CEO Group điều chỉnh giảm 11% lợi nhuận sau soát xét, bí ẩn nhân tố nhận cổ tức chục tỷ
Lợi nhuận sau thuế của CEO Group bị điều chỉnh giảm 11% sau kiểm toán do điều chỉnh tăng chi phí vốn.
CTCP Tập đoàn C.E.O (mã chứng khoán CEO ) công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 với ghi nhận lợi nhuận sau thuế bị điều chỉnh giảm 11% so với số liệu trên BCTC quý 2/2023 do công ty tự lập trước đó.
CEO Group điều chỉnh giảm 11% lợi nhuận sau soát xét
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế sau soát xét còn 61 tỷ đồng, giảm 11% so với số lãi hơn 72 tỷ đồng trên BCTC công ty tự lập trước đó. CEO Group cho biết sau kiểm toán doanh thu và thu nhập không đổi, trong khi chi phí, bao gồm cả thuế TNDN tăng 11,1 tỷ đồng dẫn tới lợi nhuận sau thuế giảm tương ứng.
Số liệu trên BCTC soát xét bán niên 2023 ghi nhận doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 đạt 688 tỷ đồng, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái (không điều chỉnh so với số liệu công ty tự lập). Trừ chi phí vốn, lợi nhuận gộp đạt gần 213 tỷ đồng - điều chỉnh giảm 11 tỷ đồng sau kiểm toán do diều chỉnh tăng chi phí vốn.
Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn tới lợi nhuận sau thuế bị giảm 11% sau kiểm toán, còn 61 tỷ đồng.
Tính đến hết quý 2/2023 tổng tài sản CEO Group còn 6.924 tỷ đồng, giảm 130 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ phải trả giảm được 200 tỷ đồng về mức 3.147 tỷ đồng. Nợ phải trả chiếm trên 45% tổng tài sản.
Tổng giá trị hàng tồn kho còn 1.458 tỷđồng chủ yếu nằm ở chi phí sản xuất kinh doanh dở dang 1.361 tỷ đồng. Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của CEO Group nằm ở dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City; dự án Quốc Oai; dự án River Silk City và dự án Khu biệt thự cao cấp Sonasea Residebce Phú Quốc…
Đáng chú ý, riêng chi phí xây dựng cơ bản dở dang đổ vào dự án khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City đã 1.227 tỷ đồng.
Kỳ lạ nhân tố nhận cổ tức chục tỷ từ Vân Đồn và Phú Quốc
Báo cáo tài chính của CEO Group ghi nhận nghiệp vụ và số dư với các bên liên quan, trong đó có một cái tên bí ẩn xuất hiện từ nhiều năm nay - ông Đoàn Tiến Trung. Kỳ lạ bởi ông Trung là người được nhận số cổ tức khủng từ hệ sinh thái CEO Group.
Cụ thể, trong năm ông nhận về hơn 28 tỷ đồng cổ tcws từ CTCP Phát triển Nhà và đô thị Phú Quốc (dư đầu kỳ 28,4 tỷ đồng và dư cuối kỳ bằng 0). Đồng thời nhận 15 tỷ đồng (cổ tức phải trả), và phát sinh thêm khoản "treo" 15 tỷ đồng cổ tức chưa được nhận từ CTCP Đầu tư phát triển Vân Đồn làm số dư kỳ sau.
Số liệu trên BCTC soát xét bán niên 2023 của CEO Group |
Vậy ông Đoàn Tiến Trung là ai?
Ông Đoàn Tiến Trung – ông Đoàn Tiến Trung không phải là lãnh đạo CEO Group, mà là người có liên quan. Lần gần đây nhất ông Đoàn Tiến Trung giao dịch cổ phiếu CEO đã khoảng gần 8 năm trước, khi đó ông Trung sở hữu 15.000 cổ phiếu CEO và đăng ký bán hết toàn bộ vì nhu cầu cá nhân. Ông Đoàn Tiến Trung được giới thiệu là chồng bà Đỗ Thị Thơm, kế toán trưởng của CEO Group.
Những khoản chi trả cổ tức, hoàn tạm ứng hay những khoản vay/trả với đông Đoàn Tiến Trung đã xuất hiện trên báo cáo tài chính của CEO Group từ năm 2018-2019 đến nay.
Trong đó số cổ tức được nhận 15 tỷ đồng liên quan CTCP Đầu tư phát triển Nhà và đô thị Vân Đồn mới phát sinh trong năm 2022. Còn với CTCP Phát triển nhà và đô thị Phú Quốc đã tồn tại nhiều năm và liên tục được nhận những khoản cổ tức "khủng'.
Trong các giao dịch của CEO Group, không thấy nêu nguyên nhân làm sao ông Đoàn Tiến Trung lại được nhận được số cổ tức “khủng” như thế hàng năm.
Vậy 2 công ty này có mối liên hệ gì với CEO Group để tập đoàn phải ghi nhận những khoản cổ tức liên quan vào báo cáo tài chính?
Số liệu trên BCTC năm 2019 của CEO Group |
CTCP Phát triển Nhà và đô thị Phú Quốc - được ghi nhận là công ty con do CEO Group sở hữu 51,59% vốn điều lệ, địa chỉ tại Khu tổ hợp du lịch Sonasea Villas and Resort - thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Câu chuyện của CEO Với nhà và Đô thị Phú Quốc bắt đầu từ năm 2016 khi Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và đô thị (HUD) lúc đó muốn bán toàn bộ 1,8 triệu cổ phần tương ứng 10,48% tổng số cổ phần của Nhà và đô thị Phú Quốc với giá khởi điểm 10.800 đồng/cổ phiếu. Kết quả có 10 nhà đầu tư đăng ký tham gia với lượng đăng ký gấp hơn 6 lần lượng chào bán, giá trúng bình quân hơn 32.500 đồng, mang về cho HUD gần 60 tỷ đồng.
Tại sao một doanh nghiệp lúc đó kinh doanh bết bát, còn thua lỗ liên tục như Nhà và đô thị Phú Quốc lại được nhiều người quan tâm? Có lẽ sức hút của Nhà và đô thị Phú Quốc lúc đó là việc doanh nghiệp đang đầu tư 2 dự án tại Phú Quốc là Dự án Khu du lịch Bãi Trường và Dự án Khu dân cư Đường Bào với quy mô 160ha. Và 2 dự án này không xa xị trí các dự án hiện có của CEO Group tại Phú Quốc lúc đó là Sonasea Residence và dự án Khu căn hộ nghỉ dưỡng Sonasea.
Không chỉ mua lại cổ phần Nhà Phú Quốc từ HUD, cùng thời điểm đó CEO Group quyết định thay đổi phương án sử dụng vốn từ đợt chào bán cổ phiếu tăng vốn điều lệ trước đó. Theo đó CEO Group chi 156 tỷ đồng để mua cổ phần, nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Phát triển Nhà và đô thị Phú Quốc lên trên 51%.
Nhà và đô thị Phú Quốc ban đầu có vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Hiện tại công ty do ông Trần Trung Kết là người đại diện theo pháp luật. Ông Trần Trung Kết là Thành viên HĐQT của CEO Group. Đến nay công ty chưa cấp nhật thông tin về tăng vốn.
CTCP Đầu tư và Phát triển Vân Đồn - cái tên CTCP Đầu tư và phát triển Vân Đồn lại không có trong danh sách công ty con được hợp nhất vào Báo cáo tài chính của CEO Group. Tên thực viết trên BCTC là CTCP Đầu tư và phát triển du lịch Vân Đồn.
Vậy là sự nhầm lẫn khi viết tên hay là một công ty khác trả cổ tức cho ông Đoàn Tiến Trung, được CEO Group ghi vào BCTC của mình?
Với kịch bản "hai mà một" - là sự nhầm lẫn khi viết tên: CTCP Đầu tư và phát triển du lịch Vân Đồn thành lập tháng 7/2017, do ông Cao Văn Kiên, sinh năm 1979, làm Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật. Du lịch Vân Đồn đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City tại tỉnh Quảng Ninh, tên viết tắt CEO Vân Đồn.
Tháng 10/2019 CEO Vân Đồn cập nhật thông tin tăng vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng lên 750 tỷ đồng. Báo cáo tài chính năm 2017 của CTCP Tập đoàn C.E.O ghi nhận CEO Vân Đồn là công ty con do CEO Group sở hữu 90% vốn điều lệ. Ông Cao Văn Kiên, Tổng giám đốc của CEO Vân Đồn là Phó Tổng giám đốc của CEO Group.
Về tình hình kinh doanh, Du lịch Vân Đồn mới đây công bố tình hình kinh doanh khả quan với lợi nhuận sau thuế năm 2021 đạt gần 29 tỷ đồng; năm 2022 lãi sau thuế hơn 390 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2023 lãi sau thuế gần 117 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của CEO Vân Đồn giai đoạn báo cáo từ 1/1 đến 30/6/2023. |
Tuy lãi lớn, nhưng CEO Group là cổ đông lớn nắm đến 90% vốn điều lệ của CEO Vân Đồn, vậy do đâu ông Đoàn Tiến Trung lại được nhận 15 tỷ đồng cổ tức và còn "treo" thêm 15 tỷ chưa trả từ CEO Vân Đồn?
Với kịch bản "không trùng nhau": Tại sao CEO Group lại ghi nhận khoản cổ tức từ một công ty "không phải là công ty con" lên báo cáo tài chính của mình? Trên thực tế đăng ký doanh nghiệp, vẫn có một công ty mang tên CTCP Đầu tư và phát triển Vân Đồn, tuy vậy địa chỉ khác và không tìm thấy mối liên quan với CEO Group.
Kịch bản nào đúng? câu trả lời vẫn chờ thông tin tiếp theo.