Trong bối cảnh nhiều nông sản chủ lực giảm sản lượng, xuất khẩu gạo trở thành điểm sáng với mức ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ, giữ vị trí hàng đầu tại nhiều thị trường truyền thống.
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, số liệu của Cục Thống kê Philippines trong 5 tháng đầu năm 2023, Philippines đã nhập khẩu 1,5 tấn triệu tấn gạo từ Việt Nam, chiếm tới 89,6% trong tổng số 1,62 triệu tấn gạo được nhập khẩu vào quốc gia này. Do đó, Việt Nam tiếp tục là nhà cung cấp gạo lớn nhất của Philippines.
(TyGiaMoi.com) - Tăng giá trị
Trong 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu ra thế giới 3,6 triệu tấn gạo, trong đó lượng gạo xuất khẩu sang Philippines đạt 1,5 triệu tấn, chiếm 42,3%. Philippines tiếp tục là thị trường dẫn đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam.
Kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines trong giai đoạn trên đạt 772,4 triệu USD, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là động lực chính giúp kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Philippines trong 5 tháng đầu năm 2023 duy trì ở mức tăng trưởng dương trong bối cảnh xuất khẩu nhiều loại mặt hàng khác có chiều hướng sụt giảm.
Thậm chí, theo Vụ Thị trường châu Á - Châu Phi, thời gian còn lại của năm 2023 và sang năm 2024, dự kiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu gạo của Philippines sẽ tiếp tục gia tăng.
Không chỉ tại thị trường Philippines, Việt Nam còn xuất khẩu gạo sang 54 quốc gia Châu Phi với khối lượng đạt trên 600 nghìn tấn. Trong đó, các thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất gồm Ghana, Bờ Biển Ngà, Senegal, Mozambique, Cameroon, Gabon, Tanzania, Ai Cập…
Cùng với đó, các doanh nghiệp ngành lúa gạo cũng đánh giá cao thị trường Trung Quốc với trên 1,4 tỉ dân, khá đồng điệu với văn hóa ẩm thực của Việt Nam, có thói quen ăn gạo và “biết ăn gạo”.
Ông Nguyễn Quang Hòa, một trong những doanh nhân có lượng gạo xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Trung cho hay: 3 thị trường xuất khẩu gạo quan trọng nhất của Việt Nam là Philippines, Trung Quốc, Indonesia. Các thị trường này cũng đòi hỏi chất lượng gạo cao hơn và dĩ nhiên họ chấp nhận mức giá cao hơn, nên giá trị kim ngạch mang về vượt trội, khác với giá trị gạo xuất sang các nước Châu Phi.
(TyGiaMoi.com) - Xác định phân khúc - giữ vững thị trường
“Các nước Philippines, Indonesia, Trung Quốc yêu cầu gạo chất lượng cao từ Việt Nam, người dân các nước này không ăn gạo Pakistan hay gạo Ấn Độ vì gạo các nước đó có phẩm cấp thấp hơn gạo Việt Nam. Chính vì vậy, nếu Ấn Độ hay Pakistan có tăng lượng gạo xuất khẩu trên thế giới, cũng làm biến động lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Các doanh nhân Việt Nam cũng xác định rất rõ phân khúc thị trường và ý thức để giữ vững những thị trường tiềm năng, mang lại hiệu quả thương mại lớn này” , ông Nguyễn Quang Hòa nói.
Ông Nguyễn Quang Hòa cũng nhấn mạnh, sản xuất lúa gạo là ngành không có lợi nhuận cao. Mặc dù vậy, tìm được các khách hàng từ các thị trường lấy gạo làm lương thực chính sẽ tăng thêm giá trị cho gạo Việt, vì chỉ những người "sành" ăn gạo mới thẩm định được chất lượng và giá trị của gạo Việt.
"Chính vì vậy, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia luôn mang lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng được yêu cầu của chiến lược tái cơ cấu ngành lúa gạo là xuất khẩu giảm lượng, nhưng tăng giá trị”, ông Nguyễn Quang Hòa nhấn mạnh.
Nhận định về giá gạo xuất khẩu của Việt Nam không ngừng tăng trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Việt Nam đã có 85% là giống lúa chất lượng cao và 89% là gạo chất lượng cao. Chính vì thế, giá gạo Việt Nam đã vượt gạo Thái Lan trong thời gian vừa qua.
Quyết định số 583/QĐ-TTg ngày 26/5/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 đã xác định mục tiêu cụ thể là tăng giá trị gia tăng, nâng cao giá trị gạo xuất khẩu, giảm khối lượng xuất khẩu đến năm 2030 xuống còn khoảng 4 triệu tấn với kim ngạch tương đương khoảng 2,62 tỷ USD, giảm khối lượng nên nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2023 - 2025 giảm khoảng 2,4% và giai đoạn 2026 - 2030 giảm khoảng 3,6%.
Cơ cấu thị trường điều chỉnh phù hợp với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu và xu thế diễn biến thị trường gạo thế giới.
Đến năm 2025, thị trường châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo, thị trường châu Phi chiếm khoảng 22%, thị trường Trung Đông chiếm khoảng 4%, thị trường châu Âu chiếm khoảng 3%, thị trường châu Mỹ chiếm khoảng 7%, thị trường châu Đại Dương chiếm khoảng 4%.
Đến năm 2030, thị trường châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 55% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo, thị trường châu Phi chiếm khoảng 23%, thị trường Trung Đông chiếm khoảng 5%, thị trường châu Âu chiếm khoảng 5%, thị trường châu Mỹ chiếm khoảng 8%, thị trường châu Đại Dương chiếm khoảng 4%.
Đặc biệt, định hướng chung của Chiến lược là chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường trọng điểm, truyền thống, đồng thời chú trọng phát triển các thị trường có nhu cầu nhập khẩu gạo chất lượng, giá trị cao.
Lần đầu tiên Việt Nam chi tới gần 1 tỷ USD nhập khẩu gạo 
‘Kẹt’ dòng tiền, Angimex (AGM) muốn bán 100% vốn tại công ty con