Xã hội

Chiến sĩ đầu tiên lái cỗ ‘chiến xa’ huyền thoại T54-843 húc đổ cổng phụ Dinh Độc Lập, chứng kiến đồng đội cắm cờ giải phóng trên nóc Dinh

Thái Hà 23/04/2025 - 14:01

Ông chính là người lái chiếc xe tăng có mặt sớm nhất tại dinh lũy cuối cùng của địch trưa ngày 30/4/1975.

Vào thời khắc cuối cùng của chế độ ngụy quân, ngụy quyền (nghĩa là chính quyền, quân đội bất hợp pháp) Sài Gòn cách đây tròn 50 năm, trong đội hình "đột kích thọc sâu" thực hiện nhiệm vụ đặc biệt theo chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh - “nhanh chóng chiếm lĩnh các vị trí trọng yếu trong nội đô Sài Gòn” - có một người lính giải phóng quân quê ở Hà Nam.

Ông là người điều khiển cỗ xe tăng huyền thoại T54-843, chiếc xe có mặt sớm nhất tại dinh lũy cuối cùng của địch vào trưa ngày 30/4/1975. Người lính ấy tên là Lữ Văn Hỏa.

Chiến sĩ đầu tiên lái cỗ ‘chiến xa’ huyền thoại T54-843 húc đổ cổng phụ Dinh Độc Lập, chứng kiến đồng đội cắm cờ giải phóng trên nóc Dinh - ảnh 1
Ông Lữ Văn Hỏa, ảnh chụp năm 2015. Ảnh: Dân Trí

Ông Lữ Văn Hỏa sinh ra trong gia đình có 5 anh em trai đều tình nguyện nhập ngũ, trực tiếp chiến đấu tại chiến trường miền Nam trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Năm 1970, vừa tốt nghiệp Trường Trung cấp Cơ khí I ở Vĩnh Phú, Lữ Văn Hỏa đã đáp lại lời kêu gọi của Đảng “cả nước hành quân ra tuyến lửa”, khoác ba lô lên đường, hòa mình vào dòng người “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Sau 3 tháng huấn luyện cơ bản, ông được biên chế về Trung đoàn 203 thuộc Binh chủng Tăng - Thiết giáp. Nhờ không khí chiến đấu khẩn trương, sự say mê cùng vốn kiến thức cơ khí sẵn có, ông nhanh chóng thích nghi với nội dung huấn luyện chuyên sâu và nhanh chóng làm chủ kỹ thuật, chiến thuật của lính tăng.

Tháng 3/1971, ông cùng tổ xe gồm trưởng xe Bùi Quang Thận (Thái Bình), pháo thủ Thái Bá Minh (Nghệ An) và Nguyễn Văn Kỷ (Tuyên Quang) được giao nhiệm vụ điều khiển xe tăng T54-843, sẵn sàng lên đường chiến đấu.

Khi Hiệp định Paris về Việt Nam được ký vào tháng 1/1973, khí thế chiến đấu của quân dân hai miền lên cao chưa từng có. Những cỗ chiến xa thế hệ mới như T54 xuất hiện trên chiến trường tiếp thêm tinh thần cho các cánh quân. Cả tổ xe T54-843 lúc này nóng lòng xuất trận, sẵn sàng trút sấm sét lên đầu thù.

Thông tin “mở chiến dịch” đến trong bí mật. Những người lính tăng ôm chầm lấy nhau trong xúc động tột cùng, mừng rỡ và hồi hộp đợi lệnh.

Ngày 20/3/1975, Trung đoàn 203 được Bộ Tư lệnh Quân đoàn II điều vào đội hình đột kích cơ động mạnh, nhận mật lệnh tập trung hỏa lực từ núi Bông đánh lên sân bay Phú Bài (Thừa Thiên - Huế).

Dưới phương châm đã trở thành mệnh lệnh “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, những “voi sắt” T54 từ rừng già vươn nòng, trút lửa nghiền nát các ổ đề kháng ngoan cố, hỗ trợ bộ binh tiến lên làm chủ chiến trường.

Chiến sĩ đầu tiên lái cỗ ‘chiến xa’ huyền thoại T54-843 húc đổ cổng phụ Dinh Độc Lập, chứng kiến đồng đội cắm cờ giải phóng trên nóc Dinh - ảnh 2
Xe tăng quân Giải phóng đánh chiếm Dinh Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn. Ảnh: TTXVN

Ngày 26/3/1975, xe T54-843 do Lữ Văn Hỏa điều khiển xuất hiện tại cửa biển Thuận An, từ đây tiếp tục hành quân dọc Quốc lộ 1, truy kích địch, giải phóng Đà Nẵng cùng hàng loạt tỉnh Nam Trung Bộ, khép chặt “vòng đai lửa” quanh Sài Gòn.

Sáng 29/4/1975, tại cầu Buông (Biên Hòa), Trung đoàn 203 nhận lệnh tổng công kích các vị trí chiến lược như ngã ba Tam Hiệp, xa lộ Biên Hòa, cầu Sài Gòn…

Chiến sĩ đầu tiên lái cỗ ‘chiến xa’ huyền thoại T54-843 húc đổ cổng phụ Dinh Độc Lập, chứng kiến đồng đội cắm cờ giải phóng trên nóc Dinh - ảnh 3
Các chiến sĩ trên chiếc tăng T54-843 trưa ngày 30/4/1975. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Đến 9h30 sáng 30/4/1975, xe tăng T54-843 áp sát cầu Thị Nghè. Trưởng xe Bùi Quang Thận ra lệnh hạ nòng pháo, tiêu diệt các mục tiêu địch vẫn cố chống trả điên cuồng.

Vượt qua cầu Thị Nghè, T54-843 dẫn đầu đoàn xe tăng tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn. Quần chúng cách mạng hai bên đường hò reo, vẫy tay dẫn đường cho đoàn quân giải phóng.

Đúng 11h trưa, tòa nhà Dinh Độc Lập hiện ra. Cỗ "chiến xa" T54-843 sạm đầy khói lửa chiến trường gầm lên cùng đoàn tăng tiến vào trong sân và chỉ ít phút sau, lá cờ giải phóng do Trung úy trưởng xe Bùi Quang Thận mang theo đã tung bay trên nóc tòa nhà, báo hiệu thời khắc lịch sử thiêng liêng, huy hoàng "Toàn thắng về ta"...

Chiến sĩ đầu tiên lái cỗ ‘chiến xa’ huyền thoại T54-843 húc đổ cổng phụ Dinh Độc Lập, chứng kiến đồng đội cắm cờ giải phóng trên nóc Dinh - ảnh 4
Xe tăng T54 số hiệu 843. Ảnh: Internet

Ngày nay, sau 50 năm, xe tăng T54-843 vẫn được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam , được công nhận là Bảo vật Quốc gia vào năm 2012.

>> Chiếc xe tăng húc đổ cổng phụ Dinh Độc Lập trong ngày 30/4/1975: Từng gây ra cuộc tranh cãi kéo dài suốt 2 thập kỷ, đang được trưng bày tại bảo tàng quân sự 'khủng' nhất Việt Nam

Phi công lái Su-30MK2 dẫn đầu đội hình ‘hổ mang chúa’ bay trên nóc Dinh Độc Lập trong lễ diễu binh 30/4 sắp tới: Mang hàm Đại tá, từng tham gia nhiều sự kiện quốc phòng quan trọng

Hơn 10.000 người hợp luyện diễu binh 30/4 trước dinh Độc Lập

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/chien-si-dau-tien-lai-co-chien-xa-huyen-thoai-t54843-huc-do-cong-phu-dinh-doc-lap-chung-kien-dong-doi-cam-co-giai-phong-tren-noc-dinh-141044.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Chiến sĩ đầu tiên lái cỗ ‘chiến xa’ huyền thoại T54-843 húc đổ cổng phụ Dinh Độc Lập, chứng kiến đồng đội cắm cờ giải phóng trên nóc Dinh
    POWERED BY ONECMS & INTECH