Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã cập nhật tiến độ triển khai của loạt dự án điện khí và năng lượng quan trọng tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7.
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024.
Đề cập đến tiến độ các dự án điện khí và năng lượng, Phó Thủ tướng cho biết đang tích cực tháo gỡ khó khăn tại các dự án quan trọng. Trong đó, dự án điện khí Lô B - Ô Môn với tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD đã được phê duyệt quyết định đầu tư, ký kết hợp đồng mua, bán điện khí.
Được biết, sản lượng khai thác khí dự kiến của dự án này mang lại khoảng 5,06 tỷ m3 khí/năm trong giai đoạn ổn định, cung cấp cho tổ hợp 4 nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn tại Cần Thơ với tổng công suất lắp đặt gần 4.000MW.
Ngoài ra, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã triển khai tái cấu trúc quản trị, điều hành và tối ưu hóa sản xuất kinh doanh. Đây là dự án có tổng mức đầu tư lớn trên 9 tỷ USD do Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) - Liên doanh quốc tế về lĩnh vực dầu khí giữa Việt Nam, Nhật Bản và Kuwait làm chủ đầu tư.
>> 'Siêu dự án' điện khí 12 tỷ USD được tái khởi động 
Hình ảnh: Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn |
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết dự án điện Long Phú 1 đang được đàm phán, xử lý vướng mắc để sớm tái khởi động trong thời gian tới. Được biết, của dự án này có công suất 1.200MW, tổng vốn đầu tư ban đầu là 1,5 tỷ USD và được khởi công xây dựng vào tháng 9/2015. Tổng thầu là liên danh nhà thầu Power Machines (PM, Nga) - Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC).
Theo hợp đồng EPC, dự án kết thúc và vận hành vào năm 2019. Tuy nhiên vào năm 2018, nhà thầu chính PM vướng cấm vận của Mỹ và sau đó đã đơn phương tuyên bố dừng thực hiện hợp đồng. Đến nay, dự án vẫn gặp nhiều vướng mắc dẫn tới việc chậm trễ tiến độ thực hiện.
Một cổ phiếu bất động sản được nới margin lên 50%, giá tăng 45% vẫn ‘đắt hàng’ 
CNG: Hưởng lợi xu thế ‘xanh hóa ngành khí’, mục tiêu chiếm lĩnh 60% thị phần phân phối LNG