Cập nhật mới nhất về siêu dự án du lịch tâm linh 10.000 tỷ của tỷ phú 'ăn chay' Xuân Trường: Đưa di tích vươn tầm quốc tế
Siêu dự án tâm linh với quy mô 1.500ha đang được UBND tỉnh Hải Dương đề nghị cấp cao cho phép lập quy hoạch.
Mới đây, UBND tỉnh Hải Dương đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất thực hiện Khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long , thành phố Chí Linh.
Theo đó, tỉnh Hải Dương đề nghị cho phép tách Khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long ra khỏi phạm vi quy hoạch bảo tồn và phát triển khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc. Đồng thời, tỉnh cũng đề xuất được lập quy hoạch riêng cho khu du lịch này nhằm phát huy giá trị cảnh quan và bổ trợ cho di tích, biến nơi đây thành điểm du lịch quốc tế.
Theo đúng quy hoạch phân khu trước đây, khu vực hồ Thanh Long thuộc phân khu khai thác đặc biệt của khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc. Tuy nhiên đến nay, Chính phủ đã cho phép gia hạn và điều chỉnh lại quy hoạch chung cho di tích này cho phù hợp xu thế. Điều này nhằm tạo điều kiện phát triển riêng biệt cho Khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long.
UBND tỉnh Hải Dương đã hoàn thiện hồ sơ nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch thành phố Chí Linh giai đoạn 2023-2033, tầm nhìn đến năm 2050. Khu vực hồ Thanh Long nằm trong phạm vi lập quy hoạch này.
Theo quy hoạch tỉnh Hải Dương  giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định rõ vùng bảo tồn di tích và vùng phát triển du lịch hồ Thanh Long có diện tích khoảng 1.380ha.
Theo báo cáo trước đó, Khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long sẽ được xây dựng thành một khu du lịch tổng hợp có tầm cỡ quốc gia, quốc tế với các loại hình du lịch đặc trưng là lịch sử, văn hóa, tâm linh, sinh thái. Toàn bộ khu vực nghiên cứu quy hoạch dự án hồ Thanh Long có tổng diện tích với khoảng 1.502ha. Phạm vi di tích thuộc các xã Hưng Đạo, Lê Lợi và phường Cộng Hòa. Dự án bao gồm các hạng mục xây dựng, tôn tạo tháp thờ phật, tháp chuông với tâm điểm là 3 ngọn tháp ở hồ Tam Tôn, nối với nhau bằng hệ thống đường ngầm dưới lòng hồ.
Trước đó, tại Hội nghị công bố danh mục thu hút đầu tư trên địa bàn TP. Chí Linh (Hải Dương) đến năm 2040, Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đã ký biên bản ghi nhớ với UBND thành phố Chí Linh về việc nghiên cứu đầu tư dự án này với tổng vốn 10.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp cam kết thực hiện dự án với thời gian 10 năm trên diện tích đất là 2.000ha.
Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường được biết đến là chủ đầu tư nhiều dự án du lịch tâm linh có giá trị đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc như Quần thể Bái Đính – Tràng An (Ninh Bình), Khu du lịch Tam Chúc – Ba Sao (Hà Nam), Khu tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp (Hải Phòng), Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên)... Người đứng sau tạo nên thành công của doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường là ông Nguyễn Văn Trường - một doanh nhân lừng lẫy nhưng rất hiếm khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.
Hồ Thanh Long nằm ở trung tâm khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc. Trước đây khu vực này là nơi tập kết thuyền chiến, luyện thủy quân của Đức Thánh Trần, căn cứ hậu cần của đại bản doanh Vạn Kiếp. Hiện nay, hồ thuộc địa phận các xã Hưng Đạo, Lê Lợi (Chí Linh) và một phần xã Đan Hội, huyện Lục Nam (Bắc Giang).
Khu vực hồ đang là vùng đất hoang hóa, một phần diện tích canh tác lúa 1 vụ bấp bênh, nguồn thủy sản tự nhiên được chính quyền giao khoán cho nhân dân. Nhiều năm qua, hệ thống di tích tại đây xuống cấp nghiêm trọng, chưa được trùng tu, tôn tạo, thực hiện quy hoạch nên việc khai thác chưa hiệu quả.
>> Đà Nẵng đề xuất ý tưởng thành lập Khu thương mại tự do gắn với cảng biển lớn nhất miền Trung