nguồn cung thép được dự báo sẽ giảm dần trong những năm tới. Vì vậy, giá thép sẽ rất nhạy cảm với nhu cầu, VCBS kỳ vọng khi triển vọng nhu cầu thép tích cực trở lại, giá thép sẽ có mức hồi phục tốt và giúp cải thiện mức biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép.

VCBS cũng nhận thấy chu kỳ giá thép hiện nay có điểm tương đồng với giai đoạn 2013 – 2016 khi nhu cầu tiêu thụ thép tại Trung Quốc sụt giảm mạnh do thị trường bất động sản Trung Quốc chững lại, từ đó thép đi vào giai đoạn giảm giá dài. Đây là giai đoạn các nhà sản xuất thép phải hạn chế sản xuất. Tuy nhiên vào năm 2016 khi chính phủ Trung Quốc triển khai hàng loạt chính sách kích thích thị trường bất động sản và thắt chặt nguồn cung thép thì giá thép đã cho mức tăng giá rất ấn tượng.

Tại thị trường trong nước, nguồn cung bất động sản trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2023 sau quá trình siết chặt nguồn vốn vào thị trường bất động sản năm 2022, VCBS kỳ vọng chính sách sẽ dần nới lỏng cho các chủ đầu tư vào năm 2023 giúp nguồn cung được hồi phục rõ rệt.

Bên cạnh đó Chính phủ cũng đang khẩn cấp rà soát các vấn đề về pháp lý và hoàn thiện khung pháp luật liên quan tới lĩnh vực bất động sản để tháo gỡ những khó khăn giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định hơn. Nguồn cung bất động sản hồi phục và chính sách đẩy mạnh đầu tư công sẽ là động lực lớn giúp thúc đẩy sản lượng tiêu thụ thép.

Tương tự, trong báo cáo mới đây,  CTCP Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng, tình trạng thiếu hụt năng lượng có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn tại châu Âu khiến một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng phải cắt giảm sản lượng, bao gồm sản xuất thép. Theo Agriseco Research, thông tin này sẽ đem lại những hiệu ứng tích cực cho nhóm cổ phiếu thép trong ngắn hạn và có thể tạo ra những cơ hội cải thiện hoạt động kinh doanh cho các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Hòa Phát (HPG) và hành trình "pha loãng" một cổ phiếu "quốc dân"

Nhu cầu suy yếu, ngành thép còn khó khăn đến khi nào?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/canh-cua-nao-cho-nganh-thep-o-giai-doan-kho-khan-nhat-10-nam-156788.html
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Cánh cửa nào cho ngành thép ở giai đoạn khó khăn nhất 10 năm?
    POWERED BY ONECMS & INTECH