Chiến hạm tên lửa hiện đại đầu tiên do Việt Nam đóng: Trang bị 16 tên lửa chống hạm, có độ ổn định bậc nhất thế giới
Hai tàu tên lửa được tích hợp nhiều hệ thống thiết bị công nghệ cao, kết hợp tốt nhất giữa khả năng tấn công và phòng thủ.
Năm 2009, Tổng công ty Ba Son ký hợp đồng đóng mới tàu tên lửa  Molniya cho Quân chủng Hải quân, trên cơ sở hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Từ năm 2014-2017, lần lượt các tàu tên lửa tấn công nhanh thuộc Project 1241.8 lớp Molniya được Tổng công ty Ba Son bàn giao.
Được biết, tàu tên lửa lớp Project 1241.8 Molniya được mệnh danh là tia chớp vì sự lanh lẹ cùng khả năng tác chiến đáng sợ. Chúng được thiết kế để tiêu diệt nhóm tàu chiến , tàu đổ bộ, tàu hộ tống và các phương tiện mặt nước khác của đối phương. Hỏa lực mạnh, khả năng cơ động cao, tàu Molniya bổ sung và nâng cao đáng kể sức mạnh tác chiến cho hải quân  những nước sở hữu chúng, trong đó có Việt Nam.
Hai tàu tên lửa đầu tiên phiên hiệu HQ 377 và HQ 378 do Việt Nam đóng được Tổng công ty Ba Son bàn giao cho Quân chủng Hải quân vào ngày 27/6/2014 tại TP. HCM. Đến ngày 17/7/2014, Lễ thượng cờ, bàn giao tàu cho Vùng 2 Hải quân được tổ chức tại Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Hai tàu tên lửa HQ 377 và HQ 378 thuộc Project 1241.8 do Viện Almaz (Liên bang Nga) thiết kế, có lượng giãn nước lớn nhất 563 tấn, chiều dài 56,9m, mớn nước mũi 2,4m, vận tốc kinh tế 12-14 hải lý, lớn nhất 42 hải lý/h; thủy thủ đoàn 44 người; tầm hoạt động trên biển 10 ngày, tương đương 1.700 hải lý, dự trữ đầy nhiên liệu được 2.400 hải lý; chịu được sóng cấp 6-7.
Hai tàu tên lửa được tích hợp nhiều hệ thống thiết bị công nghệ cao, kết hợp tốt nhất giữa khả năng tấn công và phòng thủ như: các hệ thống vũ khí khí tài, động lực, thiết bị điều khiển, bảo vệ và kết cấu đảm bảo sức sống, tính năng đi biển, hoạt động độc lập…
Đáng chú ý, tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Molniya HQ 377 được trang bị 16 tên lửa chống hạm cận âm Uran-E, được bố trí thành 4 module phóng 2 bên thân tàu với 4 tên lửa Kh-35E mỗi module và 12 tên lửa phòng không Igla-1M. Tên lửa diệt hạm trang bị trên HQ 377 có tầm bắn 130km.
Hai khẩu pháo hạm AK630 (pháo phòng không tầm gần, bắn nhanh) ở phía sau lái của tàu HQ 377 bắn bằng 2 chế độ (điều khiển bằng radar hoặc cột ngắm BK), tốc độ bắn từ 4.000-5.000 phát/phút.
Hai con tàu này là thành quả của 10 năm chuẩn bị và là nỗ lực của hàng nghìn con người trong hơn 1.600 ngày đêm làm việc, trong đó có cán bộ công nhân viên Tổng công ty Ba Son - Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (Bộ Quốc phòng). Sự kiện này từng được tôn vinh trong chương trình "Ấn tượng Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2014".
Đến ngày 24/9/2015, cặp tàu tên lửa thứ hai số hiệu HQ 379 và HQ 380 cũng chính thức được đưa vào hoạt động. Trên mỗi tàu được trang bị bốn dàn phóng tên lửa Uran-E với tổng số 16 quả, cự ly bắn 130km. Ngoài dàn tên lửa, tàu 379 cũng được trang bị nhiều vũ khí tối tân, hiện đại phục vụ huấn luyện và chiến đấu.
Cặp tàu tên lửa cuối cùng trong gói hợp đồng đóng mới 6 tàu Molniya giữa Tổng công ty Ba Son và Quân chủng Hải quân được bàn giao vào ngày 9/10/2017. 2 tàu tên lửa được đóng tại Nga cũng được bàn giao cho cho Lữ đoàn 167, Vùng 2 Hải quân vào ngày này. Hai tàu Molniya mới của Việt Nam mang số hiệu HQ 382 và HQ 383.
Tàu tên lửa Molniya - một trong những tàu tên lửa tấn công hiện đại, được đánh giá là hoàn thiện và hoạt động ổn định hàng đầu thế giới hiện nay do Viện thiết kế Hải quân Almaz (Liên bang Nga) thiết kế. Việc đóng mới thành công các tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Molniya đã ghi nhận dấu mốc quan trọng trong lịch sử lĩnh vực đóng tàu quân sự Việt Nam. Tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya thuộc lớp 1241.8 là một trong những loại tàu có thiết kế phức tạp thể hiện thành tựu mới nhất của tiến bộ khoa học kỹ thuật.