Chiêm ngưỡng siêu đập thủy lợi nhà Tần xây đã 2.200 năm vẫn được sử dụng tới nay, là hình mẫu về chiến lược trị thủy được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới

11-04-2024 10:13|Thùy Dung

Được xây dựng từ thời nhà Tần, đến nay, công trình này vẫn được sử dụng để điều hòa nước trên sông Mân.

Đô Giang Yến là công trình thủy lợi được cha con Lý Băng - thái thú quận Thục xây dựng vào thời nhà Tần. Công trình được khởi công trong thời kỳ Chiến Quốc ở Trung Quốc và hoàn thiện trong khoảng thời gian 256-251 TCN. Trải qua hàng ngàn năm với nhiều thời đại và nhiều cuộc tu sửa, bảo trì, đây vẫn là con đập thủy lợi đóng vai trò đặc biệt quan trọng với tỉnh Tứ Xuyên.

Đô Giang Yển được xây dựng trên sông Mân (Mân Giang) - nhánh lớn nhất ở thượng nguồn của sông Dương Tử. Con sông này là nguồn cấp nước quan trọng của vùng đồng bằng Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Đến năm 1998, diện tích tưới tiêu của Đô Giang Yển đạt 668.7 nghìn hecta, bao phủ phạm vi hơn 40 huyện ở Tứ Xuyên.

Đô Giang Yển và những dấu ấn lịch sử

Sự hình thành và ra đời của công trình Đô Giang Yển mang những nguyên nhân lịch sử đặc thù. Thời kỳ Chiến Quốc là giai đoạn các quốc gia chư hầu nằm dưới trướng thiên tử nhà Chu, tình hình giao tranh ác liệt để tranh giành quyền lực.

Đô Giang Yển là công trình mang đậm giá trị lịch sử

(TyGiaMoi.com) - Đô Giang Yển là công trình mang đậm giá trị lịch sử

Nhà Tần nhờ sự xuất hiện của nhà cải cách Thương Ưởng, đã trở nên thịnh vượng và hùng cường. Tần xác định các vùng đất Ba, Thục có địa vị chiến lược trong kế hoạch thống nhất 6 nước còn lại.

Tướng Tần Tư Mã Thác tin rằng "Có được [đất] Thục là sẽ chiếm được [nước] Sở, Sở vong thì thiên hạ sẽ thu về [Tần]". Lý Băng, một người am hiểu về thiên văn, địa lý, được Tần Chiêu Tương Vương - cụ của Tần Thủy Hoàng bổ nhiệm là thái thú quận Thục trong bối cảnh như vậy.

Lý cùng người dân trên địa bàn không ngừng nỗ lực kiểm soát lũ lụt và phát triển hệ thống tưới tiêu tại Mân Giang để phát triển nông nghiệp ở miền Tây Tứ Xuyên,. Qua đó, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư tại vùng đồng bằng Thành Đô, và từ đó đặt nền tảng kinh tế cho nhà Tần thống nhất Trung Quốc.

Dự án Đô Giang Yển được tạo nên bởi ba thành tố. Miệng cá để phân dòng nước, Phi Sa Yển để phân luồng chia lũ và xử lý đất cát, và Bảo Bình Khẩu là cửa vào nước, giúp thực hiện hài hòa các chức năng về kiểm soát lũ lụt, bảo đảm tưới tiêu, lẫn duy trì giao thông đường thủy.

Đô Giang Yển cùng hàng nghìn năm lịch sử

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, công trình thủy lợi đặc biệt này được đặt với nhiều tên gọi khác nhau. Đến thời nhà Tống, công trình mà người Trung Quốc ca ngợi là "ngàn năm bất diệt" này mới được đề cập bằng tên Đô Giang Yển.

Trang NetEase (Trung Quốc) mô tả, hệ thống thủy lợi Đô Giang Yển lợi dụng tốt điều kiện địa hình đặc thù của khu vực để thực hiện chức năng dẫn nước, tự động tưới tiêu. Nhờ vậy, đập thủy lợi này có khả năng tạo ra sự tương hỗ giữa hoạt động phân luồng, xả lũ, lọc cát cũng như kiểm soát dòng chảy, phát huy vai trò xã hội to lớn.

Hệ thống thủy lợi Đô Giang Yển lợi dụng tốt điều kiện địa hình đặc thù của khu vực để thực hiện chức năng dẫn nước

(TyGiaMoi.com) - Hệ thống thủy lợi Đô Giang Yển lợi dụng tốt điều kiện địa hình đặc thù của khu vực để thực hiện chức năng dẫn nước

Hệ thống điều tiết "thuận tự nhiên" này giúp cho hệ sinh thái ở vùng Mân Giang phát triển được tự nhiên, sông vẫn chảy thay vì bị chặn lại bởi một con đập ngang trên dòng sông.

Vào năm thứ sáu triều Hán Vũ Đế, sử gia Tư Mã Thiên từng khảo sát thực địa Đô Giang Yển. Đến năm 228, thừa tướng Thục Hán thời Tam Quốc là Gia Cát Lượng trong công cuộc bắc chinh của mình đã coi Đô Giang Yển là trụ cột để phát triển kinh tế nhà nước và bảo đảm nông nghiệp. Nhà chức trách lần đầu tiên huy động đội quân 1.200 người để bảo vệ công trình.

Khổng Minh cũng thiết lập chức Yển quan giữ vai trò quản lý và vận hành đập - mở ra lịch sử hàng nghìn năm cho vị trí chuyên trách này.

Khi công nghệ phát triển và phạm vi tưới tiêu được mở rộng, từ năm 1936, các kết cấu bằng vữa và bê tông bắt đầu được sử dụng để gia cố Đô Giang Yển. Dù hạ tầng thủy lợi được gia tăng và cải tiến, chiến lược phòng chống lũ của công trình không có thay đổi so với 2.000 năm trước đó.

Năm 1949, Quân giải phóng nhân dân (PLA) tiến quân vào Tứ Xuyên. Tướng Trung Quốc Hạ Long ra lệnh tiến hành tu sửa Đô Giang Yển. Hơn 1.500 quân nhân Trung Quốc tham gia chiến dịch, hoàn thành vào tháng 3/1950.

Vị thế to lớn của Đô Giang Yển ngày nay

Ngày nay, Đô Giang Yển được ghi nhận là có vị thế và vai trò đặc biệt quan trọng cả về chính trị, kinh tế cũng như văn hóa xã hội của Trung Quốc. Nod được ca ngợi là một "điển phạm của thế giới về quản lý thủy lợi".

Năm 1982, Đô Giang Yển được Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn đưa vào danh sách danh thắng cấp quốc gia đầu tiên. Đến năm 2007, khu thắng cảnh này trở thành điểm du lịch cấp 5A quốc gia của Trung Quốc.

Trong khi những công trình quy mô lớn với công nghệ hiện đại - bao gồm đập Tam Hiệp - tiếp tục đón nhận nhiều tranh luận trái chiều về hiệu quả điều tiết cũng như mức độ an toàn thì Đô Giang Yển hiện nay vẫn nổi lên như một hình mẫu về chiến lược trị thủy - vừa kiểm soát dòng nước, vừa bảo đảm dân sinh. Những giá trị của công trình này giúp Đô Giang Yển cùng núi Thanh Thành được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2000.

>> Siêu công trình thủy lợi có đập đất cao nhất Việt Nam, nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia đa dạng sinh học bậc nhất cả nước

Nhà máy thủy điện nằm ở độ cao 5.000m phía trên mực nước biển, có thể sản xuất trung bình hơn 7,3 tỷ kWh điện mỗi năm

Nhà máy thủy điện ngầm trong lòng núi đầu tiên do Việt Nam thiết kế với công suất lắp máy 520MW, sản lượng điện hàng năm trên 1,9 tỷ KWh

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/chiem-nguong-sieu-dap-thuy-loi-nha-tan-xay-da-2200-nam-van-duoc-su-dung-toi-nay-la-hinh-mau-ve-chien-luoc-tri-thuy-duoc-unesco-cong-nhan-la-di-san-van-hoa-the-gioi-d120179.html
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Chiêm ngưỡng siêu đập thủy lợi nhà Tần xây đã 2.200 năm vẫn được sử dụng tới nay, là hình mẫu về chiến lược trị thủy được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới
    POWERED BY ONECMS & INTECH