Xã hội

Chấn thương của cầu thủ Xuân Son mất bao lâu để phục hồi?

Phương Thuý 06/01/2025 - 12:38

Cầu thủ Nguyễn Xuân Son bị chấn thương nặng, gãy 2 xương cẳng chân cùng lúc nhưng không bị tổn thương ở khớp gối, mắt cá chân.

Tối 6/1, trong trận chung kết lượt về ASEAN Cup 2024, ở phút 32, Xuân Son đã ngã khá mạnh xuống mặt sân Rajamangala (Bangkok, Thái Lan). Cú ngã này khiến phần dưới chân phải của anh bị gập.

Ngay sau đó, cầu thủ sinh năm 1997 được đưa lên xe cấp cứu đến thẳng bệnh viện tại Bangkok. Kết quả chụp phim cho thấy, anh bị gãy xương ống đồng và xương mác. Cầu thủ này buộc phải cố định chân phải trong một thời gian.

Trao đổi với phóng viên báo VietNamNet, Phó giáo sư, Tiến sĩ Võ Tường Kha - Trưởng Bộ môn Y học thể thao, Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Xuân Son gãy 1/3 giữa xương cẳng chân phải. Kiểm tra sơ bộ chưa thấy có tổn thương ở đầu gối và cổ chân. Phần gãy không di lệch nhiều, không có nhiều mảnh. Chấn thương gãy cả hai xương nên kỹ thuật nắn chỉnh phức tạp hơn nhưng cơ hội phục hồi sớm.

Phó giáo sư Kha nói Xuân Son không có tổn thương gối, cổ chân và bộ phận khác. Cơ hội hồi phục phụ thuộc nhiều yếu tố bao gồm trình độ kỹ thuật của êkip phẫu thuật, chăm sóc hậu phẫu, giữ không bị nhiễm trùng sau mổ, tập phục hồi chức năng, dinh dưỡng và tâm lý.

nguyenxuanson 126806.jpg
Xuân Son cùng vợ và đội ngũ y tế của tuyển Việt Nam ăn mừng chiến thắng vô địch ASEAN Cup 2024 trong bệnh viện. Ảnh: Trung Phúc

Với một người trẻ tuổi có chấn thương tương tự Xuân Son, bác sĩ Kha cho biết việc điều trị và phục hồi có thể trải qua các giai đoạn sau:

Phẫu thuật: Các bác sĩ ngoại chấn thương chỉnh hình sẽ điều trị bằng nhiều biện pháp như nẹp hoặc đóng đinh nội tủy kín, phụ thuộc vào diễn biến khi mổ. Tuy nhiên, ngay sau phẫu thuật, bệnh nhân cần phải tập vận động tránh teo cơ, cứng khớp khiến quá trình phục hồi chức năng khó hơn.

Phục hồi: Người bệnh phải phục hồi chức năng với các bài tập liên quan đến sức bền, sức mạnh từng nhóm cơ chân, cơ đùi, biên độ hoạt động khớp, nâng dần các lượng vận động tùy theo tiến triển phục hồi. Trung bình 2-3 tuần, vận động viên phải thay đổi bài tập theo chỉ định của bác sĩ và từ 4-6 tuần có thể tập đứng, đi, phục hồi chức năng kèm nạng.

Đến giai đoạn 3 tháng, bệnh nhân có thể bỏ nạng và bắt đầu các bài tập sức mạnh, sức bền với tải tăng dần và bài tập riêng dành cho vận động viên.

Đến 9-12 tháng, bác sĩ phải phẫu thuật lần 2 tháo dụng cụ. Sau ca mổ này, bệnh nhân phải phục hồi chức năng thêm lần nữa kết hợp với dinh dưỡng, tâm lý thì thời gian có thể phục hồi hoàn toàn từ 15-18 tháng.

Với trường hợp của Xuân Sơn, bác sĩ Kha cho biết ngoài kỹ thuật mổ tốt cần phục hồi chức năng tại bệnh viện, tại đội tuyển, câu lạc bộ rất quan trọng. Nếu thuận lợi, cầu thủ này có thể sớm trở lại với bóng đá đỉnh cao hơn dự kiến.

>> CĐV và truyền thông quốc tế nói về đội tuyển Việt Nam và Nguyễn Xuân Son

Loạt thương hiệu ‘tung bão’ khuyến mãi mừng tuyển Việt Nam vô địch ASEAN Cup 2024

Đội tuyển Việt Nam được thưởng bao nhiêu sau khi vô địch ASEAN Cup 2024?

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/chan-thuong-cua-cau-thu-xuan-son-mat-bao-lau-de-phuc-hoi-2360493.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Chấn thương của cầu thủ Xuân Son mất bao lâu để phục hồi?
    POWERED BY ONECMS & INTECH