Chi gần 300 triệu đồng để mua vàng, người phụ nữ tá hỏa vì phát hiện vàng giả sau 4 năm cất giữ, chủ tiệm vàng: 'Tôi không chịu trách nhiệm'
Người phụ nữ gặp rắc rối vì mua phải vàng giả mà suốt 4 năm không hề hay biết.
Cô Châu hiện đang sinh sống tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Chồng cô là chủ của một đại lý phân phối thức ăn cho thú cưng khá lớn trong khu vực. Nhờ kinh doanh các sản phẩm dành cho chó, mèo và các vật nuôi khác, gia đình cô thu về một khoản thu nhập đáng kể mỗi tháng. Cô Châu là người vợ đảm đang, tập trung vào việc chăm sóc gia đình.
Người phụ nữ này rất thích trang sức bằng vàng nên đã nảy ra ý định mua vàng  để làm đẹp cho bản thân cũng như làm của để dành. 4 năm trước, cô Châu đã bỏ ra số tiền 80.000 NDT (khoảng 280 triệu đồng) để mua vàng theo lời tư vấn của nhân viên một cửa hàng. Cô tin rằng đây là tài sản có thể sinh lời sau nhiều năm.
Sau khi mua vàng, người phụ nữ này đã cẩn thận cất giữ chúng trong một chiếc hộp mà nhân viên cửa hàng tặng kèm. Suốt 4 năm qua, số vàng ấy nằm yên trong tủ, thỉnh thoảng cô mới lấy ra ngắm nghía. Tuy nhiên, khi biết giá vàng đang tăng cao, cô Châu đã quyết định mang chúng ra bán để kiếm lời. Sau khi tới cửa hàng cũ để bán vàng, cô bàng hoàng nhận ra toàn bộ số vàng mình cất giữ bấy lâu nay là đồ giả.
Sau khi tiến hành điều tra kỹ lưỡng, chủ cửa hàng vàng đã đưa ra kết luận: Biên lai mà cô Châu đang giữ là giả mạo, do nhân viên bán hàng tự ý đóng dấu. Hiện tại, người này đã nghỉ việc ở cửa hàng. Không chỉ vậy, việc bán sản phẩm vàng mạ giả cho cô Châu cũng là do người nhân viên này tự ý thực hiện mà không có sự đồng ý của cửa hàng.
Trước sự hoang mang vô độ của người phụ nữ, chủ tiệm vàng khẳng định không có trách nhiệm và không phải bồi thường. Vụ việc khiến nhiều người chú ý, bàn tán xôn xao trên các diễn đàn Trung Quốc.
Theo quy định tại Điều 55 Luật Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng (Trung Quốc), các nhà bán hàng có hành vi gian lận, cung cấp hàng hóa, dịch vụ không đúng như đã cam kết sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng. Mức bồi thường này có thể lên tới gấp 1-3 lần giá trị hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua.
Việc nhân viên bán hàng cố tình bán sản phẩm vàng mạ với giá vàng nguyên chất cho cô Châu rõ ràng là hành vi lừa đảo  người tiêu dùng. Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp này, người phụ nữ có quyền yêu cầu chủ cửa hàng bồi thường thiệt hại gấp 3 lần số tiền mua sản phẩm.
Nếu qua điều tra, cơ quan chức năng xác định được rằng nhân viên bán hàng đã cố ý lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của cô Châu thì người này bị cấu thành tội lừa đảo. Đặc biệt, nếu có nhiều người bị hại khác, số tiền lừa đảo lớn, mang tính chất tổ chức thì đối tượng có thể bị truy tố và bị phạt tù.