'Cha đẻ' của Zalo mất gần 2.900 tỷ đồng sau 11 quý liên tục thua lỗ
Thua lỗ 11 quý liên tiếp khiến VNG mất quá nửa vốn chủ sở hữu. Mảng trò chơi trực tuyến tiếp tục là "gà đẻ trứng vàng" nhưng không gánh nổi số lỗ từ ZaloPay.
CTCP VNG (tiền thân là VinaGame - UPCoM: VNZ ) công bố kết quả kinh doanh quý II/2024 với doanh thu thuần 2.055 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 647 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp là 31% trong khi quý II/2023 là 39%.
Công ty phải "cõng" 2 khoản chi phí lớn: chi phí bán hàng 555 tỷ đồng (chiếm 27% doanh thu) và chi phí quản lý doanh nghiệp 332 tỷ đồng (chiếm 16% doanh thu). Từ đó, VNG lỗ sau thuế 489 tỷ đồng, đánh dấu 11 quý thua lỗ liên tục kể từ năm 2021 với số tiền lũy kế lên đến 2.871 tỷ đồng.
Nguồn: Tổng hợp từ BCTC |
Khép lại 6 tháng đầu năm, VNG ghi nhận doanh thu 4.314 tỷ đồng và lỗ sau thuế 520 tỷ đồng. Con số này cách xa kế hoạch đề ra trong năm 2024 là doanh thu 11.069 tỷ đồng và lãi sau thuế 195 tỷ đồng.
Mảng trò chơi trực tuyến với hàng loạt tựa game đình đám như Liên Minh Huyền Thoại, Tốc Chiến, PUBG Mobile hay Valorant tiếp tục là "gà đẻ trứng vàng" cho doanh nghiệp khi tạo ra doanh thu 3.112 tỷ đồng sau 6 tháng.
Khoản thua lỗ chủ yếu đến từ ZaloPay. Được biết, trong năm 2021, ZaloPay ghi nhận khoản lỗ ròng lên tới hơn 1.200 tỷ đồng; năm 2022 lỗ hơn 1.300 tỷ đồng và năm 2023 lỗ 721 tỷ đồng. Đây đã là năm thứ 7 liên tiếp ví điện tử này thua lỗ. Hàng nghìn tỷ đồng chi phí dự phòng cũng đã được VNG dành cho ZaloPay.
Hệ sinh thái VNG, doanh nghiệp đang phải chịu khoản lỗ lớn với ZaloPay |
Đối với ứng dụng Zalo, CEO Lê Hồng Minh tiết lộ đã có lợi nhuận và doanh thu tăng trưởng tốt từ năm 2019, kỳ vọng sẽ sớm đạt điểm hoà vốn. Doanh thu từ dịch vụ B2B (giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp) tăng trưởng 150% trong năm 2023. Zalo được ra đời năm 2012 và hiện là ứng dụng nhắn tin số 1 Việt Nam với 76 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng và 1,8 tỷ tin nhắn mỗi ngày.
Về tình hình tài chính, tổng tài sản của VNG tại thời điểm ngày 30/6 là 10.162 tỷ đồng, trong đó, tiền và tương đương tiền là 3.341 tỷ đồng (chiếm 33%).
Số tài sản trên được hình thành chỉ từ 1.728 tỷ đồng vốn chủ sở hữu (sụt giảm mạnh sau nhiều quý thua lỗ). Còn lại, nợ phải trả là 8.434 tỷ đồng (gấp gần 5 lần vốn chủ), bao gồm nợ vay 2.031 tỷ đồng.
Thị trường 8/8: Nhóm ngành 'bị lãng quên' thức giấc, TCH và HAG giảm sàn 
FPT xúc tiến mục tiêu khai thác thị trường quốc gia 300 triệu dân