Chính sách bữa trưa miễn phí đầy thách thức của Indonesia
Các hãng tín dụng cho biết chương trình trị giá 29 tỷ USD nhằm tài trợ cho bữa ăn của gần 80 triệu trẻ em có thể gây căng thẳng cho ngân sách Indonesia.
Chính sách cung cấp bữa trưa và sữa cho tổng cộng 78,5 triệu học sinh tại khoảng 400.000 trường học trên toàn quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto đã trở thành tâm điểm trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông vào tháng trước.
Các nhà phân tích tài chính cảnh báo ngân sách của Indonesia sẽ phải chi ra khoảng 29 tỷ USD mỗi năm để duy trì bữa ăn miễn phí.
Kết quả cuối cùng dự kiến sẽ có vào ngày 20/3, nhưng một cuộc kiểm phiếu do Ủy ban Tổng tuyển cử công bố vào ngày 27/2, với khoảng 3/4 số phiếu đã được kiểm, cho thấy ông Prabowo dẫn trước hai đối thủ của mình rất xa, với tỷ lệ phiếu bầu là 58,84%.
Nếu được xác nhận là nhà lãnh đạo tiếp theo của Indonesia, vị tướng 72 tuổi này kỳ vọng chính sách của mình sẽ được triển khai từ cấp mầm non đến trung học cũng như tới 4,4 triệu bà mẹ tương lai.
Hầu hết học sinh Indonesia  đều tự mang bữa trưa đến trường hoặc phải bỏ tiền ra mua.
Nhưng các cơ quan xếp hạng tín dụng cho biết chương trình đầy tham vọng của ông Prabowo cho rằng kế hoạch đầy tham vọng này sẽ gây áp lực lớn lên kho bạc của chính phủ và thậm chí có thể vi phạm giới hạn thâm hụt ngân sách do luật quy định ở mức 3% GDP.
Fitch Ratings viết trong báo cáo ngày 20/2: “Chúng tôi tin rằng rủi ro tài chính trung hạn đã tăng lên do một số cam kết trong chiến dịch tranh cử của ông Prabowo, bao gồm chương trình sữa và bữa trưa miễn phí ở trường có thể tiêu tốn khoảng 2% GDP hàng năm”.
Theo đại diện nhóm vận động tranh cử của ông Prabowo, chương trình bữa trưa miễn phí dự kiến kéo dài đến năm 2029 sẽ cần tới 450 nghìn tỷ rupiah (29 tỷ USD) hàng năm. Ngoài ra, chính quyền của ông Prabowo sẽ cần khoản ngân sách từ 100 nghìn tỷ đến 120 nghìn tỷ rupiah cho năm cầm quyền đầu tiên.
Indonesia cũng có một dự án tốn kém khác đang được triển khai mà chính quyền dưới thời ông Prabowo có vẻ sẽ tiếp tục theo đuổi: xây dựng thủ đô mới Nusantara trên đảo Borneo.
Trong khi đó, chính quyền hiện tại của Tổng thống Joko Widodo, người sẽ từ chức vào tháng 10, đã bắt đầu thảo luận về khoản ngân sách tiếp theo của quốc gia, bao gồm cả các chính sách của Prabowo.
Ông Widodo cho biết tại cuộc họp nội các ngày 26/2 rằng đề xuất ngân sách nhà nước năm 2025 phải điều chỉnh cho phù hợp với các chương trình của tân tổng thống và đảm bảo tính liên tục trong công việc của chính quyền hiện tại.
“Các kế hoạch chính sách tài khóa vào năm 2025 là cầu nối để đảm bảo tính liên tục và đáp ứng các chương trình của tổng thống sắp tới”, Tổng thống Widodo nói.
Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cùng ngày cho biết chương trình bữa trưa miễn phí đã được đưa vào tính toán của chính phủ để ước tính tăng trưởng GDP và thâm hụt tài chính năm 2025, đồng thời cho biết thâm hụt ngân sách năm 2025 sẽ ở mức 2,45% đến 2,8% GDP. Thâm hụt ngân sách năm 2023 của Indonesia dừng ở mức 1,65% GDP.
Indonesia đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế ổn định khoảng 5% hàng năm, trong khi Ngân hàng Permata dự báo nền kinh tế sẽ tăng trưởng 5,07% trong năm nay và 5,15% vào năm 2025.
Tuy nhiên, Josua Pardede, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Permata, cho biết: "Chính phủ mới sẽ cần phải cải thiện nguồn thu ngân sách cùng với việc tái phân bổ chi tiêu để tăng ngân sách bữa ăn miễn phí sau năm 2025".
VinFast giành cú đúp giải thưởng tại triển lãm ô tô quốc tế Indonesia 2024 
3 doanh nghiệp tại Indonesia đặt hàng 600 xe điện Vinfast