Chặng đường về đích của 2 dự án bệnh viện 9.000 tỷ đồng
Dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 sẽ phải về đích trong vòng 6 tháng tới. Đó là yêu cầu mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao cho Bộ Y tế và các đơn vị trong phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 9/11/2024.
Cuối năm 2014, dự án Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2  đều được khởi công xây dựng tại TP. Phủ Lý, Hà Nam. Tại thời điểm đó, dù đâu đó vẫn còn một vài băn khoăn về tính thực tiễn và hiệu quả, nhưng nhìn chung, các chuyên gia, y, bác sĩ và người dân đều kỳ vọng 2 dự án bệnh viện quy mô 1.000 giường/bệnh viện, với mức đầu tư tổng cộng 9.000 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối.
Lời hẹn khánh thành giai đoạn 1 vào tháng 12/2016 và hoàn thành toàn bộ vào tháng 12/2017 đã được đưa ra công khai với nhiều quyết tâm, nhiệt huyết. Chỉ có điều, trên thực tế, ngoài sự kiện khánh thành khu khám bệnh của cả 2 bệnh viện vào tháng 10/2018, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 chưa từng tiếp nhận bệnh nhân. Còn khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 được đưa vào hoạt động năm 2019, tạm dừng vào năm 2020 do tác động của dịch COVID-19; đến năm 2021, cơ sở này được sử dụng để cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19, rồi sau đó đóng cửa.
Ngày 17/6/2024, tại buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế quý II, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin, Ban Quản lý dự án thuộc Bộ Y tế, cùng Tổ công tác của Chính phủ (do Bộ trưởng Bộ Y tế là tổ trưởng) đã rà soát, đánh giá lại khó khăn, vướng mắc, xác định những việc đã làm được, những việc việc chưa làm được, những khó khăn tồn tại, đề xuất phương hướng giải quyết… Bộ Y tế cũng đã phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết 31/12/2024, chỉ đạo chủ đầu tư làm việc với các nhà thầu để tiếp tục thi công hoàn thành công trình.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tổ chức chiều 9/11/2024, đại diện Bộ Y tế cho biết, dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 hoàn thành trên 90%, dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 hoàn thành trên 60%. Theo vị này, cả 2 dự án tạm dừng thi công từ năm 2021 do quá trình thi công gặp nhiều vướng mắc liên quan đến pháp lý và tài chính.
Trên thực tế, những vướng mắc, khó khăn tại 2 dự án bệnh viện từ lâu đã được quan tâm, chỉ đạo để giải quyết. Ngay từ tháng 9/2022, đích thân Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thị sát địa điểm xây dựng 2 bệnh viện, họp với Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan và chỉ đạo báo cáo, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tiếp tục triển khai và sớm đưa 2 dự án vào hoạt động. Đến ngày 21/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 140/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác rà soát khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án.
Ngày 13/9/2023, Thủ tướng đã chủ trì cuộc cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe Bộ Y tế báo cáo kết quả rà soát khó khăn, vướng mắc của 2 dự án. Yêu cầu Bộ Y tế hoàn thành việc giải quyết vướng mắc của 2 dự án Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 cũng được nêu rõ trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024.
Đến tháng 7/2024, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương tiếp tục thực hiện dự án, tuyệt đối không được để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí, không để chậm trễ kéo dài.
Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 6/11/2024 của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng, chống lãng phí, thất thoát nêu đích danh 2 dự án bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2, yêu cầu phải xây dựng kế hoạch biện pháp xử lý các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công, thi công chậm tiến độ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/11/2024.
Cũng tại phiên họp Chính phủ tháng 11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh một bài học kinh nghiệm quan trọng, là với những nhiệm vụ mới, khó, nhạy cảm thì phải có bản lĩnh chính trị với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên, xử lý kịp thời các vướng mắc.
Tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, vấn đề chống lãng phí là chủ đề được Đảng, nhân dân đặt ra cấp bách hiện nay, trong đó việc xử lý các dự án chậm tiến độ là giải pháp quan trọng. Thời gian qua, cử tri đánh giá cao sự quyết liệt, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ qua việc xử lý các dự án tồn đọng, kéo dài nhiều năm, các tổ chức tín dụng yếu kém và có nhiều kết quả tích cực. Chất vấn Thủ tướng, đại biểu đã đề nghị cho biết nguyên nhân, giải pháp, nhất là giải pháp về cơ chế và tiến độ trong thời gian tới.
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng cho biết, vừa qua, nhờ sự nỗ lực của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, đến nay, 12 dự án tồn đọng kéo dài đã xin xong chủ trương của Bộ Chính trị. Trên cơ sở đó, Chính phủ đang thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; những nội dung nào vượt thẩm quyền thì Chính phủ sẽ báo cáo, xin ý kiến Quốc hội. Ngoài 12 dự án còn có các dự án khác, như đường sắt Cát Linh-Hà Đông, chuỗi dự án điện-khí Lô B-Ô Môn, Nhiệt điện Thái Bình 2… đã đi vào hoạt động, hoặc đã có hướng xử lý.
Theo Thủ tướng, những kinh nghiệm này tiếp tục vận dụng cho các dự án còn lại. Trên cơ sở đó, chúng ta rà soát lại những dự án tương tự, tiếp tục xử lý theo tinh thần tôn trọng hiện trạng, "còn đã thất thoát rồi, mất mát rồi, ai vi phạm thì xử lý rồi, nhưng theo pháp luật thì rõ ràng đang vướng, phải tháo gỡ vướng mắc về pháp luật, phải có cơ chế, chính sách để xử lý, thuộc thẩm quyền của ai thì người đó phải làm".
Có thể thấy, thời hạn 6 tháng mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra để hoàn thiện và bàn giao cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức căn cứ vào cả quá trình theo dõi, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ với các dự án tồn đọng, kéo dài nói chung và 2 dự án bệnh viện này nói riêng, cũng như nỗ lực của Bộ Y tế, các bộ, ngành và các đơn vị liên quan.
Dù vậy, theo nhiều chuyên gia, để hoàn thành nhiệm vụ trên, sẽ cần nhiều quyết tâm và nỗ lực hơn nữa.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, Tổ công tác của Chính phủ, Bộ Y tế đều đã thực hiện rà soát, đánh giá toàn diện về 2 dự án bệnh viện cơ sở 2, vì vậy, cần thẳng thắn báo cáo về những vướng mắc, khó khăn. Những vấn đề thuộc về lịch sử không thể khắc phục nên được khoanh vùng lại, chờ xử lý, như Thủ tướng đã chỉ đạo.
Trong trường hợp vướng mắc nằm ở chính hồ sơ, hợp đồng... thì đề xuất cơ chế để thanh toán, quyết toán các hạng mục đã được đầu tư theo một mức giá hợp lý, thống nhất giữa nhà thầu và chủ đầu tư. Đối với các phần việc cần làm thêm, tiếp tục triển khai theo đúng quy định của pháp luật. Những công việc này phải được thực hiện một cách nghiêm túc, minh bạch, có báo cáo, giải trình rõ ràng, ông Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Theo vị chuyên gia, sau khi hoàn thành việc xây dựng và lắp đặt, vấn đề tổ chức nhân sự sẽ là thách thức tiếp theo mà ngành y tế cần giải quyết. Phải thu hút được các bác sĩ, y tá, điều dưỡng có tay nghề, trình độ về làm việc tại các cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức, tạo sự tin tưởng để người bệnh an tâm chuyển từ cơ sở 1 xuống và thu hút người dân đến khám, chữa bệnh ở cơ sở 2. Làm được như vậy, mục tiêu giảm tải các bệnh viện tuyến cuối mới có thể khả thi, từ đó làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân.
>> BV Bạch Mai, Việt Đức 2: Từ dự án quy mô nghìn tỷ đồng đến công trình lãng phí 
Cảnh tượng hoang tàn tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 
Hiện trạng Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 sau 10 năm 'đắp chiếu' ở Hà Nam