Cây cầu của Việt Nam từng dài thứ 2 thế giới sắp được tu sửa đổi mới: Được ví như 'Tháp Eiffel nằm ngang', bị ném bom tới 14 lần, nay đã hơn trăm năm
Cây cầu này là nhân chứng đồng hành cùng đồng bào ta qua biết bao sự kiện lịch sử quan trọng.
Cầu Long Biên - biểu tượng của Hà Nội, nối giữa quận Long Biên, Hoàn Kiếm và Ba Đình. Đây là cây cầu thép đầu tiên nằm vắt ngang dòng sông Hồng và từng nằm trong top 2 cây cầu dài nhất thế giới, chỉ sau cây cầu Brooklyn của Mỹ.
Cầu Long Biên sở hữu nét kiến trúc độc đáo có chiều dài 2.290m qua sông, 896m cầu dẫn với 19 nhịp dầm thép và 20 trụ cao. Tại thời điểm khánh thành, cây cầu được ví von là “Tháp Eiffel nằm ngang” với kỹ thuật thi công cầu hiện đại, đảm bảo an toàn và tính thẩm mỹ cao.
Cây cầu được xây dựng theo kiến trúc nổi tiếng của Pháp. Sau hơn 120 năm hoạt động, cầu Long Biên hiện nay đã ghi nhận những dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn của người tham gia giao thông .
Vào năm 2023, Đại sứ quán Pháp có thư ngỏ gửi tới UBND TP Hà Nội với nội dung hỗ trợ khoảng 700.000 euro để nghiên cứu phương án cải tạo, sửa chữa cầu Long Biên.
Dự án này gồm 3 phần, cụ thể: khảo sát, đánh giá hiện trạng của cầu; khuyến cáo những hạng mục, chi tiết cần tiến hành sửa chữa trong giai đoạn ngắn hạn; cuối cùng là quản lý, khai thác sau khi không còn phục vụ đường sắt quốc gia , và bàn giao cầu lại cho TP Hà Nội.
Đến đầu năm nay, trên cơ sở đó, một biên bản ghi nhớ đã được TP Hà Nội giao cho Sở GTVT Hà Nội ký kết. Dù đây là khoản hỗ trợ không hoàn lại nhưng phải tiến hành thực hiện theo đúng quy trình ODA, lập và trình chủ trương đầu tư xin phê duyệt.
Đầu tháng 9/2024, Sở GTVT Hà Nội đã chính thức trình dự án nghiên cứu, sửa chữa cầu cầu Long Biên trong giai đoạn ngắn hạn lên Sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND TP Hà Nội xem xét, phê duyệt.
Cầu Long Biên là chứng nhân lịch sử khi đã đồng hành cùng đất nước qua những sự kiện quan trọng. Cây cầu không chỉ giúp các phương tiện di chuyển qua sông dễ dàng và thuận lợi mà còn là chỗ dựa vững chắc để những tuyến tàu, xe vận chuyển vũ khí, lương thực phục vụ hậu phương và chiến trường thời chiến tranh.
Khánh thành làn đường bộ trên cầu năm 1924 - Ảnh: Internet |
Đặc biệt đối với quận Long Biên, cây cầu là nhân tố quan trọng giúp Long Biên từ một vùng nông thôn với sự phát triển kinh tế  còn hạn chế được tiếp nhận cơ hội kết nối với trung tâm thành phố và các khu vực khác, tạo điều kiện phát triển kinh tế và giao thương.
Trải qua những tác động từ biến đổi khí hậu, con người, các phương tiện giao thông và bom đạn chiến tranh (trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ cứu nước, cầu Long Biên bị bom đạn ném tổng 14 lần) khiến cầu Long Biên hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng và cần được cải tạo, nâng cấp.
Do kết cầu đường bộ hành và đường xe thô sơ đã cũ, chắp vá nên mặt cầu xuất hiện lỗ thủng gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, các khung thép, cấu trúc của cầu cũng đã hoen gỉ; nhiều miếng bê tông ở vị trí dành cho người đi bộ hai bên thành cầu cũng đã bị vỡ, lộ cả khung thép bên trong;...
Lần gần nhất cây cầu được sửa chữa là vào năm 2015 với kinh phí 300 tỷ đồng. Trong đợt tu sửa này toàn bộ kết cấu cơ bản của cầu được gia cố, từng chiếc đinh vít được kiểm tra để thay thế, các thanh tà vẹt cũ mọt được thay mới bằng gỗ táu,...
Do thời gian sử dụng đã lâu cùng với sức nặng mỗi ngày cây cầu phải gồng gánh nên dù được tu sửa nhưng tình trạng xuống cấp của cây cầu hơn trăm năm tuổi này vẫn đang tiếp diễn.
Để đảm bảo an toàn giao thông và tối ưu hóa hiệu quả kinh tế, việc sửa chữa cầu Long Biên trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nâng cấp cầu không chỉ giảm thiểu rủi ro tai nạn mà còn tăng cường khả năng lưu thông hàng hóa, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho khu vực lân cận. Hơn nữa, một cầu Long Biên được tân trang sẽ không chỉ bảo tồn những giá trị lịch sử và văn hóa mà còn tạo nên điểm nhấn trong vẻ đẹp của thành phố.
>>‘Siêu cầu’ Việt Nam lập kỷ lục Đông Nam Á, khẳng định sức bật của vùng đất ‘chín rồng’ 
Thanh toán điện tử trong giao thông có bước đi đột phá, người dân được hưởng lợi gì? 
Những công trình kiến trúc đẹp nhất tại không gian thiêng liêng của Hà Nội