Cập nhật tiến độ siêu dự án 1,5 tỷ USD mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất của BSR
Trong năm 2025, BSR sẽ phấn đấu đạt các mốc tiến độ như thẩm định và phê duyệt thiết kế FEED, phê duyệt hồ sơ mời thầu EPC, lựa chọn nhà thầu EPC và san lấp mặt bằng.
Theo Tạp chí Năng lượng Việt Nam, ngày 4/2/2025 (tức ngày mùng 7 Tết Ất Tỵ), Tổng Giám đốc CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR ) Nguyễn Việt Thắng đã làm việc với Ban Quản lý dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất về tình hình triển khai dự án.
Trong năm 2024, Ban Quản lý dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã triển khai các nhiệm vụ chính và đạt được kết quả khả quan. Cụ thể, tiến độ tổng thể hợp đồng tư vấn thiết kế kỹ thuật điều chỉnh (FEED) hiện đang ở tháng thứ 4/7 theo kế hoạch. Ban Quản lý dự án đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng cung cấp bản quyền công nghệ với các nhà bản quyền Axens (Pháp), UOP, Merichem (Mỹ), KT Tech (Ý), Worley Nederland B.V (Hà Lan) cho các phân xưởng công nghệ bản quyền của dự án. BSR, tư vấn FEED và các nhà bản quyền đã hoàn thành họp khởi động (kick-off meeting) triển khai hợp đồng cung cấp bản quyền công nghệ. Hiện nay, các nhà bản quyền đang triển khai công tác thiết kế công nghệ bản quyền BEDP, đảm bảo đồng bộ với triển khai thiết kế FEED.
BSR lựa chọn HSBC làm Ngân hàng điều phối các khoản vay tín dụng hỗ trợ xuất khẩu (ECAs) cho dự án và đang thực hiện các bước chuẩn bị tiếp theo cho công tác thu xếp vốn vay tín dụng xuất khẩu. BSR cũng đã ký hợp đồng tư vấn thu xếp vốn cho dự án với Ngân hàng PvcomBank vào ngày 25/11/2024, và hai bên đã tổ chức họp khởi động triển khai hợp đồng tư vấn thu xếp vốn cho dự án vào ngày 11/12/2024. Ngoài ra, về công tác lựa chọn tư vấn đánh giá môi trường - xã hội, vào ngày 7/1/2025, Ban Quản lý dự án cùng Liên danh nhà thầu là Công ty Fichtner GmbH & Co. KG (Fichtner) - Stuttgart, CHLB Đức và Institute of Tropical Biology - Viện sinh học nhiệt đới (ITB) - Việt Nam đã ký hợp đồng “Tư vấn đánh giá tác động môi trường và xã hội theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ vay vốn” cho dự án.
Tổng Giám đốc BSR Nguyễn Việt Thắng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc (Nguồn: Tạp chí Năng lượng Việt Nam) |
Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025, Ban Quản lý dự án sẽ phấn đấu đạt các mốc tiến độ như thẩm định và phê duyệt thiết kế FEED, phê duyệt hồ sơ mời thầu EPC, lựa chọn nhà thầu EPC và san lấp mặt bằng. Ban Quản lý dự án cũng đề xuất các giải pháp tối ưu hóa quá trình triển khai dự án như nâng cao năng lực dự báo thị trường và chủ động làm việc/trao đổi với các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước để xây dựng phương án thu xếp vốn vay hiệu quả. Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án sẽ tăng cường, chủ động làm việc và trao đổi với các nhà bản quyền công nghệ, nhà thầu tư vấn lập thiết kế FEED về các yêu cầu kỹ thuật, vấn đề đồng bộ giữa nhà máy hiện hữu và sau nâng cấp mở rộng, cũng như phương án tối ưu công nghệ khi triển khai thiết kế FEED.
BSR sẽ phối hợp với nhà thầu tư vấn thiết kế FEED đánh giá tình hình thị trường, năng lực sản xuất của các nhà cung cấp vật tư, thiết bị quan trọng cần thời gian chế tạo lâu (LLI), cũng như đánh giá các công nghệ mới được áp dụng trong xây dựng để tối ưu tiến độ công tác mua sắm, chế tạo, xây lắp trong giai đoạn EPC. Để tăng tính chủ động trong quản lý kiểm soát tiến độ thực hiện dự án, tối ưu chi phí và tiến độ, BSR sẽ phối hợp với nhà thầu tư vấn thiết kế FEED đánh giá và xây dựng phương án triển khai dự án giai đoạn tiếp theo theo hình thức EPCC (Engineering - Procurement - Construction - Commissioning), với phân chia trách nhiệm giữa chủ đầu tư và nhà thầu EPC khả thi và phù hợp với thực tế triển khai. Nhà thầu sẽ thực hiện các công việc thiết kế, mua sắm, xây dựng đến khi dự án đạt mốc hoàn thành cơ khí (Mechanical Completion - MC), công việc chạy thử (commissioning) sẽ do đội ngũ vận hành nhà máy lọc dầu hiện hữu của BSR thực hiện dưới sự quản lý, giám sát và hỗ trợ của nhà thầu EPC.
Ảnh minh họa |
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc BSR Nguyễn Việt Thắng nhấn mạnh năm 2025 là năm đất nước chuyển mình mạnh mẽ, phấn đấu đạt GDP trên 8%, làm nền tảng để tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030. Vì vậy, công tác đầu tư dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất cần sự khẩn trương với tốc độ nhanh hơn nữa nhưng vẫn đảm bảo kỹ thuật, dự toán chi phí và an toàn. Tổng Giám đốc BSR cũng chỉ ra những thách thức mà Ban Quản lý dự án có thể gặp phải trong quá trình triển khai dự án, như chiến tranh thương mại, gia tăng chi phí vận chuyển, và giá dầu biến động. Tuy nhiên, với nỗ lực và quyết tâm, BSR và Ban Quản lý dự án thống nhất đưa các mốc chính trong năm 2025 giữ vững tiến độ và chuẩn bị tốt để ký hợp đồng EPC và triển khai công tác san lấp mặt bằng cho dự án.
Trước đó, vào tháng 5/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chính thức phê duyệt dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa và nâng cao năng lực sản xuất của ngành dầu khí Việt Nam. Nhà máy sẽ được nâng công suất chế biến từ 148.000 thùng/ngày lên 171.000 thùng/ngày, đáp ứng tiêu chuẩn EURO V và các quy định môi trường. Với tổng vốn đầu tư lên tới 31.235 tỷ đồng (tương ứng gần 1,27 tỷ USD), Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ tập trung vào việc nâng cấp công nghệ, bổ sung các phân xưởng hiện đại như xử lý xăng dầu bằng hydro, alkyl hóa và thu hồi lưu huỳnh.
Tuy vậy, trong báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng điều chỉnh dự án, Bộ Công thương cho biết tổng mức đầu tư dự án được nâng lên là 36.397 tỷ đồng (tương đương khoảng 1,5 tỷ USD), tăng 18,55% so với Quyết định của Phó Thủ tướng. Thời gian thực hiện là 37 tháng kể từ ngày ký hợp đồng EPC và mục tiêu đưa dự án vào vận hành trong năm 2028.
>> Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) ước lãi trước thuế 369 tỷ đồng năm 2024