CEO sinh năm 1992 của Xanh SM bật mí 'chiến lược 38 ngày' thay đổi cục diện cuộc đua tại thị trường gọi xe công nghệ
Ngay từ những ngày đầu, Xanh SM đã phải đối mặt với vô vàn thách thức.
Trong vòng 38 ngày, từ một ý tưởng trên giấy, Xanh SM đã chính thức ra mắt dịch vụ gọi xe, đánh dấu sự xuất hiện của một đối thủ mới trên thị trường vận tải công nghệ tại Việt Nam. CEO Nguyễn Văn Thanh (sinh năm 1992), người đứng đầu GSM, đã chia sẻ câu chuyện về hành trình xây dựng Xanh SM trong một cuộc trò chuyện tại Podcast Human Voice.
Ngay từ những ngày đầu, Xanh SM đã phải đối mặt với vô vàn thách thức. Theo ông Thanh, đội ngũ lãnh đạo của công ty khi đó rất “thiện chiến”, với mỗi người phải làm nhiều việc cùng lúc để đáp ứng yêu cầu tốc độ cao. “Đó là điều vô cùng quan trọng đối với một startup khi không thể có ngay nguồn lực lớn. Mọi người phải làm hết khả năng của mình để tiến độ được duy trì. Tốc độ và tiến độ là những từ tôi nhớ mãi về giai đoạn đó”, ông Thanh chia sẻ.
Áp lực đối với đội ngũ Xanh SM không chỉ đến từ công việc nội bộ mà còn từ môi trường bên ngoài. Vào thời điểm đó, ngành vận tải công nghệ tại Việt Nam đã có sự hiện diện lâu dài của các tên tuổi lớn như Grab và Be, khiến người dùng đặt kỳ vọng rất cao vào những dịch vụ mới. Ông Thanh cho biết: “Khi có một cái gì mới ra mắt, người dùng luôn mong đợi chất lượng phải vượt trội hơn hẳn cái cũ. Với lĩnh vực taxi, chúng tôi có thể cải thiện chất lượng dịch vụ ngay lập tức, nhưng để vượt trội về công nghệ thì rõ ràng là một thách thức không nhỏ”.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng và ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc GSM |
Mặc dù đội ngũ nhân sự của Xanh SM lúc đó không quá đông đảo, công ty phải làm việc liên tục để "lắp ráp" mọi thứ thành một dịch vụ hoàn chỉnh. Để nhanh chóng ra mắt, Xanh SM đã phải xây dựng hệ thống từ cơ sở vật chất, con người, các quy trình đến đội ngũ truyền thông, marketing. Ông Thanh cho biết, thay vì đi từ A đến Z theo cách thông thường, công ty đã phải chia nhỏ từng công đoạn và cho chạy song song để đạt được mục tiêu trong thời gian ngắn nhất.
“Bài toán lúc đó là không chỉ chạy từ một điểm đến một điểm, mà phải chạy đồng thời 10 đến 15 đầu mối cùng lúc. Mọi thứ phải đồng bộ và tốc độ phải phù hợp nếu không sẽ ảnh hưởng chung đến toàn bộ dự án”, ông Thanh bộc bạch.
Với chiến lược phát triển thần tốc, Xanh SM đã mở rộng hoạt động ra ngoài Việt Nam, hiện diện tại Lào và chuẩn bị ra mắt tại Indonesia, khẳng định bước đi táo bạo của một doanh nghiệp vận tải Việt khi gia nhập thị trường quốc tế.
Theo ông Thanh, mỗi ngày có khoảng 200 người gia nhập vào đội ngũ của Xanh SM, và trung bình mỗi tuần công ty mở rộng ra một thị trường mới. “Còn về hiệu quả hoạt động, mặc dù không thể công khai con số chính xác vì tính nhạy cảm, tôi có thể tiết lộ rằng có những ngày lượt gọi xe lên đến hàng triệu”, ông chia sẻ.
Ngày 6/3/2023, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng công bố thành lập Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (Green and Smart Mobility – GSM), là đơn vị cho thuê phương tiện giao thông xanh và đặt xe điện đa nền tảng đầu tiên trên thế giới. Theo Mordor Intelligence, sự xuất hiện của Xanh SM trong năm 2023 đã tạo ra cuộc cách mạng trong ngành gọi xe công nghệ Việt Nam, làm thay đổi thứ hạng, thị phần của các đơn vị cung cấp dịch vụ trong ngành. Thương hiệu này định hướng mang đến những trải nghiệm di chuyển khác biệt cho khách hàng với: dịch vụ taxi tiêu chuẩn Xanh SM Taxi, dịch vụ taxi cao cấp Xanh SM Luxury và dịch vụ di chuyển linh hoạt bằng xe máy điện Xanh SM Bike và giao hàng Siêu tốc Xanh Express.
Cụ thể, Xanh SM vươn lên chiếm thị phần lớn thứ 2 thị trường vào quý IV/2023, chỉ sau hơn 7 tháng chính thức gia nhập thị trường. Đặc biệt, thị phần của Xanh SM hiện gấp 2 lần so với đối thủ từng nắm giữ vị trí thứ 2 thị trường trước đó là Be Group (18,17% so với 9,21%).
Mordor Intelligence cũng ghi nhận Xanh SM đang dẫn đầu về số lượng xe sở hữu và số lượng chuyến xe mỗi ngày trong lĩnh vực taxi truyền thống so với các đơn vị sở hữu đội xe tự doanh.
Ngày 16/9/2024, Gojek nền tảng gọi xe và giao đồ ăn hàng đầu của Indonesia tuyên bố sẽ ngừng hoạt động tại thị trường Việt Nam. Sau thông báo này của Gojek, thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam sẽ chỉ 3 tên tuổi chính là Grab, XanhSM và Be.
So sánh với các đơn vị khác trong cả lĩnh vực taxi truyền thống và lĩnh vực gọi xe công nghệ, Xanh SM được đánh giá cao nhất về chất lượng dịch vụ, độ phủ, quy mô đội xe và sự hài lòng của khách hàng. Với tốc độ phát triển ấn tượng như trên, Xanh SM đang được nhìn nhận như một hiện tượng “TikTok Shop trong lĩnh vực gọi xe công nghệ”.
>> Hơn 250 cửa hàng Tupperware Việt Nam chính thức đóng cửa từ 31/12/2024 
Ngành sản xuất Trung Quốc hồi phục: Thị trường hàng hóa toàn cầu biến động ra sao? 
Đồ điện tử lắp ráp tại Việt Nam dùng linh kiện Trung Quốc sẽ bị Mỹ áp thuế mới?