CEO Nguyễn Đức Thạch Diễm: 'Khẳng định nội lực' là chìa khóa dẫn lối cho Sacombank trong giai đoạn bứt phá
Dưới sự dẫn dắt của CEO Nguyễn Đức Thạch Diễm, Sacombank đã từng bước đi qua khó khăn, vững vàng tăng tốc và tái lập vị thế trên thị trường tài chính Việt Nam.
Năm 2023 đánh dấu bước ngoặt quan trọng đối với Sacombank (STB ) khi ngân hàng đang bước vào chặng cuối của quá trình tái cơ cấu, hoàn tất mục tiêu của Đề án trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc.
Dù phải đối mặt với nhiều thách thức từ khách quan cũng như nội tại nhưng Sacombank vẫn không ngừng chuyển động, linh hoạt, vươn lên mạnh mẽ dưới sự dẫn dắt của Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Thạch Diễm.
Nguyễn Đức Thạch Diễm - Nữ tướng 'đạp sóng, rẽ gió' 23 năm cùng Sacombank trở lại đường đua
Gia nhập Sacombank vào tháng 6/2002, đến nay, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm đã có hơn 2 thập kỷ gắn bó và cống hiến cho sự phát triển của Sacombank.
Tháng 7/2017, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm được giao trọng trách giữ vị trí Tổng Giám đốc điều hành, đúng thời điểm ngân hàng đang từng bước vào giai đoạn tái cơ cấu sau sáp nhập - giai đoạn đầy thách thức với nhiều khó khăn nội tại.
Sacombank lúc bấy giờ phải đối diện với các khoản nợ xấu lớn của giai đoạn trước để lại, tài sản có không sinh lời chiếm 30% tổng tài sản của nhà băng này. Không những vậy, tình hình khó khăn còn khiến Sacombank đối mặt với "dòng chảy chất xám" khi những nhân sự giỏi liên tục bị các ngân hàng khác câu kéo bằng các chính sách phúc lợi hấp dẫn hơn. Khách hàng của Sacombank cũng bị đối thủ cạnh tranh kéo đi không ít.
Trước áp lực đó, nữ tướng CEO Sacombank một mặt phải tiếp tục duy trì điều hành hoạt động kinh doanh của ngân hàng hiệu quả, từng bước đưa Sacombank trở lại tốc độ tăng trưởng tích cực, một mặt phải xử lý nhanh chóng những tồn đọng sau sáp nhập trong đó chú trọng nhất là xử lý nợ xấu và tái cấu trúc mọi mặt hoạt động của ngân hàng.
Dù gắn bó với Sacombank nhiều năm và kinh qua nhiều vị trí công tác, nhưng tiếp nhận vai trò Tổng Giám đốc với tình trạng nợ xấu cao, hoạt động kinh doanh chững lại và uy tín thương hiệu giảm sút là một thách thức không hề nhỏ.
Tuy nhiên, bà Diễm vẫn luôn giữ tinh thần của một nhà lãnh đạo chuyên nghiệp, đặt lợi ích của cổ đông, khách hàng và nhân viên lên hàng đầu. Bà chấp nhận mọi khó khăn để dẫn dắt ngân hàng trong hành trình đổi mới và tái cấu trúc mạnh mẽ, đưa Sacombank trở lại con đường tăng trưởng và phát triển bền vững.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của vị "nữ tướng", Sacombank đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong quá trình tái cấu trúc và phát triển bền vững. Sacombank từ một trong những ngân hàng tư nhân với quy mô tài sản 4.296 tỷ đồng vào năm 2002 và vươn lên đạt hơn 674.000 tỷ đồng vào năm 2023.
Sau 7 năm triển khai đề án tái cơ cấu sau sáp nhập, Sacombank đã xử lý gần hết tài sản tồn đọng và trích lập dự phòng gần như toàn bộ giá trị trái phiếu VAMC. Giá trị ròng của trái phiếu VAMC giảm xuống khoảng 1.800 tỷ đồng vào cuối năm 2023, từ mức trên 41.000 tỷ đồng vào cuối năm 2017.
CEO Nguyễn Đức Thạch Diễm phát biểu trong Báo cáo thường niên 2023 cho biết, Sacombank tự tin hoàn thành Đề án trước thời hạn và sẵn sàng nội lực để bước vào một giai đoạn phát triển mới mạnh mẽ và bứt phá. Dù phải đối diện với những khó khăn từ bối cảnh thị trường chung, Sacombank vẫn ghi dấu ấn nhờ hoạt động hiệu quả và tích cực. Hầu hết các chỉ tiêu đều tăng trưởng so với năm trước và đạt kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao.
Kết quả, từ năm 2016 đến nay, tình hình kinh doanh của Sacombank đã có những bước tăng trưởng ấn tượng. Bằng chứng, tổng tài sản ngân hàng tăng và lãi từ hoạt động dịch vụ tăng lên gấp đôi, lợi nhuận trước thuế tăng lên đến 62 lần và tỷ lệ nợ xấu được kéo giảm từ 6,8% xuống còn 2,1% vào năm 2023.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, Sacombank đạt 4.288 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 50,4% kế hoạch cả năm.
Các chuyên gia phân tích nhận định rằng, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm nay, hiện ở mức 2,15%. STB đã gần như không cần trích lập thêm chi phí dự phòng cho VAMC phần nào giúp giảm gánh nặng trích lập dự phòng trong nửa đầu năm.
'Khẳng định nội lực' – Từ khóa dẫn lối Sacombank trong giai đoạn bứt phá
Với hơn 23 năm gắn bó cùng Sacombank, bà Diễm là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Dưới sự lãnh đạo của bà, Sacombank đã trải qua nhiều cột mốc quan trọng, từ giai đoạn hậu tái cơ cấu đến lúc phải đối mặt với những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, sự bản lĩnh và tầm nhìn chiến lược đã giúp bà cùng đội ngũ Sacombank biến thách thức thành cơ hội, tạo nền tảng vững chắc để đưa ngân hàng phát triển ổn định.
Báo cáo thường niên có ghi rõ, năm 2023, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Thạch Diễm chọn cho Sacombank từ khóa 'khẳng định nội lực' như lời cam kết vượt lên chính mình, bứt phá chạm tới những tầm cao mới.
Bên cạnh tập trung vào kết quả kinh doanh, Sacombank còn tiên phong trong việc đưa các sản phẩm tài chính bền vững vào thị trường, đặc biệt là các dự án hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh giúp nâng cao thương hiệu, củng cố niềm tin từ phía các nhà đầu tư và khách hàng.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm không chỉ dựa vào tiềm lực tài chính, mà điều quan trọng hơn chính là tập trung vào việc xây dựng đội ngũ nhân sự tinh nhuệ, một hệ thống quản trị hiện đại và khuyến khích đổi mới công nghệ trong ngân hàng. Điều này đã giúp Sacombank vượt qua các thách thức và đạt những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực ngân hàng số, đi đầu trong nhiều xu hướng chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, Sacombank còn chú trọng đến phát triển bền vững, với các sáng kiến và chính sách hỗ trợ cộng đồng. Bà Diễm luôn nhấn mạnh rằng, phát triển bền vững không chỉ là mục tiêu ngắn hạn, mà là cam kết dài hạn của Sacombank đối với xã hội.
Với chìa khóa “khẳng định nội lực”, bà Diễm đã giúp Sacombank đứng vững trước những thử thách của thị trường và đạt được những thành tựu ấn tượng. Sự kết hợp giữa trí tuệ, bản lĩnh và tâm huyết của bà không chỉ mang lại những thành công cho Sacombank mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của ngành ngân hàng Việt Nam.