Chi 38.000 tỷ đồng để nhập khẩu, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tiêu thụ thịt lợn nhiều nhất toàn cầu
Sản lượng thịt lợn sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 95% nhu cầu.
Trong 11 tháng năm 2024, Việt Nam đã chi gần 38.000 tỷ đồng (1,55 tỷ USD) để nhập khẩu thịt và các phụ phẩm từ động vật, theo số liệu sơ bộ từ Hải quan. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình mỗi tháng, Việt Nam chi khoảng 3.450 tỷ đồng cho mặt hàng này.
Thịt và các sản phẩm phụ phẩm nhập khẩu chủ yếu đến từ 37 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Ấn Độ, Nga, Brazil, Mỹ, Canada, và Hàn Quốc. Các mặt hàng được ưa chuộng nhất là thịt lợn và gà đông lạnh, nhờ giá thành thấp hơn hàng nội địa. Giá thịt lợn nhập khẩu chỉ từ 52.000 - 62.000 đồng/kg, bằng một nửa so với giá thịt trong nước.
Việc gia tăng nhập khẩu được thúc đẩy bởi các hiệp định thương mại tự do gần đây, tạo điều kiện cho hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam với mức thuế ưu đãi. Bên cạnh đó, dịch tả lợn châu Phi bùng phát từ đầu năm làm giảm nguồn cung thịt nội địa, đẩy giá trong nước tăng cao, khiến thịt nhập khẩu trở thành lựa chọn hợp lý hơn.
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nhận định, nguồn cung dồi dào từ nước ngoài và giá cả cạnh tranh đã giúp thúc đẩy tiêu thụ thịt nhập khẩu. Với đà tăng này, dự kiến cả năm 2024, chi ngoại tệ nhập khẩu thịt sẽ vượt 1,7 tỷ USD.
Trong 11 tháng năm 2024, Việt Nam đã chi gần 38.000 tỷ đồng để nhập khẩu thịt. Ảnh minh họa |
>> Giá tăng hơn 90%, lần đầu tiên cà phê Việt vượt mốc xuất khẩu 5 tỷ USD 
Việt Nam hiện nằm trong top 10 quốc gia tiêu thụ thịt lợn nhiều nhất toàn cầu. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), năm 2023, mức tiêu thụ thịt lợn đạt khoảng 33,8 kg/người/năm, và dự báo tăng lên 43,4 kg/người/năm vào năm 2030.
Mặc dù tiêu thụ tăng, sản lượng thịt lợn sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 95% nhu cầu. Theo OECD, sản lượng thịt lợn Việt Nam sẽ đạt 4 triệu tấn vào năm 2025 và 4,7 triệu tấn vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng bình quân 3,1%/năm.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, Việt Nam kiểm soát chặt chẽ chất lượng thịt nhập khẩu để bảo vệ người tiêu dùng và ngành chăn nuôi trong nước. "Không phải bất cứ sản phẩm gì cũng có thể nhập khẩu. Các tiêu chuẩn cần được tuân thủ nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn và chất lượng", ông Tiến nhấn mạnh.
Theo Bộ NN-PTNT, tổng đàn lợn cả nước tháng 11/2024, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Giá lợn hơi duy trì ở mức cao đã khuyến khích các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn và các hộ nuôi nhỏ lẻ khôi phục, mở rộng đàn. Từ đầu tháng 11, giá lợn hơi tăng ở hầu khắp các địa phương trên cả nước và duy trì ở mức cao. Đến 30/11, giá lợn hơi trên cả nước dao động từ 60.000-64.000 đồng/kg. Dự đoán từ từ nay đến cuối năm nhu cầu thịt lợn sẽ tăng khoảng từ 10-15%.
Ngành chăn nuôi Việt Nam, đặc biệt là chăn nuôi lợn, được dự báo sẽ thu hút đầu tư mạnh mẽ từ doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Với sản lượng nội địa tăng trưởng và tiềm năng tiêu thụ lớn, lĩnh vực này còn nhiều dư địa để phát triển trong tương lai.