Chi tiết kế hoạch '3 mũi tên' vực dậy kinh tế Mỹ của tỷ phú được ông Trump chọn làm Bộ trưởng Tài chính
Tỷ phú Scott Bessent sẽ thử nghiệm chiến lược kinh tế "3-3-3", nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm thâm hụt ngân sách và tăng cường sản xuất năng lượng khi đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Tài chính Mỹ.
Lấy cảm hứng từ chiến lược "Ba mũi tên" của cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, vốn được đưa ra hơn một thập kỷ trước để hồi sinh nền kinh tế Nhật Bản thông qua nới lỏng tiền tệ, tăng chi tiêu công và tái cấu trúc kinh tế, tỷ phú Scott Bessent đã thiết kế một phiên bản tương tự cho nước Mỹ, nếu vị trí bộ trưởng Tài chính được Thượng viện phê chuẩn.
Chiến lược "3-3-3" của ông Bessent tập trung vào ba mục tiêu: thúc đẩy tăng trưởng GDP lên mức 3%; cắt giảm thâm hụt ngân sách xuống 3% GDP (tổng sản phẩm quốc nội), và tăng sản lượng dầu hoặc các loại nhiên liệu tương đương thêm 3 triệu thùng mỗi ngày.
Là một nhà đầu tư quỹ đầu cơ kỳ cựu, ông Bessent đã có nhiều năm gắn bó với các chính sách kinh tế của ông Shinzo Abe, thường được gọi là "Abenomics". Khi còn là nhà quản lý tài chính cho quỹ đầu tư của tỷ phú George Soros, ông Bessent thường xuyên gặp gỡ các cố vấn của vị cố Thủ tướng Nhật và thực hiện nhiều chuyến công tác đến Tokyo.
Trong một bài luận đăng trên tạp chí The International Economy năm 2022, ông Bessent nhấn mạnh: "Tôi tin rằng ông Shinzo Abe và đội ngũ cố vấn đã cam kết tập trung mọi nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ đa dạng và đầy thách thức này."
Chiến lược mới của ông Bessent sẽ là phép thử quan trọng với chính quyền Trump 2.0 trong việc cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng và kiểm soát các áp lực kinh tế như lạm phát.
Trong khi ông Trump đã hứa hẹn nhiều mục tiêu kinh tế tham vọng, thì kế hoạch "3-3-3" của Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent lại mang đến một thước đo cụ thể hơn để đánh giá hiệu quả chính sách kinh tế vào cuối nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, việc hiện thực hóa những mục tiêu này sẽ không dễ dàng. Thành công của kế hoạch sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ quy mô cắt giảm thuế mà Quốc hội Mỹ chấp thuận (nơi Đảng Cộng hòa chiếm đa số ở cả lưỡng viện), mức độ áp dụng thuế quan của ông Trump, cho đến tình hình thị trường dầu mỏ thế giới.
Các nhà kinh tế từng cảnh báo rằng những chính sách kinh tế của ông Trump có thể khiến nợ công của nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng thêm 15 nghìn tỷ USD trong vòng một thập kỷ, đồng thời kìm hãm tăng trưởng kinh tế và kích hoạt lạm phát thông qua việc áp thuế quan.
Tuy nhiên, ông Trump đã bác bỏ những dự báo đó, khẳng định rằng các chính sách của ông sẽ mở ra một “thời kỳ hoàng kim” mới cho nền kinh tế Mỹ. Vào nhiệm kỳ đầu tiên năm 2017, ông Trump từng lạc quan dự đoán tăng trưởng kinh tế có thể đạt 6% nhờ các kế hoạch cắt giảm thuế và bãi bỏ quy định. Thực tế, mức tăng trưởng cao nhất mà nước Mỹ đạt được là 3%, cũng chính là mục tiêu mà Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đang đặt ra trong nhiệm kỳ sắp tới.
Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc, từ mức 2,8% trong năm nay xuống còn 2,2% vào năm 2025. Trong bối cảnh này, khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 3% của ông Bessent gặp rào cản, lớn có thể đến từ chính các động thái của ông Trump.
Ông đã đe dọa đảo ngược một số phần trong chương trình nghị sự kinh tế của ông Biden, bao gồm việc hủy bỏ Đạo luật Giảm lạm phát và cắt giảm các khoản trợ cấp  cho ngành công nghiệp chip và xe điện. Nếu thành công, điều này có thể làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế thay vì thúc đẩy.
Ngoài ra, các chính sách thương mại của ông Trump cũng có nguy cơ tạo ra áp lực lớn. Việc áp đặt thuế quan cứng rắn lên các đối tác thương mại chắc chắn sẽ kéo theo hành động trả đũa từ các quốc gia khác, gây thiệt hại cho xuất khẩu của Mỹ và làm suy yếu nền kinh tế.
Chính sách nhập cư của ông Trump cũng được các chuyên gia cảnh báo là một yếu tố tiêu cực. Các biện pháp cứng rắn như trục xuất hàng loạt người nhập cư không có giấy tờ có thể thu hẹp lực lượng lao động của Mỹ.
Ông Jason Furman, giáo sư kinh tế tại Trường Harvard Kennedy, nhận định: “Lao động nhập cư  là đòn bẩy lớn nhất ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Mỹ, và những chính sách đó có thể khiến hiệu quả đi theo chiều hướng không mong muốn.”
Đảng Cộng hòa đang đẩy mạnh kế hoạch gia hạn cắt giảm thuế, dự kiến tiêu tốn hơn 4 nghìn tỷ USD trong vòng một thập kỷ, đồng thời làm suy yếu khả năng thu thuế của Sở Thuế vụ Nội địa thông qua cắt giảm ngân sách. Những động thái này, nếu được thực hiện, sẽ khiến việc giảm thâm hụt trở thành bài toán đầy thách thức.
Hiện tại, thâm hụt ngân sách  liên bang trong năm tài chính 2024 là 1,8 nghìn tỷ USD, chiếm 6,4% GDP. Ông Scott Bessent, Bộ trưởng Tài chính của ông Trump, đặt mục tiêu giảm con số này xuống 3% vào năm 2028.
Tại một sự kiện của Viện Manhattan, ông Bessent đề xuất rằng chi phí gia hạn các khoản cắt giảm thuế nên được bù đắp bằng cách cắt giảm các khoản chi tiêu khác, bao gồm một phần ngân sách trong Đạo luật Giảm lạm phát thời Biden.
Ông cũng đề xuất đóng băng chi tiêu tùy ý không liên quan đến quốc phòng và chuyển một số khoản chi phí của Medicaid (hệ thống chi trả phí y tế cho người dân) cho các tiểu bang.
Để hỗ trợ mục tiêu này, ông Trump đang thành lập Bộ Hiệu quả Chính phủ, viết tắt là DOGE, dưới sự lãnh đạo của tỷ phú Elon Musk và chính trị gia Vivek Ramaswamy, nhằm giảm lãng phí liên bang và tối ưu hóa chi tiêu. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế của sáng kiến này vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Một rào cản khác nằm ở chi phí tăng cao của các chương trình An sinh xã hội và Medicare, hai động lực lớn nhất của nợ quốc gia. Dù ông Trump cam kết không cắt giảm các chương trình này, ông Bessent thừa nhận rằng việc cải cách các quyền lợi này là điều không thể tránh khỏi trong dài hạn, nhưng cần thực hiện một cách từ từ và có lộ trình.
Sản xuất năng lượng: Giấc mơ hay bài toán khó?
Ông Trump đặt sản xuất năng lượng  làm trọng tâm trong chiến lược kinh tế, kỳ vọng rằng việc giải phóng ngành dầu khí sẽ giúp giảm chi phí năng lượng và kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, mục tiêu tăng sản lượng dầu thêm 3 triệu thùng mỗi ngày của ông Bessent là một thách thức không nhỏ.
Ngành công nghiệp dầu khí  đang kỳ vọng chính quyền Trump mở rộng hợp đồng thuê liên bang để khoan dầu, xây dựng thêm đường ống và dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mà chính quyền Tổng thống Biden đã áp dụng.
Nhưng mở rộng sản xuất trong bối cảnh giá dầu dao động quanh mức 70 USD/thùng có thể gây áp lực lớn lên lợi nhuận của các công ty. Theo Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas, các nhà sản xuất cần giá trên 60 USD/thùng để có lãi khi khoan giếng mới.
Thêm vào đó, tình trạng dư thừa nguồn cung đang là mối lo lớn, với Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo sản lượng toàn cầu sẽ vượt cầu hơn 1 triệu thùng/ ngày vào năm 2025. Điều này khiến các nhà sản xuất ngày càng thận trọng với chiến lược tăng trưởng mạnh mẽ, vốn đã từng khiến họ chịu thua lỗ nặng nề dưới thời Trump 1.0.
Ông Stephen Moore, nhà kinh tế của Heritage Foundation, nhận định: “Đây là một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu các công ty năng lượng khai thác nhiều hơn, giá sẽ giảm, và điều đó không mang lại lợi ích cho chính họ”.
Kế hoạch "3-3-3" của ông Bessent vẫn là một ẩn số tại Washington. Trong một bài luận năm 2022, ông nhớ lại cuộc trò chuyện với tỷ phú George Soros về hiệu quả của "Abenomics": "Tôi không chắc nó có hiệu quả không, nhưng đó sẽ là chuyến đi thị trường của cả cuộc đời tôi”.
Sự khác biệt trong tầm nhìn giữa Cố thủ tướng Nhật và Bộ trưởng Tài chính Mỹ tiếp theo phản ánh bối cảnh kinh tế và ưu tiên chính trị của mỗi quốc gia. Ông Abe, với chiến lược "Ba mũi tên," đã nhắm đến mục tiêu trẻ hóa nền kinh tế Nhật Bản thông qua các biện pháp dài hạn như cải cách cấu trúc, kích thích tài chính, và nới lỏng tiền tệ. Ngược lại, ông Bessent, trong bối cảnh nợ công gia tăng và thâm hụt ngân sách nghiêm trọng, tập trung vào các giải pháp thực tiễn và ngắn hạn để giải quyết những vấn đề cấp bách của nước Mỹ.
Dù vậy, cả hai chiến lược đều chia sẻ một điểm chung quan trọng: sự phối hợp đồng bộ giữa các chính sách nhằm tạo ra hiệu quả vượt trội, với trọng tâm là tăng trưởng kinh tế. Đối với ông Abe, tăng trưởng là chìa khóa để phá vỡ vòng luẩn quẩn của giảm phát và trì trệ kinh tế . Đối với ông Bessent, tăng trưởng không chỉ là một mục tiêu, mà còn là phương tiện quan trọng để đối phó với thâm hụt và giảm nhẹ gánh nặng nợ công đang đe dọa nền kinh tế Mỹ.
Theo NYT
>> Ba chính sách quan trọng nhất sẽ định hình kinh tế Mỹ khi ông Trump quay trở lại Nhà Trắng