Châu Á tăng tốc mua khí đốt Mỹ để né đòn thuế của ông Trump
LNG không chỉ là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Mỹ, mà còn là đòn bẩy giúp các nước châu Á vừa đảm bảo an ninh năng lượng, vừa xoa dịu căng thẳng thương mại với Nhà Trắng.
Từ Hàn Quốc đến Indonesia, các Chính phủ châu Á đang gấp rút ký kết các thỏa thuận mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ, với kỳ vọng thu hẹp thặng dư thương mại với nền kinh tế lớn nhất thế giới và giành được một số nhượng bộ từ chính sách thuế "có đi có lại" của Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto hôm 7/4 tuyên bố sẽ “mua thêm” hàng hóa Mỹ, bao gồm cả LNG. Thái Lan cũng đang xem xét tăng cường nhập khẩu.
Trong khi đó, ông Trump cho biết ông đã thảo luận với quyền Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo về các thương vụ mua LNG Mỹ “quy mô lớn”.

Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đều đang cân nhắc đầu tư vào dự án xuất khẩu LNG trị giá 44 tỷ USD tại Alaska — một dự án đã bị trì hoãn từ lâu nhưng đang nhận được sự hậu thuẫn từ chính quyền ông Trump.
Loạt thuế quan toàn cầu được áp dụng từ tuần trước đã giáng đòn mạnh vào các nền kinh tế châu Á. Trong nỗ lực giảm bớt tác động tiêu cực, LNG nổi lên như một lựa chọn khả thi: đây là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Mỹ mà các quốc gia châu Á có thể dễ dàng cam kết mua thêm.
Mỹ hiện là nhà cung cấp LNG lớn nhất thế giới, với sản lượng xuất khẩu dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào cuối thập kỷ này. Châu Á cũng là thị trường tiêu thụ LNG lớn nhất toàn cầu.
Nhu cầu tại các nền kinh tế mới nổi dự kiến tiếp tục tăng do sản xuất trong nước đình trệ và xu hướng chuyển dịch khỏi than đá. Giới phân tích đánh giá, LNG thường được mua theo hợp đồng dài hạn có thời hạn hàng chục năm, trị giá hàng tỷ USD - đủ để thu hút sự quan tâm từ Nhà Trắng.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho hay: “Đang có những cuộc đàm phán về một thỏa thuận năng lượng lớn tại Alaska, nơi Nhật Bản, có thể cả Hàn Quốc và Đài Loan sẽ mua phần lớn sản lượng và hỗ trợ tài chính cho dự án. Thỏa thuận này không chỉ tạo ra nhiều việc làm cho người Mỹ, mà còn giúp thu hẹp thâm hụt thương mại”.
Tại Ấn Độ, các nhà nhập khẩu LNG được cho là đang vận động Chính phủ xóa bỏ thuế nhập khẩu 2,5% đối với khí đốt Mỹ. Tuy nhiên, giá cả vẫn là một trở ngại.
Công ty Gail India hiện đang bán lại phần lớn sản lượng LNG Mỹ theo các thỏa thuận hoán đổi vì chi phí nhập khẩu quá cao so với nhu cầu nội địa, dù đã ký hợp đồng dài hạn mua 5,8 triệu tấn mỗi năm.
Trung Quốc là trường hợp ngoại lệ hiếm hoi trong làn sóng mua vào này. Là quốc gia nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới, Bắc Kinh đã áp thuế trả đũa lên khí đốt Mỹ. Nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc hiện đang bán lại các lô hàng LNG Mỹ sang châu Âu và những nước châu Á khác.
>> Chứng khoán châu Á đỏ lửa khi thuế đối ứng của Mỹ chính thức có hiệu lực, Nikkei 225 mất hơn 3%