Chính thức từ hôm nay, Việt Nam lần đầu tiên có 2 thành phố trực thuộc Trung ương liền kề nhau
Từ ngày 1/1/2025, thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam chính thức được thành lập.
Theo Nghị quyết 175/2024/QH15 được Quốc hội thông qua, từ ngày 1/1/2025, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với tên gọi TP. Huế. Thành phố mới sẽ bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên 4.947,11km2 và quy mô dân số 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Như vậy, từ năm 2025, Việt Nam sẽ có tổng cộng 6 thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
> > Lào muốn thành lập khu công nghiệp VSIP mang tên Lào - Việt 
Với vị trí địa lý giáp Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị, Lào và biển Đông, Huế và Đà Nẵng sẽ trở thành hai thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên của Việt Nam có ranh giới liền kề. Điều này không chỉ tạo cơ hội phát triển kinh tế vùng liên kết giữa hai địa phương mà còn thúc đẩy hợp tác về du lịch, thương mại và văn hóa trong khu vực.
Việc thành lập TP. Huế là một cột mốc quan trọng, giúp đẩy nhanh quá trình thực hiện các quy hoạch, chương trình phát triển đô thị đã được phê duyệt. Đây cũng là động lực để địa phương có kế hoạch đầu tư cụ thể, tăng cường chất lượng đô thị và phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Qua đó, TP. Huế hướng đến nâng cao thu nhập bình quân đầu người và các chỉ số phát triển xã hội khác.
Theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, TP. Huế sẽ trở thành đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam vào năm 2030. Địa phương cũng đặt mục tiêu trở thành trung tâm văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu đặc sắc tại Đông Nam Á; đồng thời là trung tâm lớn về khoa học, công nghệ, giáo dục đa ngành, và kinh tế biển mạnh của cả nước.
Để hiện thực hóa các mục tiêu này, Huế hướng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 9-10%/năm trong giai đoạn 2025-2030. GRDP bình quân đầu người dự kiến đạt 6.000 USD vào năm 2030, với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70%. Thành phố cũng phấn đấu duy trì vị trí dẫn đầu cả nước về các chỉ số như năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải cách hành chính (PAR Index), hiệu quả quản trị (PAPI), và chuyển đổi số (DTI).
Ở phía Nam, TP. Đà Nẵng cũng đặt ra các mục tiêu phát triển vượt bậc theo quy hoạch thời kỳ 2021-2030. Thành phố hướng đến trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò nổi bật trong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistic, và công nghệ cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng được kỳ vọng đạt 9,5-10%/năm, với mục tiêu GRDP bình quân đầu người từ 8.000-8.500USD vào năm 2030 và tỷ lệ đô thị hóa vượt mức 90%.
Sự phát triển song hành của hai thành phố trực thuộc Trung ương tại miền Trung - Huế và Đà Nẵng sẽ góp phần quan trọng trong việc định hình khu vực này thành một trung tâm kinh tế, văn hóa, và khoa học công nghệ hiện đại, đóng vai trò động lực cho sự phát triển của cả nước trong giai đoạn tới.