Chậm trễ xây dựng trung tâm tài chính, Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội vàng
Bình luận về việc xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam, các chuyên gia khẳng định việc chậm trễ trong việc xây dựng IFC sẽ khiến Việt Nam đánh mất cơ hội quý giá. Việc chậm trễ không chỉ ảnh hưởng đến khả năng thu hút vốn đầu tư trong tương lai mà còn đe dọa nền tảng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.
Không thể chậm trễ xây dựng trung tâm tài chính
Bình luận về vấn đề xây dựng các trung tâm tài chính tại Việt Nam, bà Lưu Ánh Nguyệt, Phó trưởng ban Phát triển thị trường tài chính, Viện Chiến lược và chính sách kinh tế - tài chính, Bộ Tài chính cho rằng vai trò của IFC với Việt Nam đã được thể hiện rõ, đó là kết nối thị trường tài chính toàn cầu, thu hút tổ chức tài chính quốc tế và dòng vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, IFC sẽ tăng cường huy động - phân bổ hiệu quả nguồn lực, tạo đột phá về thể chế , nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
![]() |
Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM dự kiến đặt ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức. |
Các yếu tố thuận lợi để xây dựng IFC ở Việt Nam là vị trí địa lý chiến lược, sự hội nhập kinh tế sâu rộng. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tích cực cải thiện thể chế, pháp lý, môi trường đầu tư; kinh tế vĩ mô ổn định. Ở TP. HCM cũng đã có các thiết chế thị trường tài chính hiện đại, kinh tế năng động, thành phố này vào danh sách đánh giá Chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI) từ năm 2022.
Đà Nẵng và TP. HCM là hai địa phương được lựa chọn là nơi xây dựng IFC của Việt Nam.
Theo bà Nguyệt, TP. HCM phù hợp với mô hình bán cổ điển, gắn kết giữa giao thương, công nghệ, thị trường vốn và dịch vụ tài chính, còn Đà Nẵng phù hợp với mô hình thế hệ mới, tích hợp khu thương mại tự do, dịch vụ tài chính xanh, quản lý rủi ro, ngoại hối.
Từ kinh nghiệm quốc tế, ông Richard D. McClellan, chuyên gia kinh tế, cố vấn độc lập chuyên về chính sách kinh tế, phát triển khu vực tài chính và chiến lược đầu tư, cũng đồng tình về quan điểm IFC đóng vai trò chiến lược then chốt đối với một quốc gia, bởi nó không chỉ là một vị trí địa lý hay cơ sở hạ tầng, mà là sự hội tụ của nhiều yếu tố quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế toàn diện.
"Việc chậm trễ trong việc xây dựng IFC sẽ khiến Việt Nam đánh mất cơ hội quý giá. Sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ trong khu vực như Jakarta, Kuala Lumpur và Bangkok, cùng với nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình đòi hỏi Việt Nam phải hành động nhanh chóng. Các tiêu chuẩn toàn cầu ngày càng khắt khe từ FATF/OECD, cùng với thời gian cần thiết cho quá trình cải cách, nhấn mạnh sự cấp bách của việc triển khai ngay lập tức. Việc chậm trễ không chỉ ảnh hưởng đến khả năng thu hút vốn đầu tư trong tương lai mà còn đe dọa nền tảng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Vai trò của hệ thống ngân hàng trong IFC là rất quan trọng. Bà Trương Thị Thu Ba, Phó giám đốc Ban Định chế tài chính BIDV cũng nhận diện đây sẽ là cơ hội cho các ngân hàng Việt Nam khi có điều kiện thu hút dòng vốn quốc tế và tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp; đồng thời mở rộng thị trường và nâng cấp hệ sinh thái dịch vụ tài chính, chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế, nâng cao tín nhiệm và khả năng huy động vốn. Ngoài ra, các ngân hàng cũng có thể tăng tốc chuyển đổi số và định hình mô hình ngân hàng nền tảng.
>>Cách nào để Việt Nam có Trung tâm tài chính quốc tế tầm cỡ toàn cầu?
Còn nhiều khó khăn, phức tạp
Ông Nguyễn Đức Long - Cục trưởng Cục An toàn các tổ chức tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng chủ trương thành lập IFC là chủ trương lớn, quan trọng và cũng là vấn đề khó, phức tạp đối với Việt Nam. Có thể nhận diện nhiều cách thức, điều kiện khác nhau để thành lập IFC ở các quốc gia, nhưng đối với Việt Nam, việc thành lập IFC còn khó và khác biệt hơn các nước, không chỉ ở quy mô dân số, địa lý... mà còn khác biệt về khung pháp lý.
![]() |
Việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam là hết sức cần thiết. |
Các IFC vận hành lâu đời ở các quốc gia phát triển có hành lang pháp lý thông thoáng. Còn ở Việt Nam, hiện có quy định chặt chẽ để bảo đảm an toàn kinh tế vĩ mô. Đơn cử như về quy định giao dịch vốn, tự do hóa dòng vốn là một điều kiện lớn để thành lập IFC nhưng hiện Việt Nam có quy định chặt chẽ về vấn đề này. Ngoài ra, các cam kết quốc tế với đối tác thương mại của Việt Nam vẫn có những yêu cầu về bảo vệ thị trường. Bên cạnh đó, nếu có ưu đãi hơn nữa về điều kiện mở định chế tài chính thì cũng là một bài toán. "Làm sao để tạo ra một khung pháp lý bảo đảm trung tâm tài chính hoạt động hiệu quả nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn kinh tế vĩ mô", ông Long chia sẻ.
Về phía các ngân hàng, theo ông Long, hoạt động ngân hàng truyền thống trong IFC sẽ không nhiều mà sẽ hướng về các hoạt động ngân hàng mới, theo thông lệ quốc tế. Đi kèm với đó là vấn đề quản lý an toàn hoạt động. Ngân hàng Nhà nước đang hướng tới việc quản lý hoạt động của các ngân hàng tiệm cận với thông lệ quốc tế, sắp tới sẽ rà soát, sửa thông tư về tỷ lệ an toàn vốn, tuân thủ theo Basel II nâng cao và sẽ phối hợp với các bên để xây dựng chính sách bảo đảm trung tâm tài chính hoạt động hiệu quả nhưng cũng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có sự chuẩn bị, giải pháp đưa ra rõ ràng đó là hướng tới các chuẩn mực, thông lệ quốc tế để bảo đảm sự an toàn, minh bạch, hiệu quả hoạt động chung của các định chế tài chính. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã khẳng định sẽ phối hợp hiệu quả với các bên liên quan trong việc bảo đảm hoạt động của trung tâm tài chính.
Trong khi đó, đại diện các ngân hàng cũng chia sẻ những giải pháp như tận dụng về nguồn nhân lực, đa dạng hóa sản phẩm tài chính và từng bước tiệm cận với các trung tâm tài chính lớn trong khu vực và thế giới, đẩy mạnh các điều kiện nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán, đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và từng bước đưa vào vận hành các thị trường mới như thị trường hàng hóa, ngoại tệ, tài sản số... tiệm cận mô hình của các IFC.
"Không có đôi giày nào vừa cho tất cả mọi người, vì vậy mỗi nước có sự lựa chọn riêng phù hợp với điều kiện của riêng mình. Tuy nhiên, các chuyên gia đều đưa ra khuyến cáo, phát triển IFC là nhu cầu tất yếu nhưng phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn an ninh tài chính quốc gia, sự an toàn của định chế tài chính tham gia IFC; đồng thời cũng là an toàn của người sử dụng dịch vụ tài chính", đại diện Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Việc xây dựng IFC đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ xác định là một trong những đột phá về thể chế, là quyết sách nhằm giải phóng các nguồn lực, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, để nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, đưa Việt Nam tham gia vào nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu.
Trong quá trình đó, hệ thống ngân hàng - với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế - được xác định là lực lượng tiên phong, vừa tạo nền tảng ổn định, vừa thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong hệ sinh thái tài chính quốc gia.
Việt Nam xây trung tâm tài chính quốc tế: Chậm trễ sẽ bị đối thủ vượt mặt
Cách nào để Việt Nam có Trung tâm tài chính quốc tế tầm cỡ toàn cầu?