Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 19-25/10/2024
Nhiều chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ; Công điện chủ động ứng phó bão TRAMI; tăng cường công tác quản lý tài sản công tại các tổ chức hội... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 19-25/10/2024.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện chủ động ứng phó bão TRAMI
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Công điện số 110/CĐ-TTg ngày 24/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động ứng phó bão TRAMI.
Công điện yêu cầu Bộ trưởng các bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chủ động tổ chức theo dõi sát, cập nhật thông tin dự báo và tình hình bão, mưa, lũ để kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ" theo chức năng, nhiệm vụ được giao, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Thủ tướng yêu cầu trước 31/10 các địa phương phải ban hành đầy đủ văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 109/CĐ-TTg ngày 22/10/2024 yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương tăng cường tập trung chỉ đạo, triển khai thi hành Luật Đất đai.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương tập trung ban hành đầy đủ các nội dung được giao quy định chi tiết trong Luật Đất đai và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, hoàn thành trước ngày 31/10/2024.
Tăng cường công tác quản lý tài sản công t ại các tổ chức hội
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã ký Chỉ thị số 40/CT-TTg ngày 24/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường công tác quản lý tài sản công  tại các tổ chức hội.
Chỉ thị yêu cầu UBND cấp tỉnh thực hiện rà soát lại việc giao, quản lý, sử dụng và bố trí tài sản công cho các hội đảm bảo đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Trường hợp sau khi rà soát, việc giao, quản lý, sử dụng và bố trí tài sản công chưa đúng quy định thì báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Nhiều chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ
Chính phủ ban hành Nghị định số 135/2024/NĐ-CP ngày 22/10/2024 quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.
Nghị định này quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời tự sản xuất, tự tiêu thụ được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng gồm nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh được đầu tư, xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.
Nghị định quy định 9 chính sách khuyến khích, trong đó có nhiều chính sách quan trọng như: Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được hưởng chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật thuế hiện hành; Điện mặt trời không dùng hết được bán lên hệ thống điện quốc gia nhưng không quá 20% công suất lắp đặt; Tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có công suất lắp đặt đến dưới 1.000 kW không phải thực hiện cấp giấy phép đăng ký, chỉ thực hiện thông báo cho các cơ quan chức năng để quản lý, theo dõi, điều độ vận hành an toàn hệ thống điện; Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được rút gọn các thủ tục hành chính theo quy định pháp luật chuyên ngành hiện hành...
Quy định mới về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 136/2024/NĐ-CP ngày 23/10/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện (quỹ).
Nghị định số 136/2024/NĐ-CP nêu rõ: Quỹ được tổ chức, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm mục đích hỗ trợ, khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, công nghệ, nông nghiệp, nông thôn, bảo vệ tài nguyên và môi trường, cộng đồng, từ thiện, nhân đạo.
Quy định mới về lập dự toán, quản lý sử dụng chi thường xuyên NSNN để mua sắm tài sản, trang thiết bị
Chính phủ ban hành Nghị định 138/2024/NĐ-CP ngày 24/10/2024 quy định việc lập dự toán, quản lý sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng.
Nghị định quy định: Việc bố trí kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng được thực hiện theo nguyên tắc không trùng lắp với các nhiệm vụ có cùng nội dung của đơn vị đã được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn theo quy định của pháp luật về đầu tư công, cần phải thực hiện ngay trong năm ngân sách để đảm bảo hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực hiện theo quy định của pháp luật.
Tàu bay bị bay chặn khi có hành động vi phạm vùng trời Việt Nam
Chính phủ ban hành Nghị định số 139/2024/NĐ-CP ngày 24/10/2024 quy định thể thức bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.
Nghị định nêu rõ, tàu bay bị bay chặn khi có hành động vi phạm vùng trời Việt Nam.
Tàu bay bị bay kèm khi có hành động vi phạm phép bay.
Tàu bay bị bay ép hạ cánh tại các cảng hàng không, sân bay nếu thuộc một trong 2 trường hợp sau: 1- Tàu bay đang bay trong vùng trời Việt Nam bị can thiệp bất hợp pháp; 2- Tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam bị bay chặn, bay kèm nhưng không chấp hành hành động của tàu bay Quân đội nhân dân Việt Nam đang thực hiện bay chặn, bay kèm.
Các trường hợp rừng trồng được thanh lý
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 140/2024/NĐ-CP ngày 25/10/2024 quy định về thanh lý rừng trồng.
Nghị định quy định rõ 2 nguyên nhân được thanh lý rừng trồng  gồm:
1- Do thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai, gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai, sự cố, thảm họa khác.
2- Do dịch sâu, bệnh và sinh vật khác gây hại rừng.
Nghị định nêu rõ rừng trồng được thanh lý trong các trường hợp sau:
- Rừng trồng đang trong giai đoạn đầu tư bị thiệt hại do một trong các nguyên nhân quy định ở trên và không đáp ứng các chỉ tiêu nghiệm thu sau khi trồng rừng theo quy định của pháp luật về đầu tư công trình lâm sinh.
- Rừng trồng sau giai đoạn đầu tư bị thiệt hại do một trong các nguyên nhân quy định ở trên và không đạt tiêu chuẩn quốc gia về rừng trồng. Chỉ khai thác tận dụng hoặc chặt bỏ đối với những cây không còn khả năng phục hồi; những cây còn khả năng phục hồi được thống kê, kiểm đếm và đề xuất giải pháp phục hồi tại Phương án thanh lý rừng trồng theo Mẫu số 04 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này.
Tạo chuyển biến mạnh mẽ về hiệu quả thông tin, tuyên truyền tại các tỉnh biên giới đất liền
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã ký Quyết định số 1219/QĐ-TTg ngày 18/10/2024 phê duyệt Đề án "Hỗ trợ thông tin và tuyên truyền về quốc phòng, an ninh, dân tộc và chính sách dân tộc thuộc các tỉnh địa bàn biên giới đất liền".
Mục tiêu tổng quát là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền tại các tỉnh địa bàn biên giới đất liền; góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh toàn dân, nền biên phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, bảo đảm ổn định quốc phòng, an ninh, xây dựng các tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển, tạo tiền đề, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.
Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã ký Quyết định số 1220/QĐ-TTg ngày 18/10/2024 phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc cho công chức trong các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc giai đoạn 2025 – 2030.
Đề án đặt mục tiêu nâng cao, cập nhật kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách dân tộc cho đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra trong các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, góp phần thực hiện tốt chính sách dân tộc từ trung ương đến địa phương trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030.
Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối đến năm 2030
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã ký Quyết định số 1236/QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Chiến lược).
Chiến lược nêu rõ tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm các nước dẫn đầu trong khu vực và có vị thế quốc tế trong nghiên cứu, triển khai, ứng dụng và khai thác công nghệ chuỗi khối; đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ chuỗi khối trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, thực hiện hóa mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng.
Đề án cơ cấu lại EVN giai đoạn đến hết năm 2025
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã ký Quyết định số 1271/QĐ-TTg ngày 25/10/2024 phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025.
Mục tiêu của Đề án nhằm phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thành Tập đoàn kinh tế mạnh, kinh doanh bền vững, hiệu quả và có lãi; bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại EVN và vốn EVN đầu tư vào doanh nghiệp khác; chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo điện cho nền kinh tế và đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực cung cấp điện theo quy định; giữ vai trò trung tâm để phát triển Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam; có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao; sản xuất, kinh doanh điện năng, tư vấn điện là ngành, nghề kinh doanh chính. Phấn đấu doanh thu toàn Tập đoàn đến hết năm 2025 tăng trưởng bình quân từ 7 - 10%, nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn trên 23.000 tỷ đồng/năm.
Mở rộng Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã ký Quyết định số 1238/QĐ-TTg ngày 22/10/2024 phê duyệt mở rộng Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là khu công nghệ thông tin tập trung tại Quyết định số 1967/QĐ-TTg ngày 7/12/2017, với tên gọi là Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2, địa điểm thực hiện tại địa bàn phường Thuận Phước, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng; quy mô diện tích mở rộng là 28.573 m2.
Phê duyệt chủ trương mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên 4 làn xe
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1244/QĐ-TTg ngày 23/10/2024 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam  phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn.
Theo Quyết định, chiều dài tuyến khoảng 98,35 km; đầu tư mở rộng nền, mặt đường và các công trình trên tuyến từ quy mô 02 làn xe lên 04 làn xe.
Đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Trung Thành (Nam Định)
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1245/QĐ-TTg về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Trung Thành, tỉnh Nam Định.
Mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (loại hình khu công nghiệp hỗ trợ). Quy mô sử dụng đất của dự án: 200 ha, địa điểm thực hiện dự án tại xã Yên Trung và xã Yên Thành, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Tổng vốn đầu tư của dự án là 1.657,098 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Nhà đầu tư là 250 tỷ đồng.
>> Trình Thủ tướng phương án mới ‘lên đời’ cao tốc Cam Lộ - La Sơn, giảm 500 tỷ đồng 
Trình Thủ tướng phương án mới ‘lên đời’ cao tốc Cam Lộ - La Sơn, giảm 500 tỷ đồng 
Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn 7.000 tỷ đồng sẽ được mở rộng lên 6 làn xe?