Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 8/2023
Bảo đảm sách giáo khoa và giáo viên kịp thời cho năm học 2023 - 2024; tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét; ngăn chặn, xử lý "tín dụng đen";... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 8/2023.
(TyGiaMoi.com) - Thủ tướng yêu cầu bảo đảm sách giáo khoa và giáo viên kịp thời cho năm học 2023 - 2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 747/CĐ-TTg ngày 16/8/2023 yêu cầu các Bộ liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố bảo đảm sách giáo khoa và giáo viên kịp thời cho năm học 2023 – 2024.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, đôn đốc các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa thực hiện rà soát, công tác biên soạn quy trình thực hiện và đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch về việc in, phát hành sách giáo khoa bảo đảm tăng chất lượng, giảm giá thành; phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo tổ chức tuyển dụng giáo viên bảo đảm đủ giáo viên dạy đúng, đủ các môn học theo quy định.
Thủ tướng yêu cầu tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 8/8/2023 về việc tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét.
Công điện nhấn mạnh, từ đầu tháng 7 năm 2023 đến nay, sạt lở đất, lũ quét, sạt lở bờ sông, bờ biển tiếp tục gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, nhà cửa, tài sản của Nhân dân, nhiều tuyến giao thông, cơ sở hạ tầng bị hư hại, gây tâm lý bất an trong Nhân dân, nhất là ở một số tỉnh Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trước mắt khẩn trương thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách để bảo đảm an toàn cho nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét.
Đối với các khu vực đã phát hiện có nguy cơ sạt lở, lũ quét phải kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc có phương án chủ động bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.
Tổ chức hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, chỗ ở theo quy định để ổn định đời sống cho các hộ bị mất nhà do sạt lở, lũ quét hoặc phải di dời để phòng, tránh sạt lở, lũ quét, không để người dân thiếu đói, không có chỗ ở.
Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện 749/CĐ-TTg ngày 18/8/2023 yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023.
Công điện yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đẩy mạnh phân bổ, triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, công trình trọng điểm, liên vùng, dự án có tác động lan tỏa,...; xác định đây là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Bảo đảm trật tự, ATGT dịp 2/9 và tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Công điện số 750/CĐ-TTg ngày 18/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 và tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường.
Công điện yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an các địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới TNGT và ùn tắc giao thông như vi phạm quy định nồng độ cồn, ma tuý, tốc độ; chở quá tải trọng, quá số người quy định; vi phạm quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện, đi không đúng phần đường, làn đường; vi phạm khi đi qua đường ngang…
Xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện 694/CĐ-TTg ngày 1/8/2023 về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam.
Công điện yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là các tỉnh biên giới Tây Nam tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông,... để ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam. Trường hợp phát hiện lợn nhập khẩu bất hợp pháp phải thực hiện tái xuất hoặc tiêu hủy ngay, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm…
Thủ tướng chỉ đạo ngăn chặn, xử lý "tín dụng đen"
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 766/CĐ-TTg ngày 24/8/2023 về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động "tín dụng đen".
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tập trung nghiên cứu, khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, phát triển hệ thống tín dụng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, các ví điện tử không để các đối tượng móc nối hoạt động "tín dụng đen", kịp thời xử lý các vi phạm theo quy định; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an ứng dụng dữ liệu dân cư đẩy mạnh công tác rà soát, xác thực các tài khoản ngân hàng, xử lý triệt để tình trạng sử dụng tài khoản "ảo" để hoạt động "tín dụng đen".
Thủ tướng yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả vụ tai nạn hầm lò nghiêm trọng tại Quảng Ninh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 770/CĐ-TTg ngày 27/8/2023 về vụ tai nạn hầm lò nghiêm trọng tại Công ty cổ phần Than Vàng Danh, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo tổ chức thăm hỏi chu đáo, động viên, kịp thời hỗ trợ vật chất, tinh thần đối với gia đình người bị nạn; chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tập trung khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất, khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có).
Chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về an toàn lao động trong các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn, tuyệt đối không để xảy ra các trường hợp tương tự.
Thủ tướng chỉ đạo rà soát việc kết nối với các tuyến đường bộ cao tốc, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 769/CĐ-TTg ngày 26/8/2023 về rà soát việc kết nối với các tuyến đường bộ cao tốc nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng, địa phương.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tuyến đường bộ cao tốc đi qua khẩn trương phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức rà soát việc bố trí các nút giao kết nối các tuyến đường bộ cao tốc với mạng lưới giao thông trên địa bàn của địa phương, khu vực, bảo đảm khoảng cách hợp lý, phù hợp quy định của tiêu chuẩn thiết kế, khai thác an toàn, hiệu quả nhằm gắn kết các khu vực đô thị, nông thôn, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu du lịch, khu đô thị mới, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế,… báo cáo cấp có thẩm quyền các nội dung đề xuất, bổ sung nút giao trong quý IV năm 2023.
Nghiên cứu ưu tiên bố trí vốn và chủ động huy động các nguồn lực để đầu tư các tuyến đường của địa phương kết nối với tuyến đường cao tốc nhằm tạo ra không gian phát triển mới của địa phương nhất là các khu đô thị, khu công nghiệp dịch vụ. Lưu ý khi quy hoạch xây dựng đầu tư các tuyến đường của địa phương kết nối với các tuyến đường cao tốc đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả cao nhất có thể.
Chủ động nghiên cứu, cập nhật, hoàn thiện quy hoạch tỉnh; bổ sung kế hoạch sử dụng đất; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị bảo đảm sự gắn kết, liên thông, đồng bộ giữa tuyến đường bộ cao tốc và các tuyến đường của địa phương để phát triển các không gian kinh tế, tận dụng tối đa lợi thế do các tuyến đường bộ cao tốc mang lại; huy động, thu hút mọi nguồn lực triển khai đầu tư các dự án đường của địa phương góp phần tạo động lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho địa phương, khu vực và đất nước.
Đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các địa phương rà soát định hướng quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, bảo đảm diện tích đất chuyên trồng lúa, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai, dịch bệnh để kịp thời điều chỉnh sản xuất, đảm bảo mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa/năm trong các năm tiếp theo. Khẩn trương triển khai xây dựng, thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam theo dõi sát diễn biến thị trường gạo khu vực và thế giới, tình hình sản xuất, sản lượng lúa, gạo theo từng chủng loại, mùa vụ trong năm để cân đối nguồn lúa, gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng lúa, gạo trong nước và xuất khẩu, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.
Tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn
Chính phủ ban hành Nghị định 59/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó quy định tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn.
Nghị định 59/2023/NĐ-CP nêu rõ: Thành viên Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn được bầu tại cuộc họp của cộng đồng dân cư. Số lượng thành viên Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn được xác định trên cơ sở tương ứng số lượng thôn, tổ dân phố trên địa bàn cấp xã nhưng không ít hơn 5 thành viên.
Về phương thức hoạt động, Ban Thanh tra nhân dân tiếp nhận thông tin, phản ánh, kiến nghị trực tiếp hoặc qua hòm thư góp ý của tổ chức, cá nhân có liên quan đến phạm vi kiểm tra, giám sát của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn.
Làm việc với các tổ chức, cá nhân liên quan để thu thập thông tin, tài liệu, phân tích, đối chiếu, tổng hợp thông tin và đánh giá, làm rõ nội dung phản ánh, kiến nghị.
2 trường hợp ô tô thuộc diện phải triệu hồi
Chính phủ ban hành Nghị định 60/2023/NĐ-CP quy định về việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu và linh kiện nhập khẩu theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Trong đó, Nghị định quy định ô tô thuộc diện phải triệu hồi gồm:
+ Ô tô triệu hồi theo công bố của nhà sản xuất;
+ Ô tô triệu hồi theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra. Việc yêu cầu triệu hồi của cơ quan kiểm tra được thực hiện trên cơ sở bằng chứng cụ thể, kết quả xác minh các thông tin phản ánh về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu.
Điều kiện công nhận hương ước, quy ước
Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2023/NĐ-CP về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư. Trong đó, Nghị định quy định rõ điều kiện công nhận hương ước, quy ước.
Theo đó, hương ước, quy ước được công nhận khi có đủ các điều kiện về: 1- Phạm vi nội dung, hình thức phù hợp với quy định; 2- Tuân thủ nguyên tắc, trình tự, thủ tục theo quy định tại Nghị định 61/2023/NĐ-CP.
Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước phải phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, xuất phát từ nhu cầu tự quản của người dân, trên cơ sở tự nguyện, thỏa thuận, thống nhất, công khai, minh bạch trong cộng đồng dân cư; phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân và trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng.
Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Nghị định 62/2023/NĐ-CP của Chính phủ bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Cụ thể, Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức, chỉ đạo hoạt động phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định của Nghị định số 81/2019/NĐ-CP ngày 11/11/2019 của Chính phủ về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Giúp Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nhiệm vụ chỉ huy, đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng ở nơi có cảng hàng không, sân bay và các công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng theo quy định của Nghị định số 92/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về an ninh hàng không.
Sửa nguyên tắc lập danh sách cử tri để phát phiếu lấy ý kiến điều chỉnh địa giới hành chính
Chính phủ ban hành Nghị định 66/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ hướng dẫn việc lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.
Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 4 về nguyên tắc lập danh sách cử tri để phát phiếu lấy ý kiến về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.
Trong đó, công dân có quyền bầu cử theo quy định tại Điều 2 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đông nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri để được phát phiếu lấy ý kiến việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, trừ các trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều này.
Cử tri được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi mình đăng ký thường trú và đăng ký tạm trú.
Trường hợp cấp có thẩm quyền tổ chức lấy ý kiến việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đối với cùng 01 đơn vị hành chính ở cả nơi cử tri đăng ký thường trú và đăng ký tạm trú thì cử tri chỉ được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi mình đăng ký thường trú.
Chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về UBND TP Hà Nội quản lý
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 1/8/2023 quyết nghị chuyển giao nguyên trạng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thuộc quyền quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ về UBND TP Hà Nội quản lý từ ngày 1/8/2023.
Nghiên cứu đẩy nhanh việc hình thành các sở, sàn giao dịch tập trung bất động sản, đất đai
Tại Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 7/8/2023 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương nghiên cứu đẩy nhanh việc hình thành các sở, sàn giao dịch tập trung đối với các thị trường bất động sản, đất đai, lao động, việc làm; Bộ Xây dựng tích cực, chủ động làm việc với các địa phương, doanh nghiệp để đẩy nhanh triển khai các dự án bất động sản.
Một số giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật nhằm ngăn ngừa tham nhũng, lợi ích nhóm
Chính phủ ban hành Nghị quyết 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Trong đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, phát hiện ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi "tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm" trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật...
Cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ từ ngày 15/8/2023
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 127/NQ-CP ngày 14/8/2023 về việc áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân các nước, vùng lãnh thổ; các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử.
Theo đó, Chính phủ quyết nghị thực hiện cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ.
Nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày đối với công dân 13 nước
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 14/8/2023 sửa đổi Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15/3/2022 về việc miễn thị thực cho công dân một số nước.
Cụ thể, Nghị quyết số 128/NQ-CP sửa đổi Điều 1 Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15/3/2022 như sau:
Miễn thị thực cho công dân các nước: Cộng hoà Liên bang Đức, Cộng hoà Pháp, Cộng hoà Italia, Vương quốc Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen, Liên bang Nga, Nhật Bản, Đại Hàn Dân Quốc, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Thuỵ Điển, Vương quốc Na Uy, Cộng hoà Phần Lan và Cộng hoà Belarus với thời hạn tạm trú 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều chuyển thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ nguồn NSNN phòng, chống COVID-19 sang nguồn thu dịch vụ khám, chữa bệnh
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 129/NQ-CP ngày 18/8/2023 về việc điều chuyển thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ nguồn ngân sách nhà nước cho phòng, chống dịch COVID-19 sang nguồn thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Nghị quyết nêu rõ, trong thời gian qua, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát, một số địa phương, cơ sở y tế đã mua sắm thuốc, vật tư, sinh phẩm cao hơn nhu cầu thực tế bằng nguồn ngân sách nhà nước để cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19. Đến nay, tình hình dịch COVID-19 đã được khống chế nên việc sử dụng số thuốc, vật tư, sinh phẩm trên cho nhiệm vụ phòng, chống COVID-19 không còn cấp thiết.
Do vậy, Chính phủ quyết nghị: Cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được sử dụng thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ nguồn ngân sách nhà nước cho phòng, chống dịch COVID-19 nhưng chưa sử dụng hết để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế tối đa lãng phí.
Bộ trưởng chịu trách nhiệm về chất lượng dự án, dự thảo văn bản QPPL do mình ban hành
Theo Nghị quyết 135/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2023, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm về chất lượng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Hồ sơ dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải có tài liệu thuyết minh kỹ, rõ về các nội dung, quy định được kế thừa từ pháp luật hiện hành; các quy định không còn phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và thực tiễn triển khai thi hành, từ đó đề xuất bãi bỏ hoặc bổ sung sửa đổi những nội dung mới cần ban hành quy phạm pháp luật.
Nội dung thuyết minh cần phân tích kỹ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của việc kế thừa, sửa đổi, bổ sung từng quy định cụ thể trong dự thảo luật, văn bản quy phạm pháp luật khác. Phải làm rõ các nội dung sửa đổi, bổ sung so với pháp luật hiện hành và lý do sửa đổi, bổ sung; làm rõ các thủ tục hành chính sẽ được cắt giảm, bổ sung mới so với pháp luật hiện hành và nêu rõ lý do.
Thành lập 2 Hội đồng điều phối vùng
Ngày 19/8/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký các quyết định Thành lập Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long và Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long; Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 18/8/2023 về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Về mức vốn cho vay, Quyết định quy định đối với vay vốn để đào tạo nghề: Mức vốn cho vay tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù.
Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù. Với cơ sở sản xuất kinh doanh: Mức vốn cho vay tối đa là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.
Chủ động xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh giá đồng bộ, tránh dồn vào tháng cuối năm
Tại Thông báo 348/TB-VPCP ngày 24/8/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ ngành cần chủ động xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh giá đồng bộ, cụ thể gắn với mức độ, thời điểm phù hợp điều chỉnh các mặt hàng Nhà nước quản lý, tránh dồn vào tháng cuối năm, hoặc dồn vào cùng một thời điểm.
Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 năm 2023.
Về dịch vụ giáo dục và vật tư giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lộ trình, mức độ và thời điểm điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục phù hợp, sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP để các địa phương chủ động quyết định các mức học phí phù hợp cho năm học 2023-2024.
Phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 979/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, phát triển hệ thống cảng cạn có khả năng thông qua khoảng từ 25% đến 35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải. Hình thành các cảng cạn, cụm cảng cạn với tổng công suất khoảng từ 11,9 triệu TEU/năm đến 17,1 triệu TEU/năm.
Tiếp tục thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị tại thành phố Hà Nội
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 21/2023/QĐ-TTg ngày 10/8/2023 sửa đổi, bổ sung Điều 4 Quyết định số 26/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội.
Quyết định nêu rõ, tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội kể từ ngày 10/8/2023 cho đến khi có quyết định chính thức của cơ quan có thẩm quyền về mô hình tổ chức quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội.
Thành phố Hồ Chí Minh được thí điểm phân cấp điều chỉnh cục bộ quy hoạch
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 20/2023/QĐ-TTg ngày 10/8/2023 quy định về thí điểm phân cấp và trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.
Cụ thể, thí điểm phân cấp cho Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật (sau đây gọi là điều chỉnh cục bộ quy hoạch) trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý trên cơ sở các đồ án quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi quy định về thu, quản lý học phí
Tại Thông báo 352/TB-VPCP ngày 25/8/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập.
Bị cáo Nguyễn Đức Thái khai mình là người tố vụ 9,4 triệu sách giáo khoa giả 
Bộ trưởng GD&ĐT mong được chỉ rõ 'nhóm lợi ích' trong phát hành sách giáo khoa