Nhiều khoá học AI được quảng bá rất rầm rộ nhưng thực tế tính ứng dụng không có và người học cũng cập nhật được rất ít kiến thức.
Quảng bá rầm rộ, tính ứng dụng không có
>> Linda Yaccarino, người phụ nữ ‘ngu ngốc’ đảm nhận vị trí CEO Twitter 
Đầu năm 2024, chị Thu Hiền, nhân viên một doanh nghiệp phần mềm tại TPHCM đã nhận được yêu cầu tất cả nhân sự trong phòng marketing sắp tới cần sử dụng thường xuyên các công cụ AI để tăng số lượng bài viết mẫu quảng cáo và phục vụ marketing cho công ty . Nhận được thông báo, chị Hiền và đội của mình đã tìm kiếm các khóa học trên mạng.
Từ giữa năm 2023, khi AI bắt đầu lan tỏa mạnh tại Việt Nam , nhiều khóa học về AI đã bắt đầu xuất hiện và được chạy quảng cáo ồ ạt trên các nền tảng online. Đa số khoá học được quảng bá từ các trung tâm, trước đó đào tạo về kỹ năng khác, nhưng sau này các giảng viên tự cập nhật thêm kiến thức AI và trực tiếp đứng lớp.
Thực tế, tìm khóa học chuẩn về ứng dụng AI cũng như "đãi cát tìm vàng". Trên mạng, các khoá học được các đơn vị quảng cáo, truyền thông  rất kêu như “kiếm tiền 1.000 USD từ AI”, “học AI hay là bị sa thải”, đánh vào tâm lý của một bộ phận nhân sự của các doanh nghiệp.
Nhiều người vì tâm lý sợ hãi phải đi học, gặp các khóa không có chuyên môn nhưng giỏi quảng cáo nên càng thêm mơ hồ, vì đa phần các khoá học này đều không có tính ứng dụng.
Anh Lê Thức, nhân viên toàn thời gian của một doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại TP.HCM, đã bỏ ra hơn 5 triệu đồng tham gia khóa học “Kiếm tiền đỉnh cao cùng AI”. Tuy nhiên, sau khi học vài buổi thấy rất thất vọng vì kiến thức, nền tảng, hiểu biết về AI của các thầy dạy gần như là bằng không.
Khóa học 5 triệu đồng trong 12 ngày, nhưng học tới ngày thứ tư anh bỏ giữa chừng vì mất thời gian. Các buổi toàn lý thuyết, nếu có thực hành thì thầy dạy còn xử lý lập bập khi gặp sự cố.
Các khoá học AI là cần thiết, nhưng mọi người cần tỉnh táo
Theo anh Đặng Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Liên minh phát triển nguồn nhân lực số Việt Nam (AIID), đang khởi nghiệp với LovinBot trong lĩnh vực trợ lý AI dành cho mảng đào tạo (edtech), các khoá học được quảng bá trên mạng rất nổi bật ở trên, hay khoá anh Lê Thức đang theo học gọi là các khóa dạy cách sử dụng công cụ (toolset), chứ hoàn toàn không dạy về tư duy (mindset), quy trình, kỹ năng làm chủ AI. Để dạy được AI, các thầy phải hiểu bản chất, thậm chí hiểu một chút kỹ thuật AI, trong khi có những thầy đứng lớp cũng chỉ mới tiếp cận AI được vài tháng.
“Toolset (dạy công cụ) rất dễ dạy, dễ học nhưng kiến thức nông, không sâu. Nếu chỉ dạy toolset thì học xong các bạn sẽ phải học lại vì tool thay đổi liên tục, các bạn có học 3000 tool nổi không? Nhưng nếu học mindset, quy trình chuẩn thì không cần phụ thuộc bất kỳ công cụ nào”, anh Đặng Hữu Sơn chia sẻ.
Phó Chủ tịch AIID cho biết, các khóa học về AI rất cần trong thời điểm hiện nay, bởi nhu cầu là có thật. Tuy nhiên, người dùng cần tỉnh táo lựa chọn đúng. Người học cần một số kinh nghiệm để nhận biết, đặt ra những câu hỏi như: bản thân người dạy có làm trong lĩnh vực AI hay không; hoặc có chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nào đó không; có làm sản phẩm  AI không; có đủ kiến thức, chuyên môn giải đáp các câu hỏi học viên; hằng ngày có nghiên cứu các công nghệ AI cho công việc; có kinh nghiệm triển khai các khóa đào tạo chuyên sâu; feedback của học viên như thế nào?…
Một tín hiệu đáng mừng là ngày càng có nhiều sự tham gia của nhiều chuyên gia thực sự đào tạo về lĩnh vực này. Họ là những người có chuyên môn sâu về các lĩnh vực như sáng tạo, nhân sự, marketing, logistic... sau đó bản thân sẽ trải nghiệm nhiều công cụ AI khác nhau để rút ra được những kinh nghiệm ứng dụng và chia sẻ lại cho học viên. Đây cũng là một cách để học AI mà không nhất thiết người dạy phải quá hiểu sâu về kỹ thuật AI.
Bài 2: Một số khoá học về AI mang về rất ít lợi ích cho người học
>> Việt Nam – Australia thúc đẩy hợp tác đào tạo công nghệ số
Chuyên gia chia sẻ tác động của AI với các phương pháp đánh giá cảm quan 
Một số khoá học AI mang về rất ít lợi ích cho người học