Cây cầu từng có cột trụ cao nhất Đông Nam Á: Công nhân làm việc trên độ cao 33 tầng xây phương tiện 'made in Vietnam' nối 4 tỉnh Tây Bắc
Cây cầu đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là cầu có cột trụ cao nhất cả nước, cũng là cầu có cột trụ cao nhất Đông Nam Á vào thời điểm khánh thành.
Cầu vượt sông  Pá Uôn Sơn La là một công trình giao thông có ý nghĩa quan trọng ở vùng Tây Bắc. Cây cầu được xây dựng bắc ngang sông Đà, nằm ở Quốc lộ 279, thuộc địa phận xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai. Cầu khởi công vào năm 2007, chính thức khánh thành vào tháng 8 năm 2010 với tổng mức đầu tư sau nhiều điều chỉnh lên đến 740 tỷ đồng.
Cầu có tổng chiều dài 1.418m, trong đó phần cầu chính dài 918m; đường dẫn 2 đầu cầu dài 500m. Chiều rộng toàn cầu 9m, phần xe chạy rộng 8m. Trong số 11 trụ cầu, trụ cao nhất đến 98,6m. Chiều cao toàn cầu tính từ cao độ đáy sông lên đến cao độ mặt cầu là 103,8m.

Ngày 28/02/2015, cầu Pá Uôn đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là cây cầu có cột trụ cao nhất nước, với cột trụ chính vươn lên tới 98,6m. Tính từ mặt đáy sông đến mặt cầu, chiều cao tổng thể của cầu là 103,8m.
Ngày 28/02/2015, cầu Pá Uôn đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam  công nhận là cây cầu có cột trụ cao nhất cả nước, cũng là cây cầu có cột trụ cao nhất Đông Nam Á vào thời điểm đó.
Điều đặc biệt là cây cầu này "Made by Vietnam" - được thiết kế và xây dựng hoàn toàn bởi người Việt Nam. Công trình do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, giao Ban quản lý Dự án 1 (PMU 1) là đại diện chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án, Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) thiết kế.
Cây cầu phải được thiết kế để chịu được động đất cấp độ 8-9, và cần đáp ứng tiêu chuẩn thông thuyền cấp 1 với chiều rộng tối thiểu là 80m và chiều cao là 10m, cho phép các phương tiện đường thủy đi lại một cách thuận lợi.

Đội ngũ kiến trúc sư đã lựa chọn kết cấu thân trụ hình chữ H, là loại trụ đôi bằng bê tông cốt thép với các giằng ngang có độ cứng cao, đảm bảo sự cứng cáp trong quá trình thi công và khai thác, nhưng vẫn đủ "mềm" để chịu đựng dao động do động đất và các tác động khác.
Bởi lòng sông Đà sâu và dòng chảy mạnh, không có lớp phủ ở đáy sông nên các kỹ sư không thể đóng cọc thép khi xây cầu. Việc thiết lập mặt bằng cho công tác khoan cọc nhồi gặp nhiều trở ngại. Các nhà thầu đã phải thi công cọc từ bên bờ sông ra phía giữa sông và lắp đặt các bè phao, đồng thời đặt rọ đá để giữ đất, tận dụng mức nước thấp nhất để thi công, vượt qua mùa lũ.
Để thi công thân trụ có chiều cao lớn, các kỹ sư Việt Nam đã tự thiết kế và gia công bộ ván khuôn để thi công thân trụ với giá thành thấp, thuận tiện trong thi công, phù hợp với tay nghề cán bộ công nhân, đảm bảo an toàn khi thi công trên cao. Các công nghệ mà TEDI lựa chọn đã giúp việc thi công cây cầu có trụ cao trong điều kiện khó khăn như Pá Uôn hoàn thành thuận lợi.
Đặc biệt, các công nhân phải làm việc ở độ cao như một tòa nhà 33 tầng, dưới thời tiết nắng nóng có lúc lên tới 40 độ C. Đôi khi, gió mạnh thổi qua khiến cả người và ván khuôn nặng hàng tấn đều lung lay.
Để bảo đảm tiến độ công trình, hơn 400 công nhân thay phiên nhau làm theo phương châm "ngày không tính giờ, tuần không tính thứ" liên tục trong 24 giờ.

Bằng nỗ lực phi thường của những người thợ cầu, đúng 3 năm sau ngày khởi công, cầu Pá Uôn - một công trình "made in Vietnam" hoàn toàn đã được hợp long, mở ra một trang sử mới cho vùng núi Tây Bắc .
Cầu Pá Uôn trở thành tuyến đường giao thông huyết mạch quan trọng kết nối giữa Sơn La với các tỉnh lân cận của vùng Tây Bắc như: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai. Cầu được xây dựng một phần còn để đưa những nét truyền thống của khu vực giới thiệu với thế giới, mặt khác để phát triển dịch vụ du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương. Đây cũng là địa điểm đã và đang thu hút được nhiều nhà đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch.