Chợ mới xong 4 năm bỏ hoang, chợ cũ xuống cấp vẫn tấp nập
Chợ Bà Đầm mới (huyện Thới Lai, Thành phố Cần Thơ) được xây dựng khang trang, xe cộ lưu thông dễ dàng, đã hoàn thành 4 năm nay, nhưng vắng tiểu thương tới hoạt động. Trong khi chợ cũ xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và mất an toàn giao thông vẫn hoạt động tấp nập.
Chợ cũ tấp nập, chợ mới bỏ hoang
Chợ Bà Đầm (xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ) là ngôi chợ truyền thống của địa phương, được hình thành cách đây khoảng 50 năm. Vào giờ buôn bán cao điểm, chợ có hơn 100 tiểu thương bán hàng, người dân tới mua bán, trao đổi tấp nập. Tuy nhiên, khu chợ này hiện xuống cấp nghiêm trọng, tạm bợ. Đường đi trong khu chợ nhỏ hẹp, nhếch nhác, hàng hóa lấn chiếm gần hết lối đi.
Chợ Bà Đầm cũ dù xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, vẫn tấp nập người mua - bán. |
Do chợ Bà Đầm cũ xuống cấp, năm 2008, UBND TP. Cần Thơ đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng Khu thương mại Trường Xuân mới, cách chợ Bà Đầm vài trăm mét, để thay cho chợ cũ.
Tháng 8/2020, dự án chợ mới hoàn thành xây dựng, UBND xã Trường Xuân được giao di dời tiểu thương tại chợ Bà Đầm sang khu chợ Trường Xuân. Tuy nhiên, việc di dời không được các tiểu thương tại chợ Bà Đầm đồng thuận. Thực tế tại chợ mới Trường Xuân hiện gần như không có tiểu thương nào mua bán.
Một số tiểu thương tại chợ Bà Đầm cho biết khi chợ mới đưa vào hoạt động, ban đầu cũng có một số tiểu thương đăng ký ki-ốt và chuyển sang bán hàng. Tuy nhiên, việc mua bán ở chợ mới ế ẩm nên họ trả ki-ốt và về lại chợ cũ để kinh doanh tiếp.
Được biết, ki-ốt tại chợ Bà Đầm có giá thuê bình quân 2.000 đồng/m2/tháng (giá theo từng vị trí), còn chợ mới Trường Xuân 3.000 đồng/m2/tháng.
Hiện chợ Bà Đầm cũ nằm trong diện quy hoạch di dời để mở rộng đường, làm bờ kè và xây công viên, nên thời gian tới sẽ buộc phải phá dỡ.
Chợ Trường Xuân mới được dựng lên để thay chợ Bà Đầm, nhưng bỏ hoang 4 năm nay không ai tới mua bán, dù chỉ cách chợ cũ vài trăm mét. |
Tái lấn chiếm mặt bằng cũ
Dự án khu thương mại Trường Xuân được chia làm khu A và B, tổng diện tích hơn 4 ha, vốn đầu tư hơn 95 tỷ đồng, từ vốn xã hội hóa. Để làm dự án, có 169 hộ dân phải nhường đất. Tới nay, mặt bằng sạch hơn 3 ha, diện tích còn lại người dân chưa di dời. Theo quyết định được duyệt, có 278 lô nền để tái định cư cho người dân nhường đất làm dự án, nhưng tới nay mới có 50 trường hợp nhận đất tái định cư.
Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Phát Đạt (chủ đầu tư chợ mới Trường Xuân) cho biết khu tái định cư của dự án đã hoàn thành nhưng một số hộ dân không tới bốc thăm nhận nền. Dự án chậm triển khai, khiến doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn.
Theo ghi nhận của PVTiền Phong, có hộ dân sau khi di dời nhường đất làm chợ Trường Xuân nay lại quay về đất cũ. Điển hình, trường hợp gia đình bà Phạm Thị Hạnh, 7 năm trước đã nhận tiền đền bù và giao mặt bằng cho dự án, nay con bà đã quay về đất cũ cất nhà mới.
Ông Lê Văn Vẫn - Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân - xác nhận việc có người dân quay lại đất cũ tái lấn chiếm, dựng nhà như trường hợp nhà bà Hạnh, một phần cũng do con cái có cuộc sống khó khăn. Xã đã lập biên bản vi phạm của gia đình bà Hạnh và gửi cấp thẩm quyền xử phạt. “Xã kiên quyết xử lý các trường hợp tái lấn chiếm, nếu không sẽ tạo tiền lệ xấu đối với các hộ còn lại đã giao mặt bằng”, ông Vẫn nói.
Với các trường hợp mua bán tự phát, lấn chiếm chân cầu chợ Bà Đầm để kinh doanh, lãnh đạo UBND xã Trường Xuân thừa nhận chưa xử lý triệt để, dù đã vận động người dân nhiều lần. Do khi có lực lượng chức năng tới, người buôn bán đem hàng bỏ đi. Sắp tới, địa phương cương quyết xử lý.
Đối với việc chuyển tiểu thương ở chợ cũ sang chợ mới, ông Vẫn cho biết xã đã xây dựng kế hoạch di dời, dự kiến dứt điểm trong năm sau. Tuy nhiên, có một số tiểu thương đồng ý đi, một số không đồng ý.
"Dù chợ mới đường thông thoáng, đi lại thuận tiện, nhưng nhiều tiểu thương cho rằng chợ cũ mua bán thuận tiện hơn, nên không rời đi. Còn khu chợ mới chủ đầu tư cũng có chính sách miễn, giảm phí trong 3-6 tháng đầu tiểu thương vào hoạt động, nhưng vẫn không thu hút được tiểu thương chuyển sang", ông Vẫn nói thêm.
Chợ Trường Xuân cách chợ Bà Đầm vài trăm mét, nhưng vắng bóng người mua bán sau 4 năm hoàn thành. |
Không có tiểu thương mua bán tại chợ Trường Xuân. Ảnh: Nhật Huy. |
>> Chợ 4.000m2 ở Nam Định xây xong bỏ hoang, tiểu thương chỉ thích họp tại chợ cóc 
Sắp khởi công xây dựng cao tốc nối đến điểm cực Nam của Tổ quốc 
Bảng giá bồi thường mới tại Cần Thơ gây sốt: Sầu riêng lập đỉnh gần 14 triệu đồng/cây