Vĩ mô

Chống lãng phí 50-60 tỷ Euro mỗi năm: Sáng kiến từ nước Đức

Tiến sĩ Đinh Duy Hòa 04/11/2024 - 07:23

Để chống lãng phí, 280 bệnh viện công trên toàn nước Đức thành lập một doanh nghiệp chung, chuyên mua sắm trang thiết bị y tế. Nhờ mua khối lượng lớn, đơn hàng lớn nên được giảm giá so với từng bệnh viện tự đứng ra mua sắm.

Một vấn đề có tính quy luật không chỉ ở nước ta mà ở khắp các nơi trên thế giới, đó là đã có nhà nước, có thực thi quyền lực nhà nước là có tham nhũng; đã có tài sản công, tiền của công là có sự lãng phí công. Các nước đều đương đầu với chống lãng phí và có khá nhiều sáng kiến hay.

Tại Việt Nam, trong phiên thảo luận tổ của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội chiều 26/10 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dành thời gian nói đến tình trạng lãng phí. Tổng Bí thư dẫn ra câu chuyện về cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai tại tỉnh Hà Nam với quy mô đầu tư mỗi cơ sở khoảng 4.500 tỷ đồng sau gần 10 năm khởi công xây dựng vẫn trong tình trạng bỏ hoang, gây lãng phí lớn. Đây là một ví dụ điển hình của sự lãng phí tiền bạc của nhà nước. Theo Tổng Bí thư thì lãng phí có khi còn nguy hại hơn tham nhũng.

Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng ngẫm kỹ có cái lý của nó, bởi tham nhũng thì chỉ một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức dính líu, nhưng lãng phí thì hầu như ai cũng có thể dính. Công chức ta mấy ai có thói quen ra khỏi phòng làm việc thì tắt đèn, tắt điều hòa; giấy viết và in tài liệu thì dùng vô tư… Đấy là nói lãng phí những cái gọi là nho nhỏ. Lãng phí những cái lớn hơn như Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập bao gồm lãng phí trong đầu tư công, dự án, ngân sách nhà nước, trong xây dựng chính sách, pháp luật…

Muôn hình, muôn vẻ lãng phí

Quy ra tiền thì con số tiền lãng phí một năm ở ta là bao nhiêu? Chưa thấy ai nói đến. Lấy một con số của Cộng hòa Liên bang Đức để hình dung cho dễ thấy. Vài năm qua, các cơ quan công quyền cấp liên bang, cấp bang và chính quyền địa phương huyện, xã ở Đức, riêng tiền mua sắm các loại vật phẩm, dịch vụ cần thiết cho hoạt động bình thường đã lên đến 500 tỷ Euro. Con số này đã vượt GDP nước ta - 430 tỷ USD vào năm 2023. Mua sắm từ cái lớn như ô tô đến khí sưởi ấm cho đến cái nhỏ như giấy, mực in…

Theo ước tính của các nhà nghiên cứu Đức, sự lãng phí trong mua sắm này là từ 50 đến 60 tỷ Euro. Đúng là một con số không hề nhỏ. Con số này nói lên điều gì? Rất đơn giản là nếu biết cách mua sắm thì sẽ tiết kiệm được 50 đến 60 tỷ Euro hàng năm.

Hình ảnh.jpg
Bệnh viện Fulda ở Đức, đơn vị mua 3 máy chụp cắt lớp đã tiết kiệm được 750.000 Euro nhờ việc lập ra EKK Plus - doanh nghiệp chung chuyên mua sắm trang thiết bị y tế. Ảnh: DPA

Có thể nói sự lãng phí diễn ra trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của khu vực công. Lãng phí trong đầu tư công, trong mua sắm công, trong sử dụng nhân lực công, trong sử dụng phương tiện công… Đấy là chưa kể lãng phí vô hình gây ra thiệt hại như thế nào.

Những thành ngữ vốn hình thành từ bao đời nay như “của chùa“, “cha chung không ai khóc“ đã phần nào nói lên tình trạng lãng phí trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Một điều cũng dễ dàng nhận ra là sự lãng phí thời bao cấp chẳng là bao so với thời buổi kinh tế thị trường bây giờ. Thời bao cấp, cán bộ nhà nước ở trung ương về địa phương công tác dứt khoát phải mang theo tem gạo để nộp cho nhà bếp cơ quan mình đến công tác mới có suất ăn. Dần dần khấm khá lên thì lại hình thành ra một loại quy tắc bất thành văn là cán bộ trung ương về tỉnh công tác thì tỉnh lo hết, cán bộ tỉnh về huyện thì huyện lo hết… Điều quan trọng nữa là các bữa ăn kiểu này cực kỳ lãng phí, bởi người Việt ta vốn hiếu khách, cứ đặt ăn dư ra, nhiều hơn chút chẳng sao, còn hơn là thiếu. Mà tiền ở đâu để ăn nhỉ? Tiền nhà nước cả, chả có ai bỏ tiền túi để chi kiểu này.

Rồi năm mới, Tết sắp đến, thế là các cơ quan, tổ chức thi nhau in thiếp chúc mừng năm mới. Cấp trưởng, cấp phó có thiếp chúc riêng. Giá như có ngay quy định vị nào muốn in thiếp riêng thì tự bỏ tiền túi ra. Chắc sẽ chỉ còn rất ít thiếp được in ra dịp này. Có nước nào sử dụng tiền công theo kiểu này như ở nước ta? In thiếp, in lịch cơ quan để chúc nhau, tặng nhau. Ngần ấy cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương mà thiếp, lịch kiểu này chắc tính chi tiết mỗi năm cũng ra một khoản kha khá. Bao nhiêu năm như thế, có thấy ai nói gì đâu.

Rồi đến câu chuyện thăng chức. Một người được bổ nhiệm giám đốc sở nào đó ở tỉnh thì dứt khoát phòng làm việc của giám đốc mới này được tân trang, bàn ghế, máy vi tính… sẽ là mới hết, không có chuyện dùng lại của vị giám đốc cũ mới rời nhiệm sở. Từ bao năm nay mọi người thấy thế là bình thường, là đương nhiên phải thế. Cũng là một sự lãng phí kiểu Việt Nam ta.

Nếu liệt kê chi tiết các hình thức lãng phí công cụ thể ở nước ta chắc còn rất nhiều thứ kể ra được, kiểu như lãng phí xăng, xe công vụ, văn phòng phẩm như giấy, bút, mực in… cho đến những lãng phí ở tầm vĩ mô như Tổng Bí thư đã nêu lãng phí trong đầu tư công, trong sử dụng nhân lực công…

Trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, viên chức

Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu khá cụ thể các biện pháp chống lãng phí, thậm chí cả cách làm. Điều đặc biệt trong chống lãng phí của người đứng đầu hệ thống chính trị đưa ra là xử lý trách nhiệm những người gây lãng phí nghiêm trọng. Cuối cùng thì cũng phải có ai đó chịu trách nhiệm chứ. Gắn điều này vào cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức có nghĩa là phải xem trách nhiệm của các vị đầu ngành y tế từ năm 2014 đến nay. Nghiên cứu kinh nghiệm các nước về chống lãng phí, chưa thấy nước nào xử lý kỷ luật hành chính, chứ đừng nói xử lý hình sự ai đó về sự thất thoát, lãng phí của công nghiêm trọng. Chính vì vậy, đây phải được coi là điểm nhấn cực kỳ quan trọng trong cách tiếp cận chống lãng phí ở nước ta của người đứng đầu hệ thống chính trị.

Từ thực tiễn cho thấy để phòng, chống lãng phí hiệu quả, cần chú ý thêm mấy điểm sau đây:

Một là, có làm thực chất không, hay chỉ nói rồi để đấy. Người đứng đầu hệ thống chính trị nghiêm túc, tâm huyết và đầy trách nhiệm về chống lãng phí mà cả hệ thống không hưởng ứng, không vào cuộc thì mọi sự đâu lại vào đấy.

Hai là, khắc phục cho được quan niệm phổ biến lãng phí một chút không chết ai, lãng phí không nguy hại đến sự tồn vong của chế độ, không nguy hiểm bằng tham nhũng. Chính quan niệm như vậy mới dẫn đến không cần thiết phải chống lãng phí hoặc nếu có làm thì cũng không thực sự quyết liệt.

Ba là, ở từng cơ quan, tổ chức, chống lãng phí trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu. Người đứng đầu nghiêm túc trong công tác này sẽ thực sự tạo ra kết quả tốt và ngược lại. Người đứng đầu làm gương trong công tác này quả thực cũng sẽ khác.

Bốn là, chống lãng phí không chỉ riêng là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, mà còn là trách nhiệm của từng CBCCVC. Mấy triệu CBCCVC cùng tiết kiệm, chống lãng phí trong công việc hàng ngày ở cơ quan, tổ chức mình sẽ mang lại một kết quả hết sức đáng ghi nhận.

Năm là, hết sức cần thiết có những quy định phù hợp về chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức. Đó là các quy định về đầu tư công, về sử dụng nguồn lực công như đất đai, tài nguyên cho đến quy định về định mức sử dụng vật tư, trang thiết bị, văn phòng phẩm… cũng như tiêu chuẩn CBCCVC trong hoạt động công vụ…

2 ví dụ của nước Đức

Sáu là, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài trong chống lãng phí. Các nước đều đương đầu với chống lãng phí và có khá nhiều sáng kiến hay. Sau đây là 2 ví dụ của nước Đức.

Từ nhiều năm nay, 280 bệnh viện công tại các địa phương trên toàn nước Đức thành lập ra một doanh nghiệp chung, chuyên mua sắm trang thiết bị y tế với tên gọi EKK Plus. Tiền mua sắm của EKK Plus cho các bệnh viện thành viên năm ngoái là khoảng 1,3 tỷ Euro. Mua sắm chung có lợi thế là vì mua khối lượng lớn, đơn hàng lớn nên được giảm giá so với từng bệnh viện tự đứng ra mua sắm. Ông Markus Fischer, Trưởng phòng mua sắm Bệnh viện Fulda nói nhờ có EKK Plus mà bệnh viện của ông mua 3 máy chụp cắt lớp đã tiết kiệm được 750.000 Euro.

Sách ảnh.jpg
Sách Đen Lãng phí công 2023/2024, một trong những sản phẩm có giá trị của Hiệp hội những người đóng thuế Đức

Chống lãng phí không chỉ là câu chuyện của cơ quan công quyền, mà liên quan trực tiếp tới người dân, vì suy đến cùng lãng phí công là lãng phí tiền thuế của dân. Trên tinh thần đó, Hiệp hội những người đóng thuế Đức đã ra đời và hoạt động từ 71 năm nay. Một trong những sản phẩm có giá trị hàng năm của Hiệp hội là cuốn sách được phát hành hàng năm với tên gọi Sách Đen Lãng phí công.

Cuốn Lãng phí công 2023/2024 là cuốn thứ 51 được phát hành, đã chỉ ra 100 trường hợp lãng phí công trên một số lĩnh vực. Thông qua hoạt động của mình, Hiệp hội góp phần phát hiện các trường hợp lãng phí công, đưa ra những đề xuất tiết kiệm ngân sách nhà nước, kiến nghị những cải cách về các quy định của pháp luật khắc phục tình trạng lãng phí công đang diễn ra và sử dụng hiệu quả tiền thuế của dân.

>> Rà soát, xử lý nghiêm các vụ việc lãng phí lớn, dư luận xã hội quan tâm

Khởi tố vụ án gây lãng phí ngân sách khi thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng

Rà soát, xử lý nghiêm các vụ việc lãng phí lớn, dư luận xã hội quan tâm

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/chong-lang-phi-50-60-ty-euro-moi-nam-sang-kien-tu-nuoc-duc-2338365.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Chống lãng phí 50-60 tỷ Euro mỗi năm: Sáng kiến từ nước Đức
    POWERED BY ONECMS & INTECH