Chế độ ăn giúp giảm tới 20% nguy cơ ung thư
Thiếu hụt rau quả trong chế độ ăn uống được cho là nguyên nhân dẫn đến khoảng 1,7 triệu trường hợp tử vong, tương đương 2,8% tổng số ca tử vong toàn cầu.
Người dân Việt Nam có tuổi thọ tương đối cao so với các quốc gia có cùng mức sống nhưng lại có số năm sống với bệnh tật  nhiều. Trung bình, mỗi người Việt Nam phải sống tới 10 năm trong tình trạng bệnh tật, điều này ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống và làm giảm số năm sống khỏe mạnh.
Người dân, đặc biệt là người cao tuổi, đang phải đối mặt với nhiều bệnh mãn tính, trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng lo ngại. Các bệnh như ung thư, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, loãng xương và béo phì ngày càng trở nên phổ biến.
Nguyên nhân gây ra các bệnh mãn tính rất đa dạng, bao gồm yếu tố di truyền, lối sống và chế độ dinh dưỡng. Trong khi yếu tố di truyền không thể thay đổi, lối sống và chế độ ăn uống hoàn toàn có thể điều chỉnh được.
Với khoa học dinh dưỡng hiện nay, một chế độ ăn uống hợp lý, kết hợp với việc tập luyện thể thao và duy trì cân nặng hợp lý có khả năng phòng ngừa từ 30 đến 40% các trường hợp ung thư. Chất béo toàn phần và chất béo no trong khẩu phần có liên quan tới sự phát sinh một số ung thư, trong đó có ung thư đại trực tràng. Trong khi đó, ước tính các chế độ ăn đủ rau quả và đa dạng có thể phòng đến 20% nguy cơ ung thư.
Chế độ ăn uống của người dân đang trải qua sự thay đổi nhanh chóng, chịu ảnh hưởng từ mức thu nhập và lối sống. Trước đây, khẩu phần ăn chủ yếu dựa vào ngũ cốc, khoai củ và rau, với lượng thức ăn động vật rất hạn chế.
Tuy nhiên, hiện nay, lượng thịt, trứng, sữa, chất béo, đường và các thực phẩm tinh chế ngày càng gia tăng, trong khi việc tiêu thụ lương thực, khoai củ và thực phẩm giàu chất xơ lại giảm sút. Việc tăng cường thức ăn động vật dẫn đến sự gia tăng lượng chất béo, acid béo bão hòa và cholesterol trong khẩu phần. Bên cạnh đó, sự giảm hoạt động thể lực và xu hướng sống ít vận động cũng đang gia tăng, kéo theo những thay đổi về chế độ dinh dưỡng, dẫn đến tình trạng thừa cân và béo phì ở mọi lứa tuổi.
Khoa học dinh dưỡng đóng vai trò thiết yếu trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh. Việc tuân thủ chế độ ăn uống đúng cách, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể, không chỉ giúp phòng tránh ung thư mà còn hạn chế nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây. Ngoài ra, chế độ ăn hợp lý còn có thể nâng cao hiệu quả của các phương pháp điều trị, giúp cải thiện sức khỏe tổng thể.
Rau và quả là những nguồn thực phẩm phong phú, giàu vitamin và khoáng chất, cần thiết cho sự phát triển và sức khỏe của cơ thể ở mọi lứa tuổi. Chúng chứa nhiều chất chống oxy hóa và các vitamin quý giá như vitamin A, các vitamin nhóm B, vitamin C và folat, có tác dụng quan trọng trong việc bồi bổ sức khỏe, nâng cao sức đề kháng và hệ miễn dịch, đồng thời phòng ngừa bệnh ung thư. Việc tăng cường sức đề kháng và miễn dịch là một trong những phương pháp điều trị ung thư hiện đại. Chất chống oxy hóa trong rau quả giúp loại bỏ các gốc tự do trước khi chúng có thể gây hại cho tế bào, từ đó góp phần chống lại và ngăn ngừa sự phát triển của ung thư.
Thiếu hụt rau quả trong chế độ ăn uống được cho là nguyên nhân dẫn đến khoảng 1,7 triệu trường hợp tử vong, tương đương 2,8% tổng số ca tử vong toàn cầu. Ăn ít rau, quả là nguyên nhân của 19% số ung thư dạ dày ruột, 31% các bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ và 11% số trường hợp đột quỵ.
Một chế độ ăn uống đa dạng với nhiều loại rau xanh và hoa quả nhiều màu sắc có khả năng chống ung thư cao hơn. Các chuyên gia về ung thư  khẳng định rằng việc tiêu thụ nhiều rau quả có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, các bệnh tim mạch và ngăn ngừa béo phì. Ngoài việc tăng cường tiêu thụ rau quả, mọi người cũng cần hạn chế chất béo, đồ ngọt, giảm lượng muối trong chế độ ăn và tăng cường hoạt động thể lực hàng ngày.
>> Giám đốc Bệnh viện K lý giải nguyên nhân bệnh nhân ung thư có tỷ lệ tử vong cao